Con đường trở về

Trong dân gian thường bàn tán nói với nhau: Hễ đã ra đi phải thành công mới trở về. Trở về mà tay không thì nhục lắm!

Nhưng trong thực tế đời sống cũng có những trường hợp tuy rất ái ngại mang mặc cảm bị khinh chê coi thường, nhưng lâm vào cảnh đường cùng, cũng vẫn phải trở về.

Có những trường hợp người trở về được chào mừng đón tiếp trong hân hoan mừng rỡ. Nhưng cũng có trường hợp ngược lại.

Lý do nằm ở nơi thiên nhiên: người trở về thành công, hay thân bại danh liệt. Đó là đời sống.

Nhưng Chúa Giêsu trong phúc âm kể lại dụ ngôn khác hẳn với lối suy nghĩ cùng xử sự của con người chúng ta.

Dụ ngôn „người con hoang đàng“ ( Lc 15,11-31), cãi lời cha mẹ, bỏ nhà ra đi, thân bại danh liệt gần như chết đói trở về, mà lại được người cha vui mừng đón tiếp thắm thiết chan chứa tình cha con.

Người cha thay vì nặng lời khiển trách con mình, ông lại ra ngoài đầu đường đón con mình trở về trong vui mừng, và không nói lời gì khiển trách cả.

Người cha thay vì buồn bực xấu hổ vì đứa con thanh bại danh liệt, gần như chết đói trở về, bỏ mặc kệ nó, hay cùng lắm cho nó ăn rồi mắng đuổi đi. Nhưng không, ông lại mở tiệc lớn ăn mừng người con trở về. Ông không hỏi han tại sao con lại ra nông nỗi đến thế này?

Người cha thay vì, cùng lắm thương hại cho người con hoang đàng nay quay đầu trở về ăn mặc rách rưới kiếm miếng cơm cho khỏi chết đói, chỉ cứu cho khỏi cơn đói rách. Nhưng ông lại cho ăn mặc quần áo mới đẹp, cho đi đôi giầy tốt, trao cho chiếc nhẫn tình yêu mến. Qua cử chỉ này người cha muốn nói với người con: Con trước sau vẫn là con của cha. Cha không quên con, không bỏ con. Con được hưởng mọi quyền lợi của một người con trong gia đình.

Chúa Giêsu kể dụ ngôn này có ý muốn hướng tâm hồn con người chúng ta đến tình yêu thương của Thiên Chúa bao trùm đời sống con người, cho dù đời sống của chúng ta có thế nào đi chăng nữa.

Trong dụ ngôn này, cung cách xử sự của người cha ngay từ đầu đã vẽ lên hình ảnh tâm hồn trái tim của người mẹ chan chứa tình yêu thương.

Dụ ngôn này muốn nói với con người lịch sử ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu trong biến cố phục sinh. Đó là lịch sử sáng tạo mới mang lại đời sống mới cho con người.
Công trình sáng tạo Thiên Chúa đã làm cho nhân loại, nhưng con người vì tội nguyên tổ đã phá vỡ làm cho công trình sáng tạo đó thành bất toàn. Hậu qủa là con người phải bệnh tật đau khổ, phải sống trong giới hạn sau cùng phải chết.

Nhưng tình yêu thương Thiên Chúa đã vượt trên những điều đó. Vượt trên tầm suy nghĩ của con người. Qua Chúa Giêsu ơn cứu chuộc mang đến cho con người niềm hy vọng vào sự sống mới với Thiên Chúa.

"Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. ..Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng. (Ga 15, 21-24)

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long