Ngày hôm qua, Tạp chí Y học miền New England (NEJM) ở Mỹ đã phổ biến trên mạng lưới một bài nghiên cứu về loài vi khuẩn nghi là gây ra chứng bệnh hô hấp cấp tính mới, gọi tắt theo tiếng Anh là SARS. Phổ biến gần một tháng trước khi số báo đề ngày 15 tháng Năm, 2003 phát hành để giúp các tổ chức y tế trên thế giới có tài liệu ngay. Trong số hơn 20 tác giả có tên Bác sĩ Carlo Urbani, người Ý, người đã nhận ra căn bệnh mới này ở nhà thương Việt-Pháp tại Hà Nội; và một tháng sau thì ông tạ thế ở Bangkok. Các tác giả bài nghiên cứu cho biết họ đã tìm thấy nơi ít nhất 12 bệnh nhân từ nhiều địa điểm thuộc 6 quốc gia khác nhau, xác định được nguyên nhân chứng bệnh SARS này là một thứ vi khuẩn mới trong loài coronavirus. Các tác giả đề nghị đặt tên thứ vi khuẩn này là "Urbani" và liên hệ đến SARS.

Bác sĩ Carlo Urbani đã chết trước đây đúng 2 tuần lễ. ngày 29 tháng Ba, 2003. Ông là người đầu tiên đã báo động bệnh viện Việt Pháp và chính quyền Việt Nam rằng đây là một chứng bệnh dễ lây, cần các biện pháp đặc biệt như đeo khẩu trang loại kín nhất, phải mặc hai lớp áo choàng, v.v. mà thường các bệnh viện ở Việt Nam thường tiết kiệm không dùng. Nhờ thế chắc ông đã cứu nhiều nhân viên nhà thương và người ngoài đến bệnh viện Việt Pháp khỏi bị lây. Trừ chính bản thân ông; vì ông đã tiếp xúc với quá nhiều với những bệnh nhân đầu tiên, trước khi nhìn ra nỗi nguy hiểm. Ông cũng báo ngay cho Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) về căn bệnh SARS khi linh tính báo cho ông biết đây là một chứng bệnh truyền nhiễm mới, dễ lây và rất nguy hiểm. Và nhờ tổ chức WHO kịp thời báo động các nước mà các hàng rào y tế được lập ra để ngăn cho bệnh khỏi lan truyền. Tuy vậy bệnh cũng đã lây sang hơn 2,000 người ở trên 20 nước và làm hơn 100 người chết.

Bác sĩ Carlo Urbani không làm nghề thầy thuốc ở Hà Nội. Ông cũng không làm cho bệnh viện Việt Pháp. Ông cũng không phải một chuyên gia về bệnh dịch cúm để được gọi đến tham khảo về một trường hợp lạ. Ông chuyên về các bệnh ký sinh trùng, làm giám đốc vùng cho tổ chức WHO. Nhưng, như một đồng nghiệp, Bác sĩ Kevin Palmer nói, "Khi ở Hà Nội có bệnh nào khó khăn là các bạn bảo nhau: Gọi Carlo. Vì anh ta là một tay chẩn đoán thần tình."

Số phận đưa Bác sĩ Carlo Urbani tới Việt Nam, vì ông là giám đốc về các căn bệnh truyền nhiễm cho cả vùng Tây Thái Bình Dương trong tổ chức WHO. Nhưng về mặt chuyên môn thì ông chú trọng đặc biệt đến bệnh giun (lãi). Ông tới Việt Nam để cổ động và truyền bá việc phòng ngừa bệnh giun, một căn bệnh hầu hết trẻ em ở nông thôn các xứ nhiệt đới đều mắc phải. Các bạn đồng nghiệp thường gọi Bác sĩ Carlo Urbani là "Carlo Giun," vì loài ký sinh trùng này là một thứ ám ảnh của ông. Bác sĩ Palmer nhận xét, "Giun là một ngành y tế không có gì sexy, hấp dẫn cả. Nhưng hầu hết các trẻ em miền nhiệt đới bị mắc. Urbani là tay 'chống giun quá khích' vì thấy việc đề phòng dễ dàng rẻ tiền thế mà không ai chịu làm!" Chỉ cần một liều thuốc giá 3 xu Mỹ (cent) uống mỗi năm hai lần là tất cả các trẻ em miền Đông Nam Á có thể thoát khỏi chứng bệnh gây hao mòn cơ thể này, Bác sĩ Carlo Urbani vẫn nói.

"Cái chết của Carlo là lời chứng hùng hồn và thích hợp với cả cuộc đời của anh," bà Nicoletta Dentico nói. Bà cũng với Carlo ở trong hội Y Sĩ Không Biên Giới, chi hội nước Ý. Bác sĩ Carlo Urbani đã từng đứng đầu tổ chức này. Năm 1999, khi đại diện tổ chức Y sĩ Không Biên giới nhận giải Nobel Hòa bình ở Stockholm, Thụy Điển, Bác sĩ Carlo Urbani nêu lên một triết lý mà chính ông thực hành: "Nhiệm vụ của người y sĩ là ở bên cạnh bệnh nhân."

"Chúng ta có thể nghiên cứu một bệnh dịch bằng máy vi tính; hoặc ta đến với bệnh nhân xem bệnh phát thế nào," Bác sĩ William Claus, phối trí viên khẩn cấp của hội Y sĩ Không Biên giới ở Á châu nói, "Carlo là người đi tới với bệnh nhân."

Thị trưởng thành phố Castelplanio, nơi sinh của Bác sĩ Carlo Urbani, cũng là một người bạn thời thơ ấu, kể lại ngay từ thời còn trẻ Carlo đã tình nguyện đi làm việc thiện. Anh thường tổ chức những chuyến đi chơi cho các người tật nguyền. Khi trở thành một bác sĩ, mỗi kỳ nghỉ hè anh đã đi Phi châu, lưng đeo ba lô trong đựng đầy thuốc. Nhiều người bạn nhận xét, Bác sĩ Carlo Urbani đi làm cho tổ chức WHO vì ông muốn trở lại sống với thế giới những nước nghèo. Và muốn đến với các bệnh nhân. Vì thế, ngày 26 tháng Hai vừa qua, Bác sĩ Carlo Urbani đã được mời tới bệnh viện Việt Pháp coi bệnh tình của Johnny Chen, một thương gia người Mỹ gốc Hoa 48 tuổi mới từ Thượng Hải qua Hà Nội sau một đêm nghỉ ở Hồng Kông.

Ông Chen bị sốt cao và sưng phổi, miệng ho khan. Các bác sĩ ở bệnh viện Việt Pháp nghĩ rằng ông ta bị bệnh dịch "cúm ga,?ứ bệnh đã làm chết 6 người ở Hồng Kông năm 1997, rồi bị chặn đứng nhờ hàng rào y tế và hàng triệu gà vị bị giết. Ông Chen ngủ ở lầu Chín khách sạn Metropole tại Hồng Kông. Có lẽ một bác sĩ ở Quảng Đông qua Hồng Kông ăn cưới đã mang theo thứ vi khuẩn mới sinh bệnh SARS, làm lây cho 12 người khác ở cùng tầng lầu, nhiều người bay đi các nước khác rồi chết, ở Toronto, Canada và Singapore. Khi Bác sĩ Carlo Urbani đến bệnh viện Việt Pháp thì vi khuẩn trong người ông Chen đã truyền sang 80 người khác, trong đó có các nhân viên bệnh viện săn sóc cho ông, và một nhân viên của hãng ông, bà Chu Thị Phượng mà Nhật báo Người Việt kể chuyện ngày hôm qua. Bác sĩ Carlo Urbani đã thúc đẩy bệnh viện lập hàng rào phòng bệnh và báo động tổ chức WHO.

Ngày 9 tháng Ba, Bác sĩ Carlo Urbani và Bác sĩ Pascale Brudon gặp các viên chức Bộ Y tế chính phủ Hà Nội, và phải mất 4 giờ để thuyết phục họ phải cô lập hóa các bệnh nhân, kiểm soát y tế các hành khách đến Việt Nam, mặc dù kinh tế có thể bị ảnh hưởng. Bác sĩ Palmer kể: "Phải bạo phổi lắm mới đi làm việc đó. Carlo là một người ngoại quốc, mà bây giờ đi bảo mấy người Việt Nam rằng tình trạng của họ rất tệ hại." Số người bệnh tăng lên, ngày 11 tháng Ba chính quyền Hà Nội mới ra lệnh phong tỏa y tế tại bệnh viện Việt Pháp, rồi các bệnh viện khác kể cả bệnh viện Bạch Mai, nơi Bác sĩ Claus làm việc cho Y sĩ Không Biên giới trông coi. Có thể nói Bác sĩ Carlo Urbani đã cứu rất nhiều người Việt Nam khi thúc đẩy việc lập hàng rào y tế, dù chính quyền Hà Nội quyết định chậm.

Trong hơn hai tuần lễ đó, bà vợ của Bác sĩ Carlo Urbani cũng ở Hà Nội. Bà Giuliani Chiorrini đã nhiều lần khuyên chồng đừng có xông xáo đến chỗ nhiều bệnh nhân như vậy, theo lời kể của một bạn đồng nghiệp, B.S. Lorenzo Savioli đang cộng tác với Urbani trong chương trình trừ bệnh giun ở Việt Nam. Bà vợ nói: Hãy nhớ, anh còn ba đứa con. Đứa con lớn 17, đứa nhỏ mới lên 4 tuổi. Bác sĩ Savioli thuật lại câu trả lời của Carlo Urbani: "Nếu tôi không tới những chỗ đó thì tôi tới nơi này để làm gì? Ngồi một chỗ trả lời email hả? Hay là đi dự tiệc và ký giấy tờ?" Bà Giuliani Chiorrini kể với một tờ báo tiếng Ý: "Anh ấy biết rất nguy hiểm. Nhưng nói ảnh đã trải qua nhiều lần nguy hiểm như vậy rồi." Bà thuật lại lời chồng: "Không cần phải sống ích kỷ cho riêng mình. Phải nghĩ đến người khác."

Ngày 11 tháng Ba Bác sĩ Carlo Urbani lên đường đi Bankok dự một hội nghị về phương pháp phòng ngừa bệnh giun ở các trường học. Nhưng ông bắt đầu thấy sốt. Ông gọi cho Bác sĩ Brudon. Bà nghĩ chắc Carlo làm việc quá sức nên bị cảm cúm, và khuyên bạn: Cứ đi đi. Nhưng bà gọi ngay cho các đồng nghiệp ở Bangkok báo tin và yêu cầu săn sóc cho Carlo ngay khi tới. Khi một đồng nghiệp tới đón ông ở phi trường luc nửa đêm. Bác sĩ Carlo Urbani xua tay yêu cầu người bạn hãy ngồi xa ông ba thước. Một giờ rưỡi sau, xe cứu thương chở ông tới bệnh viện, mọi người đều bịt khẩu trang.

Các bác sĩ thuộc tổ chức WHO bay từ Úc châu và Đức quốc sang cùng lo chữa trị. Nhưng đành bó tay. Bác sĩ Carlo Urbani gọi cho bà Giuliani khuyên vợ hãy mang các con về Castelplanio, bên Ý. Bà cho các con lên máy bay rồi qua Bangkok với chồng. Bà chỉ có thể nhìn chồng qua hai lớp kính, và nói chuyện với nhau được một lần khi Carlo còn tỉnh táo. Đó là lần duy nhất bà thấy chồng tỉnh táo. Carlo đã xin gặp một linh mục để chịu phép bí tích sau cùng. Và ông yêu cầu hãy giữ phổi ông để làm thí nghiệm tìm ra loài vi khuẩn gây bệnh SARS. Hôm qua, các bạn đồng nghiệp của ông ở khắp thế giới đã nhận diện được kết cấu sinh học của loài vi khuẩn đó. Chắc người ta sẽ đặt tên là Urbani. Những người chết bệnh SARS chỉ chiếm 4% số người bị nhiễm bệnh, phần lớn vì tuổi già, sức yếu. Bác sĩ Carlo Urbani mới 46 tuổi. Chắc ông đã săn sóc nhiều bệnh nhân trong một thời gian nhiều tuần nên mới không thoát khỏi.

Trong tuần này tôi đi dự đám tang hai đồng nghiệp ở Nhật báo Người Việt. Tôi cũng muốn đốt một nén hương cầu nguyện cho Bác sĩ Carlo Urbani. Ông qua đời ở lớp tuổi trẻ hơn các bạn tôi mới mất, thua họ từ 20 đến 40 năm. Trẻ quá. Tôi mong thế hệ con cháu tôi, nhiều người cũng theo nghề cứu nhân độ thế, sẽ đọc câu chuyện Carlo Urbani. Để tiếp tục niềm tin tưởng vào tính thiện ở loài người khắp nơi và mãi mãi.

Bác sĩ Carlo Urbani đến giúp nước Việt Nam của chúng ta và các nước Lào, Cam Bốt, để mở chiến dịch trừ bệnh giun ký sinh trùng. Ông đã khuyến cáo người Lào, người Miên đừng ăn cá chưa nấu chín. Ông đang hy vọng sẽ thuyết phục dân Lào đừng thải nước cống rãnh vào ao thả cá để tránh bệnh giun. Ông cũng đang thí nghiệm một thứ thuốc có sẵn coi có thể diệt những ấu trùng của loài giun sán, ngăn chúng khỏi leo lên đến bộ óc của bệnh nhân. Theo Tổ chức Y sĩ không Biên giới, Bác sĩ Carlo Urbani cũng đang khuyến khích nhà nông Việt Nam trồng loại cây ngải áp xin (worm-wood) vì nó có chất đề kháng bệnh sốt rét. Trong thời gian ở Hà Nội, Bác sĩ Carlo Urbani vẫn lái xe gắn máy chạy giữa phố, một hành động nhiều người ngoại quốc cho là rất táo bạo. Nhiều lần ông đưa các con về thăm các làng quê, ngủ qua đêm. Ông thường mang theo những trang in nhạc của J. S. Bach, khi tới một nhà thờ nào có đàn dương cầm ông lại vào xin cho mượn đàn dạo nhạc. Bây giờ mỗi lần nghe Bach tôi lại nhớ thêm đến một người. Xin cầu nguyện cho linh hồn Carlo.

( Người-Việt, ngày 12-4-2003)

Để tưởng nhớ vị Bác sĩ Công giáo
xả thân giúp người không biên giới
Ngày hôm qua, Tạp chí Y học miền New England (NEJM) ở Mỹ đã phổ biến trên mạng lưới một bài nghiên cứu về loài vi khuẩn nghi là gây ra chứng bệnh hô hấp cấp tính mới, gọi tắt theo tiếng Anh là SARS. Phổ biến gần một tháng trước khi số báo đề ngày 15 tháng Năm, 2003 phát hành để giúp các tổ chức y tế trên thế giới có tài liệu ngay. Trong số hơn 20 tác giả có tên Bác sĩ Carlo Urbani, người Ý, người đã nhận ra căn bệnh mới này ở nhà thương Việt-Pháp tại Hà Nội; và một tháng sau thì ông tạ thế ở Bangkok. Các tác giả bài nghiên cứu cho biết họ đã tìm thấy nơi ít nhất 12 bệnh nhân từ nhiều địa điểm thuộc 6 quốc gia khác nhau, xác định được nguyên nhân chứng bệnh SARS này là một thứ vi khuẩn mới trong loài coronavirus. Các tác giả đề nghị đặt tên thứ vi khuẩn này là "Urbani" và liên hệ đến SARS.