Bánh Chưng Bánh Dầy

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Nêu cao pháo nổ, bánh chưng xanh!

Nhưng đâu là Nguồn gốc và Ý nghĩa của món ăn đặc biệt đầy hương vị của ngày Tết? Ta hãy cùng nhau «ôn cố tri tân».

I- NGUỒN GỐC
Tục truyền rằng Vua Hùng Vương có 20 người con, văn võ kiêm toàn. Vua không biết chon hoàng tử nào để truyền ngôi. Nhân ngày đầu năm sẽ mở hội khao quân và cho toàn dân vui Xuân, Vua truyền sẽ chỉ định hoàng tử để nối ngôi: hoàng tử nào dâng lên Vua cha của ngon vật lạ, chưa từng thấy mà làm vừa lòng Vua hơn cả.

Nghe thế, các hoàng tử đua nhau sai gia nhân lên rừng, xuống bể tìm những của hay, vật lạ đem về để dâng lên cho vua trong ngày Hội...
Trọng người hiền

Riêng hoàng tử Lang Liêu, người con thứ 18, vừa mồ côi mẹ vừa ít gia nhân, nên không biết phải làm gì để đua tranh với các anh mình. Thế rồi một hôm, hoàng tử đang nằm suy nghĩ trên chiếc võng cột ở hai đầu hồi nhà, rồi thiu thỉu ngủ khi nào không hay. Hoàng tử thấy một vị thần hiện lên, đầu râu tóc bạc phơ, tỏ lòng thương hại hoàng tử là con người hiền, nên đã mách bảo:

- Con ơi, trên đời không gì quý trọng bằng cơm gạo. Thóc lúa là của ăn trời ban cho. Con hãy lấy gạo nếp mà làm thành hai thứ bánh. Một bánh nặn hình tròn, tượng trưng cho Trời; một bánh gói thành hình vuông, tượng trưng cho Đất. Trong bánh hình vuông, con hãy cho vào đó một ít nhân. Gói xong, cột lại, đem nấu chín, rồi dâng lên cho Vua cha thì không có lễ vật nào sánh kịp được» Nói xong, vị thần biến mất!

Tỉnh dậy, hoàng tử vui mừng và truyền gọi gia nhân và kể cho họ nghe giấc mộng và lời thần dạy bảo cách thức làm hai thứ bánh đó.
Muốn cho bánh hình tròn tinh khiết, mịn màng, rắn chắc và dễ nặn.., gia nhân đem vút gạo nếp thật sạch, đem giã thật kỹ, nặn thành hình mặt trên khum tròn, rồi mới đem đi nấu thật chín.

Còn bánh hình vuông, thì để cho bánh được mềm mại, gia nhân đem gạo nếp vút thật sạch và ngâm suốt đêm. Muốn gói cho vuông, họ dùng khung gỗ đóng góc. Còn lá thì họ dùng lá dong là thứ lá mọc nhiều trong rừng kế cận. Còn nhân, thì họ lấy đậu vàng, luộc sơ qua cho mềm, rồi đâm nhuyễn và thêm thịt heo từng miếng mỏng làm nhụy. Gói xong, lấy lạt tre buộc lại rồi đem nấu suốt đêm cho thật chín.

Đoàn gia nhân làm ba ngày ba đêm tận lực để gói và nấu chín mỗi thứ 100 cái, tiêu biểu cho một Mẹ trăm con. Xong xuôi đâu đó thì vừa đúng dịp Hội Xuân khai mạc. Được tuyển chọn
Đến ngày Hội Xuân, Vua cha cùng Hoàng hậu ngự giá mở Hội. Các hoàng tử đàn anh lần lượt người trước kẻ sau, dâng lên Vua cha những của lạ, hiếm có mà gia nhân đã ra công lên rừng xanh, xuống đáy biển tìm kiếm đem về. Ai nấy đều hy vọng được vừa lòng vua cha, vì toàn những của vật lạ, hiếm-hoi, chưa từng ai tìm thấy. Dẫu vậy, vua cha như còn mong đợi một thứ gì, một lễ vật đơn giản hơn, vừa tầm hiểu biết của đại chúng, nhưng ý nghĩa lại thâm trầm, phát xuất từ lòng dân gian và có giá trị mãi mãi...

Hoàng tử Lang-Liêu nghĩ mình phận đàn em, lễ vật lại quá thô sơ tầm thường vì là bánh làm bằng cơm gạo ăn hàng ngày, nên do dự không tiến dâng lễ vật. Thế mà, khi vua cha cầm lấy và ăn thử lễ vật của hoàng tử Lang Liêu dâng kính, thì vua cha lại trầm trộ khen ngợi. Hoàng hậu cũng nếm qua, và cũng đồng ý là không có lễ vật nào đẹp lòng Vua hơn cả. Bánh nếp gạo nấu vừa chín tới, mùi vị của gạo cơm hàng ngày bốc lên, lại được điểm thêm nhân đậu vàng với thịt heo chín mềm... làm cho vua cha ngây ngất, vừa ý hơn cả. Vua cha hỏi nguồn gốc và ai là người chỉ dẫn. Hoàng tử Lang Liêu thật thà kể lại câu chuyện buổi chiều thiu thỉu trên chiếc võng và việc Thần hiện ra mách bảo...

Nghe thế, vua cha biết rằng trời đã muốn giúp mình chọn được thái tử tài-ba đức hạnh, thay mình trị-vì toàn dân sau này. Vua cha thêm lòng thương yêu quý mến và tuyên bố tuyển chọn hoàng tử Lang Liêu là người kế vị ngôi. Toàn dân có mặt hoan hô vang dậy, đáp lệnh truyền của Hùng Vương!
Vua lại truyền rằng: «từ đây về sau, vào ngày đầu năm âm lịch, khi Xuân về, TẾT đến, dân gian phải làm hai thứ bánh này để ăn mừng, tạ ơn Trời Đất.»

Vua cha lại còn đặt tên bánh hình tròn là Bánh Dầy, còn bánh hình vuông là Bánh Chưng. Về sau, có người gọi lạc qua là Bánh Tét cho nó gần với từ ngữ TẾT.

Tục lệ ngày Tết, dân gian gói BÁNH CHƯNG, BÁNH DẦY bắt nguồn từ đó!

II- Ý NGHĨA
Bánh Dầy tượng trưng cho Trời, hình tròn, nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay. Màu trắng nõn. Có hai miếng lá xanh cắt tròn đậy trên dưới, cho sạch sẽ vệ sinh, khi mua bán.. Mặt trên hình vòm cung giống như bầu trời.Trong xã hội Việt Nam thời xưa, bánh dầy dùng làm lễ vật tinh khiết để tế trời và tế thần. Chấp nhận Trời là đấng khai sáng vũ trụ, chủ tể trời đất. Thần là chủ trị địa phương.
Ích quốc lợi dân

Bánh dầy còn là lễ vật khao vọng cho những kẻ được thăng quan tiến chức, hay học hành đỗ đạt. Biếu cặp bánh dầy là có ý nói lên lòng mơ ước tân-chức biết sống có đức-độ, lấy quyền hành mà làm ích quốc lợi dân, thảo hoạch chương trình hành động theo ý trời, hợp với lòng dân. Một thứ nhắc khéo là đừng vinh thân phì gia, đừng hãm hiếp dân lành, đừng vơ vét tham nhũng của dân, một loại túi vô đáy... Một tệ nạn xã hội mà ngày nay ta thấy đầy dẫy, ở những nước chậm tiến hay cấp tiến!

Nếu tân-chức không phải là người đức-độ, thì lễ vật sẽ ra vô nghĩa, đầy mỉa mai, một thứ thùng đánh thì kêu vang, nhưng bên trong thì trống rỗng. Quên nội dung phong phú mà chỉ vị hình thức, bỏ thực chất mà bám vào tục lệ thì cặp bánh dầy sẽ thành vật cứng đè trên đầu trên cổ người dân. Mẹ Việt Nam đã căn dặn người con qua lời Ca dao bất hủ:

Con ơi nhớ lấy câu này:
Cướp đêm là giặc,
Cướp ngày là quan!

Trái lại, nếu tân-chức có tác-phong lãnh đạo, đem tài đức phục vụ nhân quần... thì hành động của tân-chức nó sẽ quay tròn như một vòng sinh-khí vận hành không gián-đoạn, đem lại cho người dân một cuộc sống thanh cao, đất nước được phồn thịnh và phát triển mạnh.
Ngay thật. Lành mạnh

Còn Bánh chưng thì hình vuông, tượng trưng cho Đất, theo quan niệm bình dân: «trời tròn đất vuông.» Bánh dầy tượng trưng cho Trời, cho cha, cho rồng, cho sức mạnh... thì bánh chưng tượng trưng cho Đất, cho mẹ, cho Âu Cơ, cho vẻ đẹp mỹ miều của Tiên. Việc gói bánh chưng phiền phức hơn làm bánh dầy, cũng nói lên tính cách phiền toái, đa dạng của lối sống trên mặt đất. Bánh chưng gói ghém hoa màu đồng nội, biến những thực phẩm thông thường hàng ngày của người nội trợ như thịt, mỡ, đậu, hành, tiêu muối... thành một hương vị đặc biệt của ngày Tết.

Bánh chưng gói lá dong xanh, lúc nấu chín làm cho nếp vút trắng tinh ngả sang màu non lá mạ, tượng trưng cho hoa đồng cỏ nội, cho dân dã, cho ngành nông nghiệp, cho môi sinh trong lành. Một ước mơ của người ngày nay, sống trong thế giới lành mạnh mà các vụ nhà máy hóa-học đã nổ tung tại trời Âu, Á... đã nói lên tính cách hãi-hùng của thế giới văn minh ô nhiễm!

Bánh chưng gói vuông vức mang nặng nhiều ý nghĩa. Vuông là thẳng đường mà đi, không quanh co, dấu ẩn. Vuông là ngay thật, có sao nói vậy, không đối trá lừa đảo.Vuông là dứt khoát, xử lý phân minh, chính trực, đúng luật chứ không nể vì, thiên vị, bóp méo sự thật. Ngày nay, biết bao hồ sơ của tòa án, của những vụ sẽ đem ra xử, hay đã xử trước kia, bỗng nhiên biến mất ...cũng vì để bênh vực những hành động ám muội của bị can, của tổ chức mập mờ của phe nhóm!

Bánh chưng gói vuông vức còn nói lên tính cách vững vàng, để đâu còn đó, không lăn lóc qua lại, không chạy vào túi ai! Bánh chưng khi ăn chỉ có thể cắt ra từng miếng chớ không vo tròn, kéo dãn hay thu hẹp laị. Bánh chưng có nhân có nhụy, mềm dẻo, dễ ăn và ăn lại ngon miệng. Trẻ cũng thích ăn mà người già, răng yếu mềm cũng ăn được. An bình. Đoàn tụ
Bánh chưng được gói năm ba lớp lá như lòng người mẹ bao bọc lấy người con. Con từ khi trong lòng mẹ, đến khi con chào đời, mẹ lo lắng cho từng cái khăn tã, cái miếng cơm ăn, miếng nước uống. Lòng mẹ bao la không hề quản khó nhọc nuôi con, dạy dỗ cho con thành người. Ngày Tết, ngày sum họp gia đình, ăn một miếng bánh chưng là cảm nghĩ về mẹ, sống với mẹ. Anh chị em đùm bọc lấy nhau, vì cùng một mẹ sinh ra như trăm con nở ra từ một bọc trứng!. Ngày TẾT là ngày vui nhất của đại gia đình về sum họp.

Bánh chưng xanh, nhân nhụy vàng, thịt mỡ chín...là màu mỡ của lúa chín đồng quê, của đời sống chăn nuôi an-vui xóm làng... gợi cho ta nhớ đến niềm mơ ước an-cư lạc-nghiệp của con người. Một Mùa Xuân an bình cho con người, cho đất nước thân yêu, cho nhân loại mệt mỏi vì chiến tranh, vì hận thù tôn giáo cuồng tín giết hại hàng ngàn sinh mang vô tội!

Hòa bình và Môi sinh tế nhị mỏng dòn, không thể dùng áp lực trấn ấp để rạch nát bánh chưng mà phải bóc gỡ từng lớp lá cẩn thận, có thứ tự lớp lang. Phải nhẹ tay, khéo tay mới thành đạt. Phải dùng sợi lạt nhỏ của nó để cắt từng khúc bánh chưng, chứ không ai dùng dao cắt một cách phũ phàng. Hòa bình phải từ bên trong phát xuất ra, chứ không thể dùng sức mạnh áp đảo hay áp đặt từ bên ngoài! Hòa bình giữa các nước đang gây chiến tại Trung Đông hay tại miền bắc Ái nhĩ Lan đã cho thấy rõ. Hòa bình chưa đạt được, chỉ vì con người chưa có hòa bình tại nội tâm, và chưa muốn hòa bình thực sự với đồng loại! Công bằng xã hội

Nhưng có mấy ai để ý đến cách gói bằng cột lạt phân chia bánh chưng ra làm 9 khung đồng đều không? Vì thực ra, bánh chưng còn tiêu biểu cho công bằng pháp lý, cho việc chia cắt ruộng đất hợp lý và tổ chức xã hội Việt Nam thuở xưa. Thôn xóm thì có lũy tre xanh bao bọc. Ruộng đất thì có phần mầu mỡ, phần kém tốt tươi. Phần màu mỡ dùng làm công điền công thổ. Phần còn lại đem phân chia đồng đều cho dân làng. Chia đều để tránh phân bì, ghen ghét và trọng tư cách mỗi nhà.

Cho nên lúc ăn bánh chưng, phải lấy lạt tre cắt sao cho các phần đồng đều, vừa đẹp mắt, vừa không ai phân bì ít nhiều, để nhớ đến biểu tượng công bằng xã hội của bánh chưng. Các chính phủ Âu hay Á nào cũng có cuộc cải cách ruộng điền, nhưng lần nào hình như cũng gây đổ máu hơn đem lại phần đất cho người dân. Bởi vì đâu, nếu thực tình đã áp dụng nguyên tắc công bằng xã hội nói trên!

Hoàng tử Lang Liêu đã biết dùng những nguyên liệu sẵn có của đồng quê đất nước để làm thành bánh chưng, bánh dầy với đầy đủ ý tưởng cao siêu như ta đã thấy, chứng tỏ Hoàng tử là người biết nắm vững giá trị của nền văn hóa, phong tục dân tộc và khai triển tốt đẹp làm cho dân giàu nước mạnh. Vua cha đã nhận thức điều đó, nên đã truyền ngôi cho thái tử Lang Liêu mà không sợ dân lầm than và đất nước bại vong!

Trước thềm Năm Mới, chúng ta ôn lại những cái hay cái đẹp qua câu chuyện BÁNH CHƯNG, BÁNH DẦY của kho tàng văn hóa và phong tục dân tộc, trong đó gói ghém những ý hướng giáo dục sâu sắc về dân về nước, có thể nói đó như là một Thông Điệp Đầu Năm.

Ước gì XUÂN NHÂM NGỌ 2002 sẽ đem lại cho vận mệnh dân tộc Việt Nam những vị lãnh đạo quốc gia sáng suốt như vị anh quân tài đức Hùng Vương Lang Liêu để làm cho dân an cư lạc nghiệp và quê hương giàu mạnh! Xuân Nhâm Ngọ 12.2.2002

Phan Hữu Lộc
(Trích từ Vietcatholic)

BÁNH CHƯNG, BÁNH DẦY THÔNG ĐIỆP ĐẦU NĂM

XUÂN lại về, trở về trên con đường xa đồng nội, xa lũy tre xanh. Lòng người tha hương không ai là không bùi ngùi tưởng nhớ đến quê nhà, đến buổi họp đại gia đình với các món ăn đặc biệt của dân tộc trong dịp Xuân sang. Một món ăn đặc biệt mà dù ở hải ngoại, với trăm ngàn cao lương mỹ vị, ta không khỏi nhớ đến, vì là món ăn đã được dệt thành bức tranh trong dịp Xuân về, Tết đến: