Kính mừng Thánh tử đạo ViệtNam
Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc, linh mục
(1795-1839)

Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc sinh vào năm 1795 trong một gia đình ngoại giáo ở Bắc Ninh, tên thật là Trần An Dũng. Từ lúc còn nhỏ, Trần An Dũng đã theo cha mẹ vào Kẻ Chợ, nay là Hà Nội. Vì gia đình nghèo, nên cha mẹ cậu đã gởi cậu cho một thầy giảng nuôi nấng dạy dỗ, tại đây cậu đã được rửa tội và có tên thánh là Anrê. Sau một thời gian, Trần An Dũng nhập vào chủng viện Vĩnh Trị, ở với cha chính Lan. Trong chủng viện, Trần An Dũng rất siêng năng học hành lại có năng khiếu về thơ phú. Trần An Dũng được nhiều ngươì mến mộ nhờ vào tính lịch thiệp và hòa nhã. Cậu lại rất thông minh, có người nói rằng cậu chỉ đọc qua một đoạn sách hai lần là đã thuộc lòng.

Sau thời gian làm thầy giảng và học thần học, ngày 15/3/1823, thầy Dũng được lãnh chức linh mục, rồi được bổ nhiệm làm phó xứ Ðồng Chuối giúp cha Khiết. Sau đó về giúp cha Thi ba năm ở xứ Ðoài, rồi lại giúp cha Thuyết ở Sơn Miêng. Cuối cùng, khi cha làm chánh xứ Kẻ Ðầm thì bị bắt.

Trong thời gian làm linh mục, Cha Dũng rất yêu thương mọi người. Ngài thường ăn chay hãm mình và hay giúp đỡ những người gặp khốn khó. Qua chiếu chỉ bắt đạo toàn quốc ngày 6/01/1833, cha Dũng phải ẩn náu tại các nhà bổn đạo, sau trốn lên Kẻ Roi và lập nhà xứ ở đó. Một ngày nọ, khi cha vừa dâng lễ xong thì quân lính ập tới, cha liền thay áo lễ và ngồi lẫn trong đám tín hữu. Cha cùng với nhóm tín hữu hôm đó đều bị bắt. Vì quan quân không biết cha là linh mục, nên khi ông tổng Thìn bỏ ra sáu nén bạc, nhận cha là thân nhân đi dự lễ để chuộc về, thì quan quân thả cha ra. Từ đó cha đổi tên là Lạc.

Một lần khác, khi cha đến Kẻ Sông xưng tội với cha Thi theo thói quen hằng tháng, thì bị quan quân ập vào nhà và bắt luôn cả cha Lạc và cha Thi. Lý Trưởng Pháp bắt được hai linh mục nên mặc cả với giáo hữu ra giá chuộc là 200 quan. Các tín hữu kêu gọi nhau quyên góp được 100 quan nên viên Lý Trưởng chỉ tha cha Lạc.

Ðược thả ra, cha Lạc vội lên thuyền để về, nhưng thời tiết không được tốt vì gặp phải mưa gió, thuyền cha phải ghé vào bờ. Căn nhà cha đang trú lại đang bị quân lính khám xét. Thế là cha bị bắt lần thứ ba và bị giải lên huyện Bình Lục cùng với cha Thi.

Ðức Cha Retord Liêu hay tin cha Lạc và cha Thi bị bắt thì cùng với các tín hữu tìm cách chuộc hai cha về, nhưng lần này cha Lạc nhắn về với Ðức Cha câu chuyện thánh Phêrô hai lần thoát khỏi ngục, đến lần thứ ba, Chúa Giêsu đã yêu cầu ở lại tử đạo tại Roma, và xin Ðức Cha cùng các tín hữu đừng lo liệu tiền chuộc làm chi nữa.

Tại nhà giam ở huyện Bình Lục, hai cha cũng được đối xử rất tử tế. Quan huyện Bình Lục truyền dọn cơm cho hai cha bằng mâm bát của mình, bắt Lý Trưởng trả lại quần áo và tất cả các vật dụng đã tịch thu rồi giải thích rằng: "Lệnh Triều Ðình cấm đạo và giết các cụ, chứ không phải tôi. Tôi không có tội gì trong việc này". Ba ngày sau, quan huyện đưa hai cha xuống thuyền và chuyển về Hà Nội.

Tại Hà Nội, hai cha bị các quan quân nhiều lần tra hỏi, dọa nạt, nhưng hai ngài vẫn một mực kiên trung với đức tin. Thấy không thành công dụ dỗ hai ngài bỏ đạo, các quan làm án gửi về kinh xin vua xử trảm.

Thời gian trong tù, hai cha chiếm được tình cảm của các lính canh. Mọi người trong tù đều mến mộ, tôn trọng các ngài, nhờ đó các ngài được đối xử rất tử tế. Các ngài thường chia sẻ những gì mình có với những bạn bè khác trong tù. Khi nhận được quà tiếp tế, hai cha cũng chia sẻ cho lính canh, chỉ giữ lại những thứ tối thiểu cần thiết. Hằng ngày tối sáng, hai cha thường quỳ bên nhau để cầu nguyện lâu giờ. Tuy các tín hữu vẫn tiếp tế thức ăn cho hai cha rất thương xuyên, nhưng các ngài ăn chay mỗi ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ bảy.

Cuối năm 1839, khi quân lính đến công bố lệnh xử án, hai cha vui vẻ đón nhận bản án như một phần thưởng trọng hậu. Trên đường đến pháp trường, hai cha yên lặng cầu nguyện. Lúc ra khỏi cổng thành, cha Lạc chắp tay lại, hát lớn tiếng mấy câu latinh chúc tụng Chúa.

Trước phút hành quyết, người lý hình đến nói với cha: "Chúng tôi không biết các thày tội gì, chúng tôi chỉ làm theo lệnh trên, xin các thày đừng chấp". Cha Lạc tươi cười trả lời: "Quan đã truyền thì anh cứ thi hành". Sau đó, hai cha xin ít phút để cầu nguyện lần chót, rồi nghiêng đầu cho lý hình chém.

Hai vị đã lãnh phúc tử đạo ngày 21/12/1839 tại bãi ngoài cửa ô Cầu Giấy (Hà Nội), giáp đường lên tỉnh Sơn Tây. Thi hài của cha Lạc được đưa về an táng tại nhà bà Lý Quý gần đó.
Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII suy tôn Chân Phước cho linh mục Anrê Trần An Dũng Lạc ngày 27/05/1900.

Ngày 19 tháng 6 năm 1988, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh.
Nhớ đến thánh Anrê Dũng Lạc, phải nhớ đến những vần thơ ngài tâm sự trong thư viết trong ngục cho cha Thực rằng:

"Lạc này đã rõ chốn quân quan
Bút chép thơ này gởi thở than
Lòng nhớ bạn, nỗi còn vất vả
Dạ thương khách, chạy chữa yên hàn.
Ðông qua tiết lại thì xuân tới
Khổ trảm mai sau hưởng phúc an
Làm kẻ anh hùng chi quản khó
Nguyện xin cùng gặp chốn Thiên Ðàng"

Trích từ Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Thánh Anre Trần an Dũng Lạc sinh năm 1795 tại Bắc Ninh, Linh mục,
bị xử trảm ngày 21/12/1839 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng,
được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII,.
được đức giăo hoàng Giaon Phaolo đệ nhị tôn phong Hiển Thánh ngày 19.06.1988
lễ kính ngày 21.12.

Thánh Phero Trương văn Thi, Lm. * 1763 +1839
Thánh Anrê Dũng Lạc, Lm. * 1795 +1839

Cha Thi, Dũng Lạc vui tươi,
Thánh người Hà Nội, thánh người Hà Nam.
Lúc đi xưng tội bắt giam,
Cha gìa cha trẻ cùng cam phận trời.
Mười tám ba chín đầu rơi,
Hai (hăm) mốt tháng Chạp ngàn đời vang danh.

Lm. Giuse Vũ xuân Huyên


Kinh kính các Thánh tử đạo Việt Nam

Lạy Chúa là Cha chí nhân,
chúng con hân hoan ghi nhớ các ân huệ, Chúa đã ban cho dân tộc Việt Nam.
Nhờ lời rao giảng của Giáo Hội, Cha ông chúng con đã đón nhận Tin Mừng Cứu Rỗi.
Các Ngài đã vững tin vào Chúa, là Đấng Tạo Thành trời đất,
và Chúa Kitô Đấng Cứu Thế được sai đến trần gian.
Trong cơn gian lao thử thách, Chúa đã ban cho các ngài sức mạnh của Thánh Linh, để các Ngài can đảm tuyên xưng Đức Tin, và hiên ngang hy sinh mạng sống, để làm vinh quang Thập Giá Chúa Kitô.
Các Thánh Tử Đạo là ân huệ , Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam.
Vì thế chúng con dâng lời cảm tạ và ca tụng Chúa,
hợp với cuộc hy sinh tử đạo,của các tiền nhân anh dũng chúng con.
Xin dâng lên Chúa lời cảm tạ, để biểu lộ tình con thảo với Chúa là Cha, bằng chứng từ Đức Tin sống động của chúng con.
Vì công nghiệp của các Thánh Tử Đạo, xin ban cho dân Việt Nam chúng con, được an vui và thịnh vượng,
cho mọi người đón nhận Tin Mừng cứu rỗi, và bước theo con đưòng chân lý.
Xin cho Giáo Hội Việt Nam, được sống trong hòa thuận và hiệp nhất,
luôn thông hảo trọn vẹn với Đấng kế vị thánh Phêrô, và hăng say lo việc tông đồ, nhiệt thành rao giảng Đức Kitô cho mọi người.
Xin cho chúng con, được trung thành với Chúa ở trần gian, để ngày sau về hưởng vinh quang Chúa bất diệt, cùng các Thánh Tử Đạo chúng con ở trên trời. AMEN

KINH CẦU XIN CÙNG CÁC THÁNH
TỬ VÌ ĐẠO NƯỚC VIỆT NAM

Kính lạy các thánh Tử vì đạo nước Việt Nam, ơn Chúa thương đã được sức mạnh đổ máu mình ra vì lòng kính mến Đức Chúa Giêsu, xin nhớ đến chúng con đang phải chiến trận ở chốn khách đày này.
Chúng con hết lòng tạ ơn Chúa nhân lành vô cùng, ban cho các thánh thắng trận sáng láng dường ấy.
Nay chúng con mừng các thánh đã được chầu chực Đức Chúa Trời trên các tầng trời, xin các thánh hợp một lòng cùng Rất Thánh Đồng Trinh Maria là Nữ Vương các Thánh Tử vì đạo, mà cầu bầu trước mặt Đức Chúa Trời, xin Người đoái thương Hội Thánh còn đang phải kẻ dữ thù ghét cấm cách nhiều nơi, xin bênh vực ban ơn cho đạo thánh Đức Chúa Trời một ngày một sáng ra trong các nước chưa có đạo, cho kẻ còn ngồi nơi tối tăm và kẻ chết phần linh hồn được biết Chúa thật.
Chúng con ngợi khen các Thánh Tử Vì Đạo, cùng xin cầu bầu cho chúng con và anh em họ hàng chúng con khỏi thiếu thốn phần hồn phần xác, cho chúng con được vững lòng giữ đạo thánh Đức Chúa Giêsu cho đến chết, và nếu chúng con chẳng đáng được phúc Tử vì đạo, thì xin cho chúng con đưọc giữ nghĩa cùng Đức Chúa Trời, và kính mến Người cho đến trọn đời. Amen.

Di tích thánh

Trong Giáo Hội có nhiều nơi còn lưu giữ di tích Thánh, như ở đền thờ Vatican có mộ Thánh Phero, mộ thánh Phaolo ở Roma, ở Santiago Campostella bên Tây ban Nha có hài hài cốt Thánh Giacobê Tông Đồ, bên Ấn Độ có mộ Thánh Toma Tông đồ, ở Köln có hòm xương của Ba Vua, ở thành Turino bên Ý có khăn của Thánh tẩm liệm in hình Chúa Giêsu…ở nhà thờ chính tòa Giáo phận Trier từ thế kỷ thứ 12. còn lưu giữ tấm áo Chúa Giêsu.

Có di tích Thánh, đồng thời cũng nảy sinh tập tục lòng tôn kính di tích Thánh. Tập tục tôn kính di tích Thánh trong Giáo Hội Hội là nếp sống đạo đức bình dân thịnh hành từ xa xưa. Ngày nay tập tục này tuy vẫn còn sống động, nhưng không còn mạnh cùng trọng thể tưng bừng nhộn nhịp như ngày xưa nữa.

Nhưng đâu là ý nghĩa đạo đức thần học của tập tục hành hương tôn kính di tích thánh trong nếp sống đức tin của người Công giáo?

Lịch sử tôn kính di tích thánh

Nếp sống đạo đức tôn kính di tích thánh đã có ngay từ thời Giáo Hội sơ khai lúc ban đầu.

Sách Tông đồ công vụ (19,12) thuật lại các tín hữu Chúa Kitô đã lấy khăn cho chạm vào người Thánh Phaolô ngay lúc ngài còn sinh thời đi rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu giữa dân chúng, và rồi đeo quàng khăn đó trên người. Vì họ tin rằng từ nơi thánh nhân có sức mạnh thần linh giúp che chở chữa lành bệnh tật phần xác cũng như phần hồn tâm linh.

Tập tục đạo đức bình dân tôn kính di tích thánh là cung cách lòng tôn kính các Thánh cổ nhất có từ thế kỷ thứ hai sau Chúa Giáng sinh.

Từ tập tục đạo đức này, nảy sinh từ thời đầu Trung cổ, nơi bàn thờ dâng lễ trong thánh đường có mẩu xương Thánh đặt nơi đó nữa. Tập tục tôn kính di tích thánh này nói lên mối tương quan ở dưới đất với „ cộng đoàn các Thánh „ ở trên trời.

Từ khi phong trào Tin Lành cải cách thời Luthero năm 1546 phát triển lan rộng, tập tục bình dân tôn kính di tích Thánh bị chỉ trích phủ nhận, cho đó là không hợp với Kinh Thánh. Theo cao trào đó, nhiều nơi ở Âu châu trước đó có những di tích thánh để tôn kính, sau đó tháo gỡ bỏ hòan toàn.

Trước thảm cảnh đau buồn hầu như đời sống đạo đức bị tàn phá xuống dốc, Công đồng Tridentino năm 1563 đã đưa ra luận cứ phản bác lại những phê bình chỉ trích của những giáo phái Tin Lành cải cách phủ nhận tập tục đạo đức tôn kính di tích Thánh. Đồng thời Công đồng muốn cổ võ làm sống lại tập tục đạo đức bình dân này trong Giáo Hội Công giáo.

Có làn gió mới tươi mát thổi vào, tập tục đạo đức bình dân này sống động trở lại trong đời sống Giáo Hội từ ngày đó.

Bước sang thế kỷ thứ 20. tập tục đạo đức này lần nữa bị lu mờ giảm thiểu rõ rệt do phong trào cải cách Phụng vụ lấn lướt dựa trên lý luận thuần lý chiếm vị thế hàng đầu. Nhưng từ hơn hai năm qua việc tôn kính di tích Thánh lại dần được làm cho sống động phát triển trở lại.

Nhu cầu tâm linh tìm sự trợ giúp, an ủi cho tâm hồn luôn là nhu cầu cần thiết cho đời sống con người. Tập tục đạo đức bình dân hành hương tôn kính di tích Thánh là một cách thế đạo đức đáp ứng cho nhu cầu tâm linh con người.

Những phân biệt thứ loại di tích Thánh

Tôn kính di tích Thánh là một tập tục đạo đức bình dân trong Giáo Hội. Nhưng dẫu vậy cũng có những phân biệt xếp loại di tích Thánh theo ba cấp thứ hạng.

1. Di tích Thánh loại hạng nhất là những phần thân thể của các Thánh, đặc biệt là Xương thân thể của vị Thánh, nhưng cũng bao gồm cả những sợi tóc, móng tay, và rất ít trường hợp cả máu. Những vị Thánh mà thân thể bị thiêu đốt ra tro bụi, tro bụi đó có gía trị như di tích Thánh.

2. Di tích Thánh loại hạng hai là những vật dụng chính gốc mà lúc sinh thời các vị Thánh đã dùng đụng chạm vào, như đồ dùng của họ, quần áo các vị đã mặc, bút viết; nơi các vị Thánh Tử đạo những vật dụng khí cụ hành hạ chém giết các ngài cũng có gía trị là di tích Thánh.

3. Di tích Thánh loại hạng ba là những vật dụng đồ đạc trực tiếp đã đụng chạm vào thân thể vị Thánh, như khăn, áo đụng chạm vào vị Thánh hay phủ trên tấm hình của vị Thánh.

Chúa Giêsu theo Phúc âm thuật lại ( Lc 24,50-53; Sách Tông đồ công vụ 1,1-11) đã trở về trời, và theo giáo huấn của Giáo Hội Công giáo đức mẹ Maria cũng đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác, nên không có di tích xương thánh - theo hạng thứ nhất - của các Ngài nữa ở trần gian.

Xương các Thánh thuộc loại di tích thánh hạng thứ nhất.

Luật Giáo Hội cấm không cho phép buôn bán di tích Thánh. Được phép xin cùng gìn giữ tôn kính di tích Thánh, nhưng không được tiếp tục đưa ra mặc cả buôn bán. Cũng được trao tặng di tích thánh cho người tín hữu hay trao trả lại cho Giáo Hội di tích Thánh.

Tòa tổng giám mục Hànội trao tặng Giáo đoàn chúng ta mẩu xương di tích Thánh của Thánh Tử đạo Anrê Dũng Lạc để tôn kính, nhân dịp kỷ nỉệm 25 năm phong thánh cho 117 Thánh tử đạo Việt Nam, trong đó có Thánh Anrê Dũng lạc, Roma 1988. 19.06.2013.

Xin tạ ơn Chúa,
Xin Thánh Anrê Dũng Lạc bầu cử cho chúng ta trong đời sống đức tin vào Chúa và đời sống làm người giữa lòng xã hội ngày hôm nay.
Xin cám ơn Tòa Tổng giám mục Hànội đã trao tặng Giáo đoàn chúng ta mẩu di tích xương thánh của Thánh Anrê Dũng Lạc để tôn kính khẩn cầu.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long