FRANCIS P. FRIEDL

REX REYNOLDS

********

NHỮNG CUỘC ĐỜI NGOẠI HẠNG

(Extraordinary lives)

34 linh mục kể chuyện đời mình


2. THOMAS M. ANGLIM FORT MYERS, FLORIDA

Cha Toma Anglim sinh ngày 15/ 11/ 1928 tại Conty Clare, Ái Nhĩ Lan; thụ phong Linh mục năm 1954, phục vụ Giáo phận Thánh Augustinô, tiểu bang Florida. Ngài có lòng sùng kính đặc biệt Thánh Phanxicô Xaviê. Chúng ta chẳng biết là Ngài được sai đến một Giáo xứ mang tên vị thánh mà Ngài kính sao ?
Cha là một con người vui tính, đạo đức sâu xa, nhiều khả năng, thực tế và hiểu biết về những đổi thay của công đồng Vaticanô II. Cha chu toàn đều đặn kinh nguyện hằng ngày. Hiện Ngài dựng một nhà nguyện trên tầng lầu của nhà xứ, để hằng ngày đến cầu nguyện hằng giờ, hầu được đổi mới mà đảm nhận một Giáo xứ rất nhiều công việc.
Chúng ta có thể nói về con người Linh mục này bằng cách kể ra những đoàn thể mà Ngài phục vụ : gia đình, giới trẻ, người già, bà mẹ không hôn phối, sắc tộc, Linh mục bạn, và cả với Chúa trên nhà nguyện. Câu chuyện của Cha là câu chuyện của người mục tử hôm nay. Đây là chứng từ đầy thuyết phục rằng sống đời Linh mục chẳng có thời nào tốt hơn thời bây giờ .
Tôi lớn lên trong một ngôi làng quê nhỏ của Feakle ở Ái Nhĩ Lan. Cha mẹ tôi rất nghèo. Cha tôi là công chức. Mẹ tôi chỉ là nội trợ. Bà rất đạo đức nên đã giáo dục con cái có một đức tin căn bản. Đời sống của làng tập trung quanh nhà thờ. Chúa nhật chẳng có ai đi làm. Mọi người đều mặc áo đẹp nhất chẳng những để đi lễ mà còn mặc suốt ngày.
Độ 15 tuổi, tôi suy nghĩ về lý tưởng ngày mai. Thời đó ở Ái Nhĩ Lan, Linh mục được coi là quà tặng của Thiên Chúa. Tôi đã theo học 7 năm ở chủng viện Munget, do các Cha dòng Tên điều khiển. Các tuyển sinh đến thăm chủng viện từ khắp nơi tới : Úc, Anh, Mỹ, Khi Đức Cha O’Donovan, từ Giáo phận Thánh Augustinô đến Munget nói chuyện. Ngài khuyến dụ tôi và một bạn lớp khác đăng ký gia nhập Giáo phận của Ngài. Sự chọn lựa này tôi chẳng bao giờ hối tiếc.
Năm thứ hai Đại chủng viện, tôi bắt đầu nghi ngại về ơn gọi của tôi, Tính tôi nhút nhát, nên khi nghĩ đến việc đứng trên toà giảng mà giảng làm tôi sợ. Tôi nói với Cha linh hướng tôi phải bỏ ơn gọi. Sau khi nghe tôi trình bày lý do, Ngài bảo : “Những lý do của thầy không chính đáng". Ngài bảo tôi phải vâng lời. Tôi vâng lời và không xuất tu nữa. Từ đó, tôi không còn thắc mắc về ơn gọi. Song tôi vẫn luôn nhắc lại sự chọn lựa này để yêu mến chức Linh mục.
Năm 1958 Giáo phận thánh Augustinô được chia. Miami trở thành Giáo phận mới. Đức Cha Colman Carroll, Giám mục Miami, kiếm tìm các Linh mục để thiết lập các Giáo xứ mới. Ngài chỉ định tôi làm quản xứ của giáo xứ đầu tiên mới lập, xứ Đức Mẹ Mân Côi ở Perrine. Chẳng bao lâu Giáo xứ trở thành điểm nóng. Trong cuộc khủng hoảng hoả tiễn ở Cuba, hàng trăm xe quân sự đổ về xa lộ gần nhà thờ. Ai nấy sợ cuộc tấn công nguyên tử. Ngày cuối tuần hôm đó tôi giải tội từ 7 giờ chiều, mãi tới nửa đêm mới hết người.
Năm 1966 Cha sở xứ thánh Phanxicô Xaviê, đồng thời là khoa truởng của một phân khoa bị rơi từ một ngọn núi ở Colorado và qua đời. Đức Cha bảo tôi thay thế. Tôi không thích rời miền biển phía Tây này, nhưng tôi phải vâng lời, và tôi đã ở đây gần 30 năm. Năm 1983 Giáo phận Venice, Florida được thiết lập, xứ Thánh Phanxicộ Xaviê thuộc Giáo phận mới. Tôi được mời làm Tổng đại diện. Tôi giữ công việc này hơn 10 năm.
Khi mới đến, xứ Phanxicô Xaviê không lớn, nay thì lớn rồi. Đã có 3.600 gia đình nhập xứ, còn 1.000 thì chưa. Ngôi trường nhỏ bé đã trở thành lớn nhất Giáo phận với 640 học sinh. Nhiều người già cả cần sự giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất. Chúng tôi đã xây ngôi nhà Phanxicô gồm 60 phòng cho họ. Chúng tôi không xin tiền già, nên không thuộc quyền điều hành của chính phủ. Tiền thuê nhà cho phép nợ. Thật là hữu ích cho họ. Giá thuê vừa phải, vừa túi với những người có lợi tức cố định. Ngôi nhà có một nhà nguyện. Họ có thể dự lễ mỗi sáng. Ba Linh mục và hai ba nữ tu cũng hưu ở đây. Tuổi đã xế chiều, được sống trong môi trưòng đạo đức rất là quan trọng.
Chúng tôi cũng xây được một ngôi nhà cho các bà mẹ không kết hôn. Được chừng 15 năm rồi. Người điều hành và thư ký thì trả lương, còn lại thì tình nguyện phục vụ. Các bà ở đây đã sinh hơn 50 con.
Có một số người từ Haiti đến. Đức Cha bảo cần có một nhà thờ và trung tâm giúp họ trước khi họ hoà nhập chung vào xã hội Mỹ. Nên chúng tôi đã mua lại một nhà thờ Tin Lành bỏ trống, cách nhà xứ vài dẫy nhà. Trong số 4 Linh mục, có một Linh mục người Haiti vừa được chịu chức. Ngài điều hành những người Haiti này.
Theo nhận xét của tôi, nhiệm vụ đầu tiên và cơ bản nhất của Linh mục là rao giảng Lời Chúa. Để làm tốt nhiệm vụ này, phải là một người có chiều kích thiêng liêng. Giảng dạy là phần quan trọng đời mục vụ của tôi. Mỗi bài giảng tôi điều soạn cẩn thận. Rõ ràng là giáo dân thích thú. Họ đã nói với tôi như vậy. Phần quan trọng của bài giảng, mà thường bị quên lãng, là Linh mục phải sống những gì mình giảng. Nếu giáo dân thấy đời sống Linh mục trái với những lời Ngài giảng, thì cho dầu là một nhà giảng thuyết lợi khẩu, cũng mất hết tác dụng. Ngài cần giảng về Phúc Âm và dân chúng thấy là Ngài đáng sống sứ điệp ấy. Tôi được thụ phong là vì lý tưởng này. Nhiệm vụ của tôi là giúp giáo dân nên thánh. Tôi không thể chu toàn nhiệm vụ này, nếu tôi không nên thánh. Để đạt được điều này thì phải có nhiều giờ cầu nguyện.
Gia đình có các con nhỏ cũng cần sự nâng đỡ đặc biệt. Một phần tư trong số học sinh của chúng tôi có cha mà không có mẹ hay ngược lại. Chúng tôi có một người suốt ngày lo cho các em và những gia đình này. Khi con cái của học được chuẩn bị rước lễ lần đầu, chúng tôi xin cha mẹ cũng theo con cái đến. Hai tối qua, có hàng trăm cha hay mẹ đã đến.
Ngày nay có phải là thời khó khăn cho các Linh mục ? Tôi không tin là khó như thời các Thánh Tông Đồ và thời Chúa Giêsu. Không ai bị yêu cầu sống cảnh khó khăn như Chúa Giêsu. Nếu có thì thật tốt, bởi vì các ngài được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Xã hội chúng ta thấm nhiễm sắc dục. Truyền hình, phát thanh, báo chí và cuộc cách mạng tình dục đòi hỏi Linh mục phải có đời sống thiêng liêng vững chắc. Nếu không sẽ phải đầu hàng ra đi.
Một cảnh rất đau lòng xảy ra khi tôi làm Cha sở xứ Thánh Tâm ở Lake Worth. Một thanh niên đã bắn mẹ anh và cả vợ anh, rồi leo lên tháp đại học Texas xả súng vừa bãi vào các sinh viên. Anh đã sát hại 16 người tất cả. Gia đình anh thuộc Giáo xứ tôi. Anh của anh lại là giảng viên giáo lý. Gia đình yêu cầu làm lễ an táng cho mẹ và con trong nhà thờ. Giới truyền thông tường thuật đầy đủ chi tiết thảm cảnh. kể cả việc có thể không được làm lễ an táng trong nhà thờ. Trong khi đó Đức Cha và tôi đang cùng thảo luận về lời yêu cầu của gia đình cùng các hệ luỵ của nó. Công việc giải phẩu cho biết chàng thanh niên có một khối u trong não, ý kiến của bác sĩ cho rằng khối u đã tác động vào những hành vi này của anh. Chúng tôi quyết định làm lễ an táng trong nhà thờ. Điện thoại từ các nhân viên truyền thông tràn ngập đến với tôi. Họ bảo làm sao có thể làm lễ cho một tên sát nhân. Chừng 200 đại diện truyền thông tụ họp chung quanh nhà thờ. Chúng tôi không cho họ vào nhà thờ. Chúng tôi viết một bản văn giải thích tại sao chúng tôi làm lễ an táng cho người thanh niên. Chúng tôi nhận hằng trăm lá thư, nhiều lá chỉ trích quyết định của chúng tôi. Làm sao có thể làm cho giới truyền thông và công luận hiểu rằng lòng thương cảm là cần thiết cho lễ an táng và Thiên Chúa mới là thẩm phán cuối cùng ? Tôi đã không dập tắt được nỗi khổ này, nhưng tôi chẳng bao giờ hối tiếc quyết định này, một quyết định đem lại sự nâng đỡ và an ủi cho những người trong gia đình bất hạnh.
Ngày chịu chức Linh mục của tôi tuy đơn sơ, nhưng vui biết bao ! Ngày đó hạnh phúc gấp đôi, bởi vì lễ phong chức đuợc tổ chức tại một địa điểm lịch sử, Đền Đức Mẹ Leche tại xứ Thánh Augustinô, Glorida, nơi thánh lễ đầu tiên ở Mỹ được cử hành ở nơi đây vào năm 1565. Đối với một người Ái Nhĩ Lan, trở về quê mà dâng Thánh lễ đầu tay với gia đình là một niềm vui đặc biệt không thể nào quên.
Mỗi lần sửa soạn cho lễ hôn phối, lễ rửa tội, lễ an táng là dịp vui chẳng những cho bản thân tôi, mà cả cho đôi tân hôn, cho cha mẹ và cho các gia đình.
Tôi tin chắc rằng tay tôi đã được chạm vào cuộc sống của phần đông giáo dân và đã có ảnh hưởng trên Giáo xứ, một tế bào của Giáo hội Mỹ. Liên kết với giáo dân là điều ích lợi cho Giáo xứ Phanxicô Xaviê, khi xảy ra cuộc đấu tranh với Bộ Giao thông. Họ muốn làm một nhịp cầu khác bắc qua sông Caloosahatchee khiến lấy mất đường 110 của chỗ đậu xe của Giáo xứ và cắt mất đường vào trường học. Như thế là rõ ràng bóp Giáo xứ chết nghẹt và chúng tôi phải dời đi chỗ khác. Quan toà nói với chúng tôi rằng sự phản đối của chúng tôi chỉ là công dã tràng, Bộ Giao thông chẳng đổi ý đâu. Chúng tôi viết thư, có chữ ký hỗ trợ của những quan chức chính phủ ở trong Giáo xứ. Chúng tôi đi gặp thống đốc tiểu ban và chúng tôi cầu nguyện. Cuối cùng chúng tôi đã thắng cuộc. Bộ Giao thông thiết kế một dự án mới, không còn lấy đất của chúng tôi.
Tôi thường xuyên cổ võ ơn gọi trong các bài giảng và nói chuyện với các em có khả năng, tư cách. Chúng phải trực diện với những khó khăn của ngày nay khi chấp nhận ơn gọi. Người trẻ Ba Lan bị cấm đoán đến nhà thờ suốt 30 năm, mà họ vẫn cứ đi. Vừa đây tôi chứng kiến được sự đổi mới việc huấn luyện trong chủng viện. Tôi rất hy vọng. Tôi thật sự nghĩ rằng Giáo hội đang trải qua một giai đoạn thanh luyện. 50 đến 100 năm sau sẽ thấy một Giáo hội mới, một quyết tâm mới, một hàng Linh mục mà dân Chúa sẽ rất tựu hào. Tôi chẳng thấy có giai đoạn nào mà thời cơ ưu đãi các Linh mục lớn hơn. Mỗi người ngày nay đang tìm một đường hướng thiêng liêng. Nếu chúng ta là Linh mục thánh thì chúng ta sẽ mở được cửa để kêu gọi sự trợ giúp. Ngày nay các chủ chiên thường được thánh hoá bởi chiên. Đó không phải điều xấu, mà là sự hỗ tương.
Hãy kể tôi như là một trong những Linh mục hạnh phúc. Tôi chẳng muốn cái gì khác ngoài chức Linh mục. Phải thú thực tôi thường cảm thấy căng thẳng trong nhiệm vụ chủ chăn của một Giáo xứ lớn, với một ngôi trường lớn nhất Giáo phận, yểm trợ cho căn nhà các bà mẹ không kết hôn, phục vụ trong chức vụ Tổng đại diện, điều hành các dự án, các uỷ ban phát triển, cùng chương trình học bổng của Giáo phận. Tuy nhiên khi đến nhà nguyện của tôi, làm một vài động tác hô hấp và một suy gẫm ngắn, tôi đi ra với một sự thoải mái, dẩu tuổi đã 70 .
Tôi xin gửi tặng các Linh mục đọc sách này một lời : “Hãy cảm ơn Chúa trong từng giây cuộc đời, vì bạn đã được làm Linh mục. Nếu bạn không cảm thấy hạnh phúc trong ơn gọi, thì bạn cũng có thể hạnh phúc. Tất cả những gì bạn làm là làm một vài sửa sai. Nếu bạn quá bận rộn đến nỗi không thể cầu nguyện thì bạn bận rộn quá. Nếu cần, bạn hãy lấy sổ hẹn ra, ghi một giờ cầu nguyện và đừng để ai gặp vào lúc đó. Đó là thời giờ bạn gặp gỡ Chúa. Đó là thời giờ bạn sẽ được đổ đầy. Phúc biết bao sự tràn đầy đó đến với dân Chúa ! Mỗi sự khó khăn chúng ta phải giải quyết trên hai gối quỳ. Hãy đọc các thư của thánh Phaolô, Phêrô và Giacôbê. Các Ngài đã chia sẻ với bạn bè các Ngài sự liên lạc của các ngài với Chúa. Chúng ta đang có mặt món quà quí giá. Chúng ta cần giữ gìn vì phần rỗi chúng ta và vì phần rỗi dân Chúa.