Nội dung lá thư.

Hằng ngày hay hằng tuần chúng ta thường nhận được thư qua đường bưu điện. Khi nhận được thư chúng ta vui mừng, cùng thường hay xem ai gửi cho mình, và xem nội dung trong thư viết nói gì.Tùy theo nội dung bức thư mà ta có những cảm giác tâm tình khác nhau.

Trong đời sống đạo giáo đức tin có những thư gửi cho chúng ta không?

Chúa Giêsu không viết thư cho ai. Nhưng Hội Thánh Chúa Kito xưa nay thường viết thư cho các tín hữu Chúa.

Trong thời Hội Thánh thuở ban đầu cách đây hai ngàn năm vào khoảng năm 53 - 55 sau Chúa giáng sinh, Thánh Phaolo cùng với Cộng sự viên Sotere đã viết bức thư thứ nhất gửi Giáo đoàn Côrinthô - và Thánh Phaolô cũng đã viết hơn chục lá thư khác nữa gửi cho các Giáo đoàn khác nhau trong Hội Thánh Chúa -

Trong những thư của Thánh Phaolo viết gửi cho các Giáo đoàn, chỉ đề cập đến những chỉ dẫn về cách sống đức tin vào Chúa, nếp sống bác ái tình yêu thương, lối sống luân lý đạo đức. Nhờ thế mà Hội Thánh xưa nay có những giáo huấn chỉ dẫn liên tục về sống đức tin vào Chúa.

Trong bức thư thứ nhất gửi giáo đoàn Corintho (1 Cr 1,1-3), Thánh Phaolo viết tâm tình mở đầu: „Kính chào Hội Thánh Chúa ở Corintho, những người được thánh hóa trong Chúa Giêsu, được kêu gọi nên thánh, làm một với tất cả mọi người đang kêu cầu thánh danh Đức Giêsu ktô, Chúa chúng ta. Nguyện chúc cho anh chị em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kito.“

Thánh Phaolo đã chào mọi tín hữu Chúa Kito là những người được Chúa thánh hóa.

Lời chào này nhắc nhở đến Bí tích rửa tội chúng ta đã lãnh nhận. Qua làn nước Bí tích rửa tội, người được rửa tội là người tín hữu Chúa Kito trong hội Thánh Chúa được Chúa thánh hóa.

Nhưng không phải được Chúa thánh hóa qua làn nước Bí tích rửa tội mà đã trở thành Thánh. Nhưng được kêu gọi cùng được Chúa ban ân đức cho trở nên thánh.

Người tín hữu Chúa Kito trong hội Thánh Chúa, ai cũng mong muốn, cùng cố gắng sống sao cho xứng hợp với ơn kêu gọi được thánh hóa để trở nên thánh , như ý Chúa muốn. Nhưng trong đời sống thực tế lại khác. Vì có nhiều vướng trở trên con đường đó.

Tội lỗi do hậu qủa tội nguyên tổ vẫn còn nằm sâu chìm trong máu mủ, xương tủy con người. Ai cũng mong muốn điều lành thánh tốt đẹp cho mình và cho người khác. Nhưng trong tâm trí luôn có sức lực lôi kéo làm ngược lại. Và sức lực lôi kéo đó lại nhiều khi hấp dẫn hợp với sở thích cùng mạnh hơn ý hướng về sự thiện hảo.

Chẳng hạn, dù là Hội Thánh do Chúa Giêsu thành lập, cùng tin như vậy. Nhưng dẫu vậy, người tín hữu Chúa trong Hội Thánh Chúa vẫn luôn có suy nghĩ lý luận tranh cãi khác nhau về Hội Thánh, nhất là về tương lai Hội Thánh.

Trước những ý kiến khác nhau về tương lai Hội Thánh Chúa, Linh mục giáo sư Thần học Joseph Ratzinger, bây giờ là vị giáo hoàng nghỉ hưu Benedickt XVI. (2005 - 2013), năm 1969 đã viết nói lên suy tư về tương lai Hội Thánh Chúa năm 2000.

„Tương lai Hội Thánh có thể và sẽ chỉ nhờ vào sức mạnh của đời sống đức tin có căn rễ sâu thẳm. Sức mạnh đời sống đức tin không phát xuất từ toa đơn thuốc hay do công thức mà có. Nó cũng không thành tựu do những người thoáng qua trong giây lát ồ ạt chạy theo. Nó cũng chẳng nảy sinh do những phê bình chỉ trích của những người khác, mà họ tự cho mình là có khả năng bất khả ngộ. Nó cũng không xảy ra do con đường thoải mái dễ chịu, mà tránh né sự đau khổ, sự hy sinh cố gắng.

Chúng ta có thể nói cách khác tích cực hơn: tương lai Hội Thánh sẽ tùy thuộc ở nơi đời sống thánh thiện của các người có đời sống thánh thiện đem lại làn gió đổi mới. Tùy thuộc nơi những người chấp nhận nhiều hơn là những khúc đoạn thời điểm tân thời. Tùy thuộc nơi những người biết nhìn nhiều hơn, biết lắng nghe hơn cùng biết từ bỏ những đòi hỏi trong đời sống hằng ngày, dù chỉ là những điều nhỏ bé.“ (Joseph Ratzinger, Benedickt XVI., Glaube und Zukunft, Koesel Muenchen 1970, Neuausgabe 2007, tr. 148-149).

Khi nhận được bức thư hay bài đọc có nội dung tích cực với những lời chỉ dẫn trong sáng rõ ràng, cổ vũ khuyến khích giúp ích cho đời sống, ta cảm thấy phấn khởi lên tinh thần.

Những bức thư như thế có khác nào cánh thư từ trời cao gửi tới cho đời sống ta đang lần mò đi trong đêm tối giữa những chao đảo đường đời.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long