„Lạy Chúa, xin hãy phán".

Mỗi khi cầu nguyện chúng ta thường đọc kinh lạy Cha, kinh kính mừng hay kinh nào khác.

Có những khi cầu nguyện chúng ta cũng nói thưa than thở với Chúa, với Đức mẹ, với các Thánh những tâm sự buồn vui, những khó khăn đau khổ đang gặp trải qua, cùng những mong muốn trông chờ và xin sự an ủi giúp giúp đỡ.

Và có những người khi cầu nguyện, họ chỉ yên lặng muốn nghe Chúa nói với trong tâm hồn. Nếu có nói họ chỉ nói; Lạy Chúa, xin hãy nói hãy phán, vì con đang lắng nghe Chúa đây.

Chúa là Đấng vô hình, ta không trông thấy Người bằng con mắt, cũng chẳng nghe thấy tiếng Người nói nghe qua cơ quan thính giác đôi tai của mình. Nhưng cứ muốn nghe tiếng Chúa nói với mình.

Trong đời sống, có những lời không phát ra thành tiếng, nhưng lại được hiểu nghe rõ. Như ánh mắt nhìn của con người có cảm tình thân thiện với nhau, dòng nước mắt cảm thông, nụ cười tươi thắm rộn rã niềm vui mừng, thái đội tư lự đăm chiêu, cử chỉ gật đầu đồng ý hay lắc đầu từ chối, vòng tay đưa ra về phía trước như chào đón, hay rũ xuống như muốn nói lên cung cách mệt mỏi buông xuôi, ngón bàn tay chỉ hướng như ra dấu hiệu…

Những dấu hiệu đó phát truyền đi tín hiệu ngôn ngữ từ người này sang người khác.

Lời ngôn ngữ nói đó không thành tiếng. Nhưng chuyên chở trọn tâm tình của người muốn nói điều gì.

Lời ngôn ngữ đó không nghe được bằng thính gíac của đôi tai. Nhưng bằng thính gác của trí óc, của trái tim tâm hồn.

Ngôn ngữ tín hiệu đó không phát ra âm thanh. Nhưng được thu nhận cùng chuyển dịch thành lời qua cột thu lôi của tầng thần kinh cảm giác nơi làn da thớ thịt của con người.

Trong cung cách nếp sống đức tin với Chúa là Đấng vô hình, người tín hữu cũng nghe được tiếng Chúa nói thầm trong tâm hồn mình, cảm nhận được ý Chúa muốn nói với mình qua những gương sống tốt lành của người khác, qua sự đau khổ khốn khó mình gặp hay người khác gặp, qua những dấu chỉ hay bài báo, lời nói đâu đó vọng tới thức tỉnh mình, qua suy nghĩ bỗng bừng loé lên một tia sáng trong trong tâm trí.

Lời Chúa nói với ta không thành tiếng. Nhưng thành lời tâm tình vang vọng trong tâm hồn qua những biến cố dù chỉ là nhỏ trong đời sống mỗi con người.

Trước bổn phận trách nhiệm là cha mẹ trong gia đình lo nuôi dưỡng dạy bảo con cái, hầu như cha mẹ nào cũng lo lắng. Nhưng người có lòng tin tưởng cậy trông vào Chúa nói với Ngài “ Lạy Chúa này con đây. Xin chỉ dẫn con trong việc là cha mẹ nuôi dững giáo dục con cái chúng con. Con cần và lắng nghe Chúa chỉ dẫn.“

Trong đời sống ai cũng mong mỏi có được công thức chỉ dẫn cách sống, cách xử sự thế nào cho đúng, cho phải. Nhưng nhiều khi như người câm điếc không biết phải làm sao, sống trong trạng thái hoài nghi do dự. Những khi như thế, người có lòng tin vào Chúa thường trong yên lặng âm thầm nói với Thiên Chúa“ Lạy Chúa, này con đây, xin chỉ dạy con. Con đang lắng nghe Chúa nói.“

Qua cung cách nếp sống tinh thần lòng tin cậy cùng khiêm nhường như thế, họ như tìm nhận ra ánh sáng soi cho tâm trí giúp lấy lại bình an, có thêm sức mạnh cho tinh thần và sau cùng hiểu nhận ra giải đáp cho đời sống thoát khỏi hoài nghi phân vân.

Cung cách này không phải là một công thức toán học, hóa học hay đơn toa thuốc, bài nấu thức ăn. Không, đây là cung cách nếp sống tinh thần của người đặt niềm tin tưởng trông cậy vào Chúa.
Vì tin rằng Chúa là Đấng dựng nên sự sống đời mình. Chúa đã sống lại. Sự sống của Ngài mạnh hơn sự chết, sự yếu nhược, sự khốn khó bí lối cùng đường. Ngài làm cho tâm trí tinh thần mình vực dậy sống lại tìm được lối đi cho đời sống.

Chính vì thế, Tiên tri nhỏ tuổi Samuel ngỡ ngàng khi nghe thấy tiếng gọi nhắn nhủ trong tâm hồn mình. Và Ông được chỉ bảo khi nghe thấy tiếng gọi đó, thì nói ngay:“ Lạy Chúa, này con đây, xin hãy nói. Vì con đang lắng nghe Chúa đây“.

Khi nói lên tâm tình: „Lạy Chúa, này con đây, xin hãy nói… “ còn biểu lộ sự sẵn sàng dấn thân bắt tay vào việc.

Cung cách nếp sống tích cực đó là nhân đức anh hùng thánh thiện của người có lòng đạo đức.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long