Đền thờ Thiên Chúa

Khi nói đến đền thờ, con người chúng ta liên tưởng đến thánh đường hay ngôi nhà thờ xây dựng kiên cố rộng lớn, như đền thờ Giêrusalem bên Do Thái, đền thờ Thánh Phero ở Vatican, đền thờ Đức Bà cả, đền thờ Thánh Phaolô ở Roma, đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức bên Pháp, đền thánh Đức Mẹ Fatima bên Bồ đào nha...hay những ngôi thánh đường, nhà thờ ngay tại nơi chúng ta đang sinh sống. Và còn nhiều hơn thế nữa.

Vậy đâu là ý nghĩa của một ngôi đền thờ, một ngôi thánh đường?

Đền thờ hay thánh đường hay ngôi nhà thờ xây dựng to nhỏ đều nói lên hai khía cạnh: kiến trúc văn hóa nghệ thuật, và ngôi nhà thờ phượng Thiên Chúa.

Thánh đường dù to hay nhỏ, dù cổ kính hay mới xây dựng bây giờ, hay làm tạm thời bằng chất liệu thô sơ cũng đều phản ảnh nét văn hóa nghệ thuật của quốc gia đất nước, của thời đại sinh sống, lúc ngôi thánh đường được xây dựng nên.

Bên Âu châu có rất nhiều ngôi thánh đường cổ kính xây dựng từ hàng mấy trăm năm, hay ngàn năm nay. Nhìn những thánh đường này mang rõ nét văn hóa nghệ thuật thời cổ, thời Trung cổ và cận đại,như kiểu Roman, Gotique, Barock, Renaissance, Neugotik…Những thánh đường đền thờ ở các nước vùng châu lục khác cũng đều phản ánh nét văn hóa nghệ thuật của đất nước đó.

Những trang hoàng mầu sắc, bàn ghế…trong thánh đường đền thờ cũng thế đều phản ảnh nết văn hóa nghệ thuật của thời đại nơi xây dựng.

Nhìn cấu trúc đền thờ thánh đường thì như thế. Nhưng đền thờ hay thánh đường còn có khía cạnh tinh thần thiêng liêng nữa: nơi dân Chúa hội họp đọc kinh cầu nguyện thờ kính Thiên Chúa.

Đền thờ mang ý nghĩa theo quan niệm của ngày xưa là Thiên Chúa hiện diện ở giữa con người trên trần gian. Ngày xưa dân Israel đi sống trong sa mạc về đất Chúa hứa, họ một thời gian dài không có đền thờ xây dựng chắc nhất định ở nơi nào. Nhưng Thiên Chúa luôn luôn ở giữa họ cùng đồng hành với họ.

Sang thời Tân ước với Chúa Giêsu, đền thờ, thánh đường hay nhà thờ là nơi chốn Thiên Chúa ngự trị, như Chúa Giêsu nói: Nơi nào có hai hay ba người tụ họp lại nhân danh Chúa, ở đó có Chúa ngự trị. „ ( Mt 18,20)

Thánh đường nhà thờ trước hết không chỉ là một ngôi nhà dinh thự xây cất bằng đá, bằng gỗ chết khô cứng. Nhưng là một ngôi nhà tâm linh tinh thần xây dựng bằng những viên gạch đá sống động, mà Chúa Giêsu Kitô là viên đá góc tường. ( 1 Phero,4-5)

Sức sống của Đức Chúa Thánh Thần là sự hiện diện của Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô. Qua nhờ Chúa Thánh Thần người tín hữu Chúa Kitô trở nên dân Thiên Chúa trong giao ước mới ( Geremia 31,31-33; Ezechien 11,19-20)

Qua nhờ một Chúa Thánh Thần của Thiên Chúa mọi người tín hữu Chúa Kitô trở nên một thân thể trong Chúa Giêsu. ( 1 Cor 12,13-14).

Trong ý nghĩa thần học đạo đức đó, Thánh Phaolo đã có suy niệm: „Anh em không biết rằng, anh em là ngôi đền thờ của Thiên Chúa sao, và Chúa Thánh Thần hằng ngự trong anh em? Người nào phá hủy đền thờ Thiên Chúa, người đó phá hủy chính Thiên Chúa. Vì đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh thiện và chính anh em là đền thờ đó.“ ( 1 Cor 3,16-17).

Giáo Hội hằng chỉ dạy người tín hữu phải tôn trọng, gìn giữ với lòng đạo đức cung kính ngôi nhà thờ cùng bầu khi thờ phượng của đền thờ, thánh đường, nhà thờ ngay nơi mình sinh sống.

Thánh đường, nhà thờ không phải chỉ là ngôi nhà công trình xây dựng to nhỏ mang chiều kích nét văn hóa nghệ thuật đời sống, nhưng còn nhiều hơn thế nữa.

Nhà thờ còn diễn tả chiều kích sự thánh thiêng, và ơn kêu gọi của chúng ta: Chúng ta là ngôi đền thờ của Thiên Chúa ở giữa trần gian, ở ngay nơi đang sinh sống, nơi đó Thiên Chúa ngự trị, và đồng thời chúng ta làm nên cộng đoàn Giáo Hội, làm nên gia đình của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. (Đức giáo hoàng Benedictô 16.)

Đó là cách sống đức tin sống động sâu xa vào Thiên Chúa, cùng lòng kính trọng thân xác lẫn tâm hồn con người do Thiên Chúa tạo dựng ban cho.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long