Như chúng ta đã biết, Linh Mục Gildo Dominici, vị cha lành chăm sóc người tị nạn Việt Nam nhiều năm trong các trại tỵ nạn ở Indonesia, Phi Luật Tân và Thái Lan, đã tạ thế ngày 3-3-2003. Nhiều cộng đồng người Việt trên thế giới đã tổ chức lễ tưởng niệm và cầu nguyện cho ngài để tỏ lòng biết ơn về những gì ngài đã làm cho người Việt tỵ nạn. Qua các công việc ngài đã làm, chúng ta có thể coi Linh Mục Gildo Dominici như là một mẫu gương của những người sống để phục vụ tha nhân.

Linh mục Gildo Dominici còn có tên Việt Nam là Đỗ Minh Trí, sinh năm 1935 tại Ý. Ngài là linh mục Dòng Tên, được gởi đến truyền giáo tại Việt Nam năm 1967 và được bổ nhiệm làm giáo sư tại Giáo Hoàng Học Viện tại Đà Lạt. Ngài nói và viết tiềng Việt rất thông thạo. Năm 1977, ngài đã được gởi qua Indonesia phục vụ người Việt tị nạn ở Galang. Năm 1985, ngài được chuyển đền trại tị nạn Bataan ở Phi Luật Tân, rồi lại được chuyển về các trại tị nạn ở Thái Lan và ở đó cho đến năm 1990. Từ năm 1991 đến 1993, ngài làm Tuyên Úy cho phong trào Linh Thao tại Bắc Mỹ.

Linh mục Mark Raper, trước đây là Giám Đốc Cơ Quan Tỵ Nạn của Dòng Tên (Jesuit Refugee Service) và hiện nay là Giám Đốc Tổ Chức UNIYA, Trung Tâm Công Bình Xã Hội của Dòng Tên ở Sydney, có kể lại câu chuyện sau đây liên quan đến những nỗ lực của Linh mục Gildo Dominici trong việc giải quyết những vấn đề của người tỵ nạn Việt Nam khi còn ở các trại tỵ nạn. Ngài cho biết, năm 1981 ngài đi thăm các trại tỵ nạn ở Á Châu. Ngài đã đến đảo Galang, nơi có khoảng 12.000 người Việt tị nạn đang tạm trú ở đó. Linh mục Gildo Dominici đang ở với họ. Khi được biết ngài sẽ ở lại đây vài tuần, Linh mục Gildo Dominici đã nhờ ngài xem sóc giúp những người tỵ nạn để linh mục có thể đi nghĩ ngơi một thời gian. Hôm sau, Linh mục Gildo Dominici báo tin cho ngài biết có một phụ nữ Việt Nam tên là Nguyễn Thị Lan, xin được nói chuyện với ngài. Ngài rất sẵn sàng tiếp bà ta. Linh mục Mark Raper cho biết khi gặp ngài, bà Lan đã kể lại câu chuyện của bà như sau:

Bà có chồng và hai người con, một trai và một gái. Khi bà và chồng quyết định đi vượt biên thì bà khám phá ra bà đang có thai. Bà quyết định ở lại cho đến khi sinh con xong mới đi. Chồng bà đã đi trước với người con trai lớn tuổi nhất. Khi chồng bà đến Mã Lai an toàn, đã viết thư cho bà thúc giục bà ra đi. Vì vậy, sau khi sinh xong được đứa con gái, bà đã tìm thuyền để đi cùng với hai đứa con gái và người chi. Khi thuyền đã ra khơi, bà mới khám phá ra ông chủ thuyền không rành về đi đường biển và trên thuyền không dự trử đầy đủ nhiên liệu, thức ăn và nước uống cho thời gian vượt biển, do đó thuyền cứ đi lòng vòng trên biển. Chỉ ít ngày sau, thuyền hết nhiên liệu và trôi vật vờ. Thức ăn và nước uống bà đem theo bắt đầu cạn. Bà thấy gia đình ông chủ thuyền còn nhiều thức ăn, nên năn nĩ ông dành một ít cho hai đứa con của bà, nhưng ông ta nhất định từ chối. Ít hôm sau hai đứa con của bà đã chết đói và khát. Tiếp theo, người chị của bà cũng ra đi vì kiệt sức. Nhưng bổng nhiên, thuyền của bà ta được vớt và bà được đưa đền trại tỵ nạn Galang an toàn.
Khi lên đảo, sức khỏe của bà đã phục hồi nhanh chóng, nhưng trong đầu óc của bà luôn ấp ủ một điều: Phải báo thù anh chủ thuyền. Bà đem câu chguyện nói trên tường thuật đi tường thuật lại với mọi người trong trại, gây không khí rất căng thẳng. Bà luôn tố cáo người chủ tuyền là một tên giết người, phải đền tội chứ không thể tha thứ được. Linh mục Gildo Dominici đã đến an ủi bà và nhờ những người xung quanh săn sóc và cầu nguyện cho bà. Nhưng mặc dầu đã tìm mọi cách làm cho bà ta quên chuyện cũ để có thể sống cuộc sống mới, bà ta luôn tỏ ra là một người không thể thuyết phục được.
Bổng nhiên một hôm, bà tìm đến Linh mục Gildo Dominici và cho biết bà sẵn sàng tha thứ cho ông chủ thuyền. Linh mục nói: “Điều đó rất tốt. Thiên Chúa chấp nhận sự cải hóa tâm hồn của con. Con có thể bỏ lại chuyện đó đàng sau.” Nhưng đột nhiên bà ta nói: “Không! Con muốn mọi người phải biết con tha thứ cho ông ta!”
Mặc dầu ông chủ thuyền không phải là người công giáo, Linh mục Gildo Dominici đã sắp xếp để ông đến dự một thánh lễ Chúa Nhật của người công giáo. Trong thánh lễ, bà ta đã nói với ông: “Tôi tha thứ cho ông”. Từ đó, cuộc sống của bà và của nhiều người liên hệ ở trong trại bổng vui hẵn lên.

Trên đây là một câu chuyện nhỏ mà Linh mục Gildo Dominici đã làm cho người tỵ nạn. Còn không biết bao nhiêu chuyện phức tạp khác mà linh mục đã giúp người tỵ nạn vượt qua để tạo dựng một cuộc sống mới.
Linh mục Gildo Dominici chuyên về thần học luân lý. Ngài đã viết nhiều cuốn sách viết về Việt Nam, trong đó hai cuốn được người Việt ghi nhớ nhất là cuốn “Việt Nam Quê Hương Tôi” và cuốn “Đi Tìm Anh Em”. Chúng tôi xin mượn câu chuyện nói trên để ghi nhớ những gì ngài đã làm cho người Việt tỵ nạn và ước mong rằng, cũng như bà Nguyễn Thị Lan, người Việt sẽ biết quên đi những chuyện hận thù cá nhân để kiến tạo một tương lai mới tốt đẹp hơn cho chính bản thân, cho cộng đồng cũng như cho quê hương chúng ta.

Xin cầu cho linh mục Dominicô được sớm vào nơi vĩnh phúc.

Lữ Giang

Đôi dòng ghi nhớ Linh mục Gildo Dominici,
vị ân nhân của người tị nạn Việt Nam