Mẩu đối thoại về lễ Nến

Hằng năm vào ngày 02.02., Hội Thánh Công giáo mừng lễ đức mẹ Maria dâng hài nhi Giêsu vào đền thờ.

Ngày lễ mừng này không là ngày lễ trọng trong lịch Phụng vụ của Hội Thánh. Nhưng nơi các thánh đường đều được cử hành với những nghi thức phụng vụ trọng thể theo truyền thống xưa nay.

Người tín hữu Chúa Kitô mừng lễ với tâm tình đạo đức tin tưởng. Nhưng vẫn không ít người thắc mắc về ý nghĩa đạo đức thần học của ngày lễ, nhất là về truyền thống lễ nghi.

1. Một tâm hồn - MTH - đâu là nguồn gốc ngày lễ này, và tại sao lễ mừng này vào ngày 02.02. hằng năm ?

Phụng vụ - PV - lễ mừng đức mẹ Maria dâng con cho Thiên Chúa có nguồn gốc theo tục lệ của Maisen thời Cựu ước , như sách Levi 12,1-8 ghi chép. Người mẹ sau khi sinh con được 40 ngày - bảy ngày cộng với 33 ngày - mới mãn thời kỳ ở cữ, ở ẩn, được thanh tẩy, và lúc đó đem con dâng cho Thiên Chúa trong đền thờ.

Đức Mẹ Maria sinh Chúa Giêsu, theo lịch phụng vụ Hội Thánh, từ ngày 25.12. đến ngày 02.02 là 40 ngày. Vì thế lễ mừng, này theo luật Maisen, vào ngày này hằng năm.

2. MTH: Thủ tục người mẹ thanh tẩy và dâng con trong đền thờ diễn tiến như thế nào?

PV: Người mẹ sắm dọn đôi chim bồ câu còn non trẻ, hay một con cừu non làm lễ vật dâng cho Thiên Chúa trong đền thờ. Những lễ vật hiến tế này được trao cho vị Tư Tế lo việc tế tự thờ phượng Thiên Chúa.

3. MTH: Đức Mẹ Maria đã làm thủ tục lễ nghi này như thế nào?

PV: Thánh sử Luca - 2,21/40 - thuật lại đức mẹ Maria cũng giữ đúng như luật Maisen viết truyền lại để làm lễ thanh tẩy sau khi sinh con, và đem hài nhi Giêsu dâng trong đền thờ cho Thiên Chúa. Nhưng trong buổi lễ nghi thanh tẩy dâng Chúa Giêsu nơi đền thờ, lại trở thành cuộc hội ngộ gặp gỡ giữa hai thế hệ gìa và trẻ, Cựu ước và tân Ước.

4. MTH: Cuộc hội ngộ gặp gỡ đó xảy ra như thế nào?

PV: Hai nhân vật đại diện cho thế hệ người gìa của thời Cựu ước là Ngôn sứ Simeon và Hanna. Hai vị này là những người công chính, có lòng đạo đức hằng mong đợi ơn cứu chuộc cho dân của Chúa. Họ đã đến đền thờ Giêrusalem vào đúng lúc đức mẹ Maria bồng hài nhi Giesu, thế hệ trẻ của thời Tân ước, đến.

Hai vị Ngôn sứ đã cảm động xin được bồng ẵm hài nhi Giêsu trên tay mình và nghẹn ngào nói lời ca tụng Thiên Chúa, vì có hạnh phúc được tận mắt nhìn thấy Đấng cứu độ, người mở ra thời Tân Ứơc cho con người.

„ Muôn lạy Chúa giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin cho tôi tớ này được ra đi bình an. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài.“

5. MTH: Ngày nay trong Hội Thánh Công giáo có còn lễ nghi thanh tẩy dâng con trong thánh đường không?

PV: Không , không có lễ nghi như vậy nữa. Nhưng các trẻ sơ sinh, tùy theo sức khoẻ của người mẹ và em bé, sẽ được lãnh nhận Bí Tích rửa tội ở trong thánh đường.

Bí tích rửa tội là dấu chỉ sự thanh tẩy khỏi tội nguyên tổ. Qua làn nước Bí Tích rửa tội, người tín hữu Chúa Kito cùng chết với Chúa Kito và cùng được sống lại với Người.

Bí tích rửa tội là Bí tích khởi đầu để tiếp nhận những Bí tích khác trong Hội Thánh Chúa Giêsu Kito ở trần gian. Bí tích này có khác chi „tấm thẻ căn cước“ người công dân trong hội Thánh Công giáo.

6. MTH: Tại sao ngày lễ đức mẹ dâng hài nhi Giêsu vào đền thở bây giờ lại có lễ nghi làm phép nến đèn cầy?

PV: Thuở xa xưa người Roma theo tập tục lễ nghi thờ kính thần thánh của họ, có lễ nghi rước kiệu đền tội cho các vị thần thánh. Lễ nghi đền tội này được cử hành mỗi năm năm một lần. Khi đạo Công giáo truyền sang Roma, Hội Thánh đã tiếp nhận - gọi nôm na là rửa tội cho tập tục này - biến thành tập tục với nghi lễ làm phép nến và rước kiệu nến. Vì thế lễ này được gọi bằng tên lễ ánh sáng

Do đó vào ngày lễ mừng này có lễ nghi làm phép nến và rước kiệu nến trong thánh đường. Qua đó muốn tuyên xưng Chúa Giêsu là ánh sáng, như lời Ngôn sứ Simeon đã ca ngợi nói hài nhi Giesu là ánh sáng cho muôn dân.

7. MTH: Lễ nghi dâng Chúa Giêsu vào đền thờ và rước kiệu nến có từ khi nào ?

PV: Theo sử sách còn lưu lại, lễ đức mẹ dâng chúa Giêsu vào đền thờ có từ thế kỷ thứ 5. bên Gierusalem, và từ thế kỷ thứ 7. được đưa sang mừng ở Roma.

8: MTH: Tại sao chúc tụng Chúa Giêsu là ánh sáng?

PV: Chúc tụng Chúa Giêsu là ánh sáng, không phải nói Ngài là ánh sáng đèn diện, đền ô tô như ở ngoài đường, trong nhà . Nhưng muốn nói đến Ngài ánh sáng sức mạnh thiêng liêng cho tâm hồn con người.

Trong đời sống con người chúng ta cần ánh sáng. Vì thế ngay từ thuở nguyên thủy, Thiên Chúa đã tạo dựng ánh sáng đầu tiên làm nền tảng cho sự sống trong vũ trụ.

Ánh sáng soi đường chỉ lối tìm hướng đi. Không có ánh sáng con người mất phương hướng chỉ đường. Vì thế, ban đêm hay trong vùng dưới hầm sâu trong hang núi, con người cần có ánh sáng soi đường dẫn lối. Người bị mù lòa không nhìn thấy ánh sáng rất đau khổ và tủi hổ. Vì họ hoàn toàn sống vùng trong bóng tối đen mù mịt, không biết sự gì đang diễn tiến xảy ra chung quanh mình, và khi đi chỉ còn lần mò không biết đâu là đường thẳng trước mặt, hay bên trái bên phải.

Ánh sáng chiếu dọi tới khơi dậy sức sống niềm hy vọng cho tâm hồn đời sống con người. Chúa Giêsu khi thấy người mùa lòa từ thuở mới sinh ngồi ăn xin bên vệ đường. Ngài động lòng thương cảm chữa cho anh khỏi mù, mắt anh được mở ra nhìn thấy ánh sáng. Ánh sáng tràn vào thân thể vào trái tim tâm hồn anh.

Chúa Giêsu đã mang lại ánh sáng cho đời anh. Sức sống niềm hy vọng bừng đậy nơi anh. Ga 9,1-38.

Chúa Giêsu trên đường rao giảng nước Thiên Chúa đã khẳng định „ chính Ngài là ánh sáng cho trần gian.“ Qua đó Ngài muốn nói: Từ trời cao là Con Thiên Chúa, ngài xuống trần gian làm người mang ánh sáng tình yêu ơn cứu độ cho con người được ra khỏi vùng bóng tối tội lỗi hình phạt sự chết cho linh hồn con người vì tội tổ tông. Với Ngài ánh sáng của Thiên Chúa đi vào trần gian.

Ánh sáng mang lại sự sống. Với ánh sáng của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, sự sống ơn cứu chuộc cho con người trên nước Thiên Chúa được phục hồi bừng lên.

Ca tụng Chúa Giêsu là ánh sáng còn trong ý nghĩa niềm tin tưởng: „ Lời Chúa là ngọn đèn soi cho bước, là ánh sáng chì đường con đi“ Tv 119, 105.

Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thờ.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long