Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ

Hằng năm Hội Thánh Công giáo dành ngày Chúa Nhật, thường vào cuối tháng Mười, là ngày khánh nhật truyền giáo. Ngày lễ này nhắc nhớ đến việc tiếp tục giữ gìn cùng mang ánh lửa Đức tin vào Chúa cho con người ở mọi không gian và thời gian.

Công việc này tiếp tục công việc ngày xưa cách đây hơn hai ngàn năm Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện giữa và cho con người trên trần gian.

Công việc này là bổn phận hàng đầu của Hội Thánh Chúa ở trần gian, như Chúa Giêsu Kitô đã trao cho Hội Thánh: „Anh em hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng vào Chúa cho muôn dân!

Công việc này được cấy gieo trồng vào tâm hồn con người từ ngày lãnh nhận làn nước Bí Tích Rửa tội.

Trải qua dòng thời gian từ hơn hai mươi thế kỷ nay, cùng dòng tâm lý đời sống con người vào mỗi không gian thời đại, cung cách rao giảng cùng gìn giữ đức tin, gíao lý vào Chúa cũng đã có nhiều biến chuyển thay đổi.

Trong thời đại ngày hôm nay, nếp sống xã hội theo đà tiến triển của khoa học kỹ thuật, kinh tế cùng chính trị đã có những bước tiến nhanh chóng. Và nhất là việc lý luận của trí khôn con người hầu như chỉ còn muốn dựa trên thuần lý có chứng minh bằng cớ. Nên việc truyền giáo ngày thêm khó khăn phức tạp hơn.

Không chối cãi, tình trạng đời sống tinh thần, đời sống đức tin vào Chúa, nhất là vào Hội Thánh của Chúa ở trần gian, ở xã hội Âu Châu và Mỹ Châu, nơi có đời sống văn minh cao, cùng cả ở những đất nước đang trên đà phát triển về kinh tế sang gia đoạn phú túc thịnh vượng, đang trên đà đi xuống, nhỏ dần lại. Gốc rễ văn minh Kitô giáo đang dần bị lu mờ khỏi nơi đời sống ở những xã hội đất nước này với phong trào tục hóa.

Và Hội Thánh Công Giáo từ 50 năm nay, từ Công Đồng Vatican 2. (1965) luôn trong nỗ lực tìm cách tái rao giảng Tin mừng của Chúa cho cả toàn thể thế giới.

Công việc này với những nơi đức tin Kytô giáo đã thấm nhuầm, không hẳn chỉ là công việc duy trì củng cố cho vững mạnh, nhưng cũng là làm mới lại có khi phải khởi sự lại từ đầu, là việc tái truyền giáo. Với những nơi ánh sáng đức tin vào Chúa chưa chiếu dọi tới, là việc khởi công gieo trồng hạt giống đức tin vào thửa đất đó.

Tựu trung là việc truyền giáo, gieo vãi mầm hạt giồng đức tin vào những thửa đất mới hay cũ.

1. Bản đồ Truyền giáo

Truyền giáo là gì? Truyền giáo cho những ai và đi tới đâu? Phải chăng truyền giáo là nói giới thiệu cho người ta con đường thiêng liêng cứu rỗi linh hồn? Phải chăng chỉ cho con người biết đạo lý của Chúa, giữ luật Hội Thánh có thể nói đó là truyền giáo rồi chăng?

Chúa Giêsu xuống thế gian sống giữa con người rao giảng giới thiệu cho họ về nước Thiên Chúa ba năm trường. Trước khi trở về Trời, Ngài căn dặn các Thánh Tông đồ: Anh em hãy đi rao truyền những điều Thầy đã truyền cho anh em. (Mt 28,19-20).

Từ ngày đó Hội Thánh Chúa Kitô hằng luôn trung thành với nhiệm vụ thánh thiêng này mà thi hành tùy theo hoàn cảnh mỗi dân tộc, mỗi văn hóa thời đại đất nước nơi con người đang sinh sống.

Ngày xưa Thánh Phanxicô Xavier sang truyền đạo bên miền Viễn Ðông, chủ yếu bên Ấn Ðộ, đã ban Bí tích Rửa tội cho từng trăm ngàn vạn con người.

Cũng thời các đấng Thừa Sai từ các nước Âu châu đi sang miền Á Đông, sang Việtnam rao truyền Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô hồi thế kỷ 17.-18., công việc mục vụ cũng tập trung chú ý nhiều đến Bí tích Rửa tội, đến học kinh lẽ đạo.

Phần rỗi linh hồn được ưu tiên chú trọng trong việc truyền giáo qua việc ban phát đón nhận các Bí Tích, nhất là Bí tích Rửa tội.

Ðiều này đúng và cần thiết, cùng là sức sống giúp thăng tiến đời sống đức tin. Nội dung xưa nay vẫn thế. Nhưng cuộc sống xã hội con người dần có nhiều biến chuyển thay đổi, ngay cả trong cung cách rao truyền Tin Mừng đạo Công giáo cũng phải thay đổi sửa chữa làm mới lại.

Các Vị Thừa Sai khi sang Việtnam đã chú trọng, nhất là các giáo sỹ lỗi lạc Dòng Tên, đến việc hội nhập văn hóa. Cha Alexandre De Rhodes cùng với các cha thừa sai Dòng Tên khác đã lập ra chữ Quốc ngữ, không chỉ cho việc truyền đạo viết dạy kinh bản, mà còn cho cả dân tộc Việtnam, cho nền văn hóa chúng ta nữa.

Xin thành kính cúi đầu với lòng vui mừng biết ơn, nhớ đến gia sản tinh thần văn hóa các ngài đã làm để lại cho chúng ta!

Công đồng Vatican II. đã phác họa bản đồ cho việc mục vụ truyền giáo:“ Vui-mừng và Hy-vọng, Buồn sầu và Lo sợ của con người ngày hôm nay, nhất là của người nghèo khổ, bị ruồng bỏ quên lãng, cũng là niềm Vui, Hy vọng, nỗi Buồn sầu lo lắng của Môn-đệ Chúa Kito. Không thể nói được là nhân-bản, khi những ưu tư này không bén rễ tự trong tâm hồn, và không gây được âm hưởng nơi tâm hồn người đối diện. Cộng đồng dân Chúa được thành hình do con người cùng liên kết với nhau trong niềm Tin vào Chúa Giêsu, vào Chúa Thánh Thần, và họ đang cùng nhau trên đường tiến về quê trên trời nơi Thiên Chúa Cha ngự trị...(Lời mở đầu của Hiến chương về Mục vụ giáo hội trong thế giới ngày nay số 1 - Constitution Pastoralis de Ecclesia in mundo huius temporis - Prooemium Nr. 1.).

Căn cứ trên Lời Chúa trao truyền lại: „ Anh em hãy đi làm chứng cho Chúa Kitô đến tận cùng trái đất“ ( Cv 1,8), có thể vẽ ra bản đồ địa chỉ truyền giáo như sau:

Tận cùng trái đất là các biên giới tận cùng về hình thể không gian địa lý các quốc gia đất nước, không kể thành thị hay thôn quê hẻo lánh, vùng đất đã khai hoang hay còn hoang sơ.

Tận cùng trái đất là các biên giới tận cùng về thời gian, ngày, tháng, năm, thế kỷ. Làm sao Tin mừng của Chúa luôn được nói đến vào mọi thời gian.

Tận cùng trái đất là biên giới tận cùng về đời sống con người, như các người nghèo, người bệnh tật, người cô đơn, người bị đối xử phân biệt khinh chê, người bị xâm phạm nhục nhã, bị thiệt thòi .

Tận cùng trái đất là biên giới tận cùng của các lớp tâm sinh lý sâu thẳm làm nên bản thân mỗi người như tính tình, tiềm thức, vô thức, vui mừng và hy vọng, tình yêu, hận thù ghen ghét.

Tận cùng trái đất là là biên giới tận cùng các nền văn minh, văn hóa, nghệ thuật, kỹ thuật, dù trải qua ở thời đại nào.

Tận cùng trái đất là biên giới tận cùng các ý thức hệ trong dòng đời sống xã hội con người. Tin mừng Chúa đọc lập, không lệ thuộc vào những ý thức hệ đó. Tin Mừng của Chúa là ánh sáng soi đường tìm chân lý, tìm ý nghĩa đời sống, tình yêu thương và hòa bình.

Tận cùng trái đất là biên giới tận cùng các thử nghiệm, các đổ vỡ, cũng như thành công mà con người đã sống trải qua gặt hái được. Tin mừng của Chúa vượt lên trên những điều đó, nâng đỡ tinh thần con người trong mọi giai đoạn đời sống.

Tận cùng trái đất là biên giới tận cùng ở những nơi chối bỏ hay sao lãng quên không còn nhớ cùng nhìn nhận gía trị tinh thần luân lý đạo giáo.

Như thế theo bản đồ truyền giáo, không phải là con người đến với Tin Mừng của Chúa. Nhưng Hội Thánh mang Tin Mừng của Chúa đến với con người.

Và đi truyền giáo không chỉ cần có những hiểu biết cần thiết, nhưng còn phải có đức tính cần thiết nữa.

2. Ðức tính giúp cho việc Truyền giáo

Cuộc sống ở đời phức tạp. Mối liên hệ tương quan giữa con người với nhau cũng phức tạp. Vì thế đòi hỏi nhiều kiến thức văn hóa cần thiết, nhất là mặt đức tính cá nhân thấm nhuần tính tích cực xây dựng có sức thu hút. Có thế cuộc sống chung mới phát triển xây dựng được.

Truyền giáo là một cung cách nghệ thuật sống làm chứng cho đức tin vào Chúa giữa dòng đời sống xã hội vào mọi thời đại. Cung cách nghệ thuật sống này không nằm ở ngoài mối dây tương quan giữa con người với nhau. Và như thế, cũng đòi hỏi đức tính văn hóa sống tích cực của người đi truyền giáo.

Một đức tính căn bản làm nền tảng cho đời truyền giáo là lòng khiêm nhường. Ðức tính này cũng là đặc điểm đời sống đạo đức làm người giữa trần gian.

„ Sự khiêm nhường của người truyền giáo không phải chỉ là một đức tính nhân bản, mà còn phải là một nhân đức được chia sẻ từ sự khiêm nhường của Ðức Kitô. Ðức Kitô truyền sang cho họ sự khiêm tốn của Người, để nhờ đó, họ sẽ luôn nhận được thêm chân lý và sự sống cứu độ của Người.

Chính ở điểm này, mà đến lượt mình, chính người truyền giáo cũng là người cần được Chúa Giêsu thường xuyên truyền giáo cho. Và đây chính là một kinh nghiệm quí báu họ có được về người được truyền giáo.

Ðể có đức khiêm nhường, chúng ta không thể coi thường việc tập luyện mình về nhiều mặt. Một người không được uốn nắn tập luyện kỹ lưỡng về đức khiêm nhường sẽ dễ trở nên hư hỏng: Hư hỏng do những thất bại và do cả những thành công, do những thực tế cuộc đời và cả do những ước mơ và ảo tưởng của mình, nhất là do sự cố chấp tôn thờ cái tôi và làm nô lệ cho ý riêng mình….

Trong địa vị cụ thể với những phương tiện cụ thể của ta, ai trong chúng ta cũng vẫn có thể góp phần không nhỏ vào việc loan báo Tin Mừng, hoặc bằng cách này, hoặc bằng cách khác. Ta đã thực hiện bổn phận đó thế nào?

Nếu khiêm tốn biết mình, khiêm tốn ăn năn, khiêm tốn sửa mình về bổn phận truyền giáo, chúng ta sẽ có một lương tâm truyền giáo đổi mới. Ðể từ nay, ta biết nhận lãnh, biết sinh lời và biết chia sẻ Tin Mừng cho những người gần xa, mà ta có thể gặp.“ (+ J.B. Bùi Tuần, Khiêm nhường trong Truyền giáo)

Đây là một đức tính cao qúy cùng cần thiết trong đời sống con người. Nhưng khó. Vì đòi hỏi phải hy sinh nhẫn nhục chấp nhận yếu kém của chính mình, tôn trọng những khác biệt của người khác, cùng làm sao giữ được cân bằng không vì lề thói dòng nước thời đại mà sao lãng hay bỏ quên điều căn bản trong nếp sống đức tin, cũng như tập tục truyền thống của Hội Thánh.

3. Cuộc khủng hoảng đức tin

Ngày nay người ta thường đề cao nói đến hội nhập thích ứng với thời đại. Điều này tốt. Nhưng không vì thế mà được quên cái gì là bản sắc của riêng mình.

Dấu Thánh gía là Logo căn bản của người Công Giáo. Lời kinh đọc khi làm dấu thánh gía và hình dấu thánh gía nói lên tất cả điều tin trong đạo Công giáo: Ba ngôi Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần.

Kinh Lạy Cha là kinh do chính Chúa Giêsu dạy cầu nguyện cùng Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh đời sống.

Kinh Kính mừng Maria là lời của Thiên Thần từ trời cao chào kính Đức Mẹ Maria.

Thánh lễ Misa là lễ tế Chúa Giêsu đã làm khi xưa trứơc khi chịu chết, và Ngài truyền lại cho Hội Thánh tiếp tục cử hành để ca tụng tôn vinh Thiên Chúa.

Những lời Kinh, những bài thánh ca trong nhà thờ, đều được trước tác viết dựa trên lời kinh thánh của Chúa. Sách Kinh Thánh, sách phúc âm của Chúa, nhằm mục đích ca ngợi cám ơn Chúa cùng là tâm tình cầu xin ơn Chúa xuống.

Kính trọng sự sống trong thiên nhiên và nơi con người do Thiên Chúa tạo dựng ban cho.

Những nhân đức, những giá trị tinh thần đạo giáo, gía trị nếp sống gia đình trong xã hội.

Tất cả những căn bản này đang dần bị lu mờ đặt thành vấn nạn hoài nghi, cùng trở thành xa lạ, bị quên lãng nơi thế hệ tuổi trung niên, tuổi trẻ bên các xã hội Âu châu, nơi các nước có nền văn minh tiến bộ cao. Vì thế nảy sinh cuộc khủng hoảng đức tin sâu rộng về Chúa và về Hội Thánh.

Nhiều bậc Ông Bà, Cha Mẹ đau khổ than phiền tình trạng thờ ơ dửng dưng của con cháu với việc sống đức tin vào Chúa, nhất là việc tuân giữ lề luật của Hội Thánh. Người trẻ ngày hôm nay dựa theo lý luận giữ đạo tại tâm, nên sao lãng việc thờ phượng Chúa nơi thánh đường, việc đón nhận các Bí Tích.

Nhiều đất nước quốc gia, như ở bên Âu Châu, dùng luật pháp, kinh tế tục hóa đời sống tinh thần trong xã hội, cùng tìm cách gây ảnh hưởng đến chối bỏ nền văn minh Kyto giáo.

***********

Hội Thánh tôn trọng tự do con người, cùng không thể dùng quyền hành gì để bắt buộc ai được. Nhưng Hội Thánh hằng trung thành với Lời Chúa truyền dạy làm nhiệm vụ là người cùng đồng hành nhắc bảo cho con người nhớ đến Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn đời sống.

Hội Thánh cổ võ nâng đỡ những phát minh tiến bộ, cùng không làm ra điều gì mới. Nhưng Hội Thánh dùng những phương tiện truyền thông ngày hôm nay để tiếp tục giới thiệu Thiên Chúa cùng Hội Thánh cho mọi người.

Hội Thánh nhận ra những dấu chỉ thời đại, cùng không chỉ ngón tay luân lý cảnh cáo. Nhưng Hội Thánh giữ vai trò là ngôn sứ, là tiếng nói lương tâm giúp con người nhận ra hướng đi đúng cho nếp sống tinh thần đạo giáo.

Những việc làm đó của Hội Thánh trong xã hội ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai đều nhắm tới mục đích tái truyền giáo cho xã hội đang trên đà xuống dốc khủng hoảng tinh thần và đức tin.

Mùa Kiết Hạ 01.08. 2012

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long