Tối 18 tháng12 vừa qua, tại Commonwealth Institute - Viện Khối Thịnh Vượng Chung - ở London, bà Cherie Booth, vợ của thủ tướng đương nhiệm của nước Anh, Tony Blair, đã có một buổi nói chuyện về chủ đề « Nhân quyền và Giáo hội Công giáo ». Buổi nói chuyện này do The Tablet, một tờ Tuần báo Công giáo quốc tế xuất bản bằng tiếng Anh, tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Đức Thánh Cha Gioan XXIII ra Tông huấn Pacem in Terris – Hoà bình trên trái đất .

Cherie Booth, một luậi sư rất nổi tiếng ở Anh, là một người Công giáo rất nhiệt thành. Hơn nữa, với tư cách là vợ của Thủ tướng Anh, bà luôn cổ võ và tham gia các hoạt động đấu tranh cho nhân quyền, cho việc tôn trọng nhân phẩm.

Cherie Booth, một luậi sư rất nổi tiếng ở Anh, là một người Công giáo rất nhiệt thành. Hơn nữa, với tư cách là vợ của Thủ tướng Anh, bà luôn cổ võ và tham gia các hoạt động đấu tranh cho nhân quyền, cho việc tôn trọng nhân phẩm.

Mở đầu bài nói chuyện của mình, bà đã nhấn mạnh rằng nhân quyền và nhân phẩm là một trong những vấn nạn và cũng là mối ưu tiên hàng đầu của thế giới ngày hôm nay. Và bà nêu bật rằng, đây cũng là một trong những mối quan tâm đặc biệt của Giáo hội Công giáo. Trong những năm tháng qua, qua nhiều hình thức khác nhau, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II luôn luôn nhắc nhở và mời gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế và mọi người lưu tâm đến vấn đề này.

Cột mốc và có thể nói cũng là bước ngoặt của Giáo hội Công giáo trong việc đóng góp vào công việc bảo vệ nhân quyền và tôn trọng nhân phẩm là Tông huấn Hoà bình trên trái đất của Đức Thánh Cha Gioan XXIII. Trong bài nói chuyện của mình bà đã nêu bật những điểm chính cũng như tác động và vai trò của Tông huấn này trong công cuộc đấu tranh và bảo vệ hòa bình, cho việc tôn trọng nhân quyền và nhân phẩm trên thế giới trong suốt 40 năm qua. Và theo bà, sau 40 năm tồn tại, Tông huấn này vẫn còn có ý nghĩa và giá trị rất lớn trên thế giới ngày hôm nay, mặc dầu bối cảnh của thế giới ngày hôm nay không còn là bối cảnh của thế giới của 40 năm về trước.

Quyền được làm người, quyền được tự do tín ngưỡng, quyền được tự do hội họp, tự do ngôn luận, có nhà ở, có việc làm, được đến trường … đó là những quyền rất căn bản của mỗi một người mà Tông huấn Hoà bình trên trái đất đề cập đến. Thử nhìn lại những gì đang diễn ra đâu đó trên thế giới để xem các quyền căn bản ấy được tôn trọng, được đề cao đúng mức hay chưa ? Theo một thống kê mới đây, thì có đến 4.4 tỷ người đang sống trong những nước được gọi là đang phát triển; Trong số đó có đến ba phần năm thiếu những vệ sinh căn bản về thực phẩm, gần một phần ba không có nước sạch để uống, gần một phần năm không được hưởng các dịch vụ về sức khỏe tối thiểu, có đến một phần năm trẻ em không thể học hết chương trình phổ thông cơ sở…Trong khi đó ba nhà tỷ phú giàu nhất thế giới có tài sản lớn hơn nhiều thu nhập quốc gia của những nước nghèo nhất với hơn 600 triệu người. Và đâu đó trên thế giới vẫn còn có nhiều người phải chịu thiệt thòi, thậm chí phải mang lấy cảnh tù giam vì niềm tin, vì màu da, tiếng nói của mình hay vì dám lên tiếng đòi quyền tự do, đấu tranh cho công lý.

Trong Sứ điệp về Hoà bình của Năm 2003, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cập đến bốn điểm chính trong Tông huấn Hoà bình trên trái đất đó là chân lý, công bình, tình yêutự do. Theo Ngài hòa bình trên thế giới chỉ được xây dựng và trở nên bền vững khi nó được đặt trên nền tảng của bốn điểm ấy.

Kết thúc bài nói chuyện của mình, bà Cherie Booth đã nhấn mạnh sự cấp thiết của việc đấu tranh cho nhân quyền, cho nhân phẩm. Theo bà, đó là một trọng trách của chính phủ của mỗi quốc gia, của các tổ chức quốc tế, của mỗi tôn giáo, của mỗi người, và đặc biệt của mỗi tín hữu. Nhắc lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Gioan XXIII, bà nhấn mạnh rằng tất cả mọi người Kitô hữu phải trở nên" điểm sáng của ánh sáng trong thế giới, một hạt nhân tình yêu, một chất men của toàn khối bột". Thế giới chỉ thực sự có hòa bình khi hoà bình tìm được mái ấm của nó trong tim của mỗi một người.

 

Hòa Bình Trên Thế Giới.
Lộc Xuân