Thiên chức làm mẹ

Theo tập tục nếp sống văn hóa dân gian ở tây phương cũng như nhiều nơi trên các đất nước thuộc các châu lục khác, hằng năm có một ngày dành riêng nhớ đến mẹ.

Vào ngày này các con cháu dành tâm tình tốt đẹp nhất tỏ lòng kính trọng cám ơn mẹ mình. Họ gói ghém tâm tình lòng vui mừng biết ơn trong bó bông hoa tươi thắm xinh đẹp hay món qùa tặng và những lời thắm thiết tình yêu mến trao cho mẹ mình.

Người mẹ nào cũng vui mừng dạt dào tâm tình cảm động tiếp nhận tâm tình lòng yêu mến cùng biết ơn của các con dành cho mình. Người mẹ cảm thấy sung sướng niềm vui hạnh phúc thiên đàng các con họ dành cho họ.

Nhưng phải chăng chỉ có một ngày này nhớ đến công ơn và cám ơn mẹ cách đặc biệt long trọng, thế còn 364 ngày nữa trong năm thì sao?

Người mẹ nào, từ khi trở thành mẹ, cũng luôn luôn là mẹ trong suốt cả cuộc đời. Và vì thế mẹ luôn luôn có đó từ khi con thành hình giãy dụa bơi lội trong cung lòng mẹ, khi con mở mắt chào đời với tiếng khóc, với nụ cười, với những đêm con đau bệnh khóc kêu la không ngủ, trong mọi hòan cảnh lên cao xuống thấp đời người con. Mẹ luôn có đó bất kể người con cám ơn mình, hay không nhớ đến công lao của mình.

Bổn phận thiên chức của người mẹ suốt cả đời sống không bao giờ có giây phút ngừng nghỉ.

Như vậy phải chăng còn cần đến một ngày dành riêng nhớ đến mẹ nữa? Hay ngày nhớ ơn mẹ chỉ là một tập quán của một thời lúc trước, hay lúc nào đó mà con người trong đời sống đã lập làm ra thôi cho lúc đó vì một đích nào đó?

Bỏ qua những ý nghĩ theo mục đích kinh tế, chính trị. Ngày nhớ ơn mẹ dẫu sao theo phương diện văn hóa, phương diện đạo đức tinh thần đã có chỗ đứng trong nếp sống tâm hồn lòng con người. Và đây là tập tục văn hóa lành thánh tốt đẹp. Nên ngày này cần cho đời sống con người để kính trọng nhớ về thiên chức làm mẹ mà Trời cao ban cho con người.

Một bên ngày nhớ ơn mẹ là ngày mọi người nhớ đến công ơn gía trị cao cả người mẹ làm cho người con, cho gia đình mà luôn luôn ẩn dấu không biểu lộ hiển thị ra bên ngoài bằng lời nói hay hình dáng nào khác.

Một bên nhớ đến sự hy sinh dấn thân của người mẹ không chỉ cho gia đình, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng cùng rất tích cực cho cộng đồng xã hội. Không có sự hy sinh dấn thân của người mẹ, đời sống xã hội sẽ dần mòn nghèo nàn đi!

Có lẽ cũng phải công bình, chân thành đừng bao giờ nói phê bình tiêu cực về bổn phận thiên chức làm mẹ, như cho rằng con cái là rào cản vướng trở cho con đường tiến thân học hành cùng nghề nghiệp danh vọng của người mẹ, của phụ nữ; như phụ nữ người mẹ chỉ cần biết lo việc làm bếp, việc nhà cửa quần áo nuôi con cái…

Các người mẹ, các người phụ nữ cần phải với lòng khiêm nhượng và tự hào suy nghĩ cùng nói lên: Tôi là một người mẹ. Đó là hạnh phúc đời tôi!

Thiên chức làm mẹ là điều thuộc về thiên nhiên, một bổn phận „ngành nghề „ trong đời sống con người. Và còn hơn thế nữa, đó là việc một việc làm rất đúng, rất chính đáng cần thiết cùng sinh ích lợi rất lớn lao cho nhân quần xã hội.

Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người có Nam, có Nữ. Người phụ nữ được Đấng Tạo Hóa tạo dựng phú bẩm ban cho khả năng cưu mang con người ngay từ trong cung lòng của chị cho tới ngày người con mở mắt chào đời, cùng cho họ khả năng tinh tế nuôi dưỡng người con trở thành người khôn lớn. Người con là một phần máu mủ thân thể của người mẹ.

Có người mẹ tâm sự: Niềm vui, sự thành công của con tôi cũng là niềm vui sự thành công của tôi. Con tôi gặp hoàn cảnh đau khổ, gặp bước đường khó khăn, là người mẹ, tôi cũng lo lắng mất ăn mất ngủ cùng sống gánh chịu với con của tôi!

Ôi, một thiên chức cao cả thần thánh tràn đầy khả năng sáng tạo, khả năng tinh tường tế nhị cùng chịu đựng và đồng hành với con người!

Xin chúc mừng các người mẹ trần gian.
Ngày nhớ ơn mẹ, 13.05.2012

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long