Đứng lên đi về cùng cha

Trong cuộc đời chúng ta đã chứng kiến nhiều đổ vỡ, và chính cuộc đời mình cũng có nhiều đổ vỡ.

Hoàn cảnh đổ vỡ nói lên giai đoạn giữa đường bỏ cuộc dở dang, không tiếp tục đi hay làm cho đến giai đoạn kết thúc, hầu đạt tới thành qủa tốt đẹp.

Và trong cuộc sống con người, chúng ta cũng thường hay bị cám dỗ bỏ cuộc ngang đường. Đó cũng là tình trạng đổ vỡ.

Đổ vỡ một mặt dẫn đưa vào con đường chật hẹp, vào tình trạng hoang mang chao đảo khủng hoảng, cùng cảm thấy có nhiều sức ép đè nặng tâm trí. Nhưng mặt khác tình trạng đổ vỡ lại khiến tâm trí bừng tỉnh đứng dậy đi ra khỏi lối bí đường cùng chật hẹp. Như thế có thể hiểu sự bí ẩn của đổ vỡ thúc đẩy giúp khởi đầu mới lại.

Đổ vỡ này chúng ta đọc trong Phúc âm Thánh Luca 15,1-32 về dụ ngôn người con hoang đàng trở về.

Chúa Giêsu kể dụ ngôn này trong bối cảnh giữa bóng tối và ánh sáng:

Hai lớp người thu thuế và tội lỗi thường đền gần Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đối diện với hai tầng lớp trong đạo Do Thái: phái Phariseo và phái thầy cả kinh sư.

Chúa Giêsu kể dụ ngôn theo kiểu hai vế đối chọi
Dụ ngôn người chăn chiên để 99 con chiên ở nhà và đi tìm một con chiên lạc đàn.
Dụ ngôn người phụ nữ có 10 quan tiền, chẳng may mất một đồng và chị ta tìm cho bằng được đồng tiền bị mất.
Và dụ ngôn người cha có hai người con.

Hình ảnh hai vế đối nhau cũng thấy trong Kinh Thánh Cựu ước. Thưở ban đầu cũng đã có những tranh chấp giữa hai người hay hai phe : Kain giết Abel (St 4,8); phân biệt đối xử giữa Ismael con của Haga với Isaak con của Sahra ( St 16. 17); Giacóp đánh lừa cha mình chiếm đoạt quyền trưởng nam của Esau anh mình cùng lời chúc phúc của cha cho Esau ( St 27, 1-45) ; các anh em con Ông Giacóp đối xử ganh ghét với em mình là Giuse, nên đã bán Giuse sang Ai Cập ( St 37, 12-36.)

Người con trai thứ trong dụ ngôn xin cha chia gia tài, rồi anh ta bỏ nhà ra đi muốn sống đời độc lập do tự mình quyết định lấy. Anh ta bẻ gẫy mối tương quan liên lạc với cha mình. Anh ta chỉ muốn hưởng thụ đời sống tự do không còn giới hạn ai kiểm soát nhắc bảo, hoàn toàn như mình thích.

Sau cùng anh ta đã tiêu xài hết những gì mình có. Và cuộc đời lâm cảnh đổ vỡ đường cùng phải đi ăn xin, phải đi làm công thuê chăn heo, để mong nhận được thức ăn của heo ăn cho khỏi bị đói. Thật là một thảm cảnh bi đát đến tận cùng!

Theo quan niệm người Do Thái, heo là loài thú vật dơ bẩn. Làm đầy tớ chăn heo nói lên sự mất phẩm gía con người và sự cùng cực khốn nạn cho con người. Sự tự do của anh ta giờ trở thành một người nô lệ thảm thương.

Nhưng trong hoàn cảnh đổ vỡ bi đát đó của bản thân đang phải chịu, anh ta nghĩ đến cha mình, đến nhà mình. Thế là anh ta quyết vùng mình đi ra khỏi cảnh đổ vỡ đời mình, và trở về nhà xin cha tha thứ giúp làm lại cuộc đời.

Người anh cả ở nhà với cha mình thấy em mình sau cuộc đời hoang đàng đổ vỡ trở về được cha đón nhận tha thứ, sinh lòng ghen tỵ tức giận.

Người cha trong dụ ngôn trước sau vẫn là người có lòng nhân hậu, xót thương con mình, dù nó thế nào chăng nữa, chia của cải như nó đòi, và rộng lòng tha thứ cho khi người con hoang đàng trở về, và giúp con mình làm lại cuộc đời.

Chúa Giesu qua dụ ngôn này, nhất là những lời thốt ra từ miệng người cha đối chọi lại những than trách lẩm bẩm của phái Phariseo và Kinh sư luật sĩ. Vì họ thấy Chúa Giêsu tỏ lòng nhân hậu với những người tội lỗi đến nghe Ngài giảng dậy.

„Chúng ta phải vui mừng hoan hỷ, vì em con đã chết, mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.“ ( Lc 15,32.)

Trong đời sống làm người không ai là không sống trải qua cảnh đổ vỡ, không cách này thì cách nào khác, nhất là những khi vấp phạm tội lỗi phạm đến Chúa và con người. Nhưng lòng nhân hậu thương xót của Chúa không giới hạn loại bỏ ai, khi trở về cùng Ngài.

Đó là niềm hy vọng của con người. Và Thánh Phao lo trong tâm tình đó cũng khuyên nhủ chúng ta. Anh em hãy sống làm hòa với Chúa. ( 2 Cor 5,20.)

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long