Cuộc gặp gỡ

Trong đời sống ai chúng ta cũng đều đã trải qua nhiều cuộc gặp gỡ với nhiều người.

Có những cuộc gặp gỡ để lại trong tâm hồn những dấu vết kỷ niệm ấn tượng sâu đậm ta nhớ mãi. Vì giúp tìm ra giải đáp gợi tìm lại qúa khứ đã quên cũng như đà vươn lên vào tương lai.

Có những cuộc gặp gỡ mang lại cho ta niềm vui phấn khởi với thiên nhiên, với gia đình xã hội.

Có những cuộc gặp gỡ mà trứơc đón ta không ngờ, lại khơi lên cùng củng cố trong tâm hồn ý hướng về niềm tin tôn giáo đạo đức.

Những cuộc gặp gỡ như thế rất hữu ích cho đời sống. Và ai cũng trông mong chờ đợi.

Phúc âm ( Marco 1,40-45) thuật lại cuộc gặp gỡ một người bị bệnh phong hiểm nghèo, kể như theo thói tục xã hội thời ngày xưa lúc Chúa Giêsu, bị loại ra bên lề đời sống xã hội cả đạo lẫn đời.

Niềm trông mong chờ đợi của người bị bệnh là được chữa lành bệnh. Khát vọng này xưa nay, con người ai cũng đều có. Và người bị bệnh phong trong Phúc âm kể lại cũng chỉ xin Chúa Giêsu làm sao giúp anh: „Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch“.

Chúng ta khi bị bệnh thường đi bác sỹ để được chữa trị cho lành mạnh trở lại. Đó là điều thông thương cần thiết trong đời sống. Nhưng ngoài phương pháp chữa trị bằng thuốc men, chúng ta cũng chạy đến cầu khấn xin Ơn Trên trợ giúp nữa cho tìm gặp được thầy được thuốc cho mau khỏi bệnh, mạnh khoẻ trở lại.

Sức khoẻ thể xác cũng như tinh thần là điều cao qúy mà Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa ban cho con người. Vì thế cần phải cẩn trọng gìn giữ, cùng cầu xin ơn trợ giúp.

Chúa Giêsu không phải là thầy thuốc khám bệnh ra toa bốc thuốc. Nhưng Ngài thông cảm nhìn thấy nhu cầu cùng lòng tin mong đợi của người bị bệnh phong. Nên Ngài đã dùng quyền năng Thiên Chúa mà chữa lành cho anh ta: „ Tôi muốn anh được sạch – Tôi muốn anh được lành mạnh trở lại –Tôi muốn anh trở lại cuộc sống chung với mọi người trong xã hội đạo đời!“.

Những lời đó của Chúa khác nào như những liều thuốc mang đến niềm vui giải thoát, niềm hy vọng cho anh ta. Và từ đấy anh ta khỏi bệnh trở về với đời sống xã hội giữa con người.

Khi bị đau bệnh chúng ta đi bác sĩ nhà thương uống thuốc chữa trị. Đây là điều tự nhiên cùng cần thiết. Nhưng lòng tin tưởng biểu hiện qua lời cầu xin khấn nguyện xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa từ trời cao cũng vẫn luôn là điều qúy trọng cần thiết cho đời sống trong mọi hoàn cảnh.

Nhân ngày thế giới bệnh nhân hằng năm cũng vào ngày kính Đức Mẹ Lộ Đức, 11.02.2012, Đức Thánh Cha Benedictô thứ 16. đã có những lời tâm huyết đạo đức thần học gửi cho các bệnh nhân:

Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với mười người phong cùi, được Tin Mừng của Thánh Luca kể lại (x. Lc 17:11-19), và đặc biệt là những lời Chúa nói với một người trong họ, “Hãy đứng dậy và đi, đức tin của con đã cứu con” (câu 19), giúp chúng ta ý thức được tầm quan trọng của đức tin đối với những người lại gần Chúa trong khi đang chịu gánh nặng đau khổ và bệnh tật. Trong cuộc gặp gỡ của họ với Người, họ có thể thực sự cảm nghiệm rằng ai tin thì không bao giờ cô độc! Quả thực, Thiên Chúa, trong Con của Ngài, không bỏ mặc cho chúng ta một mình chịu đựng những nỗi thống khổ và đau khổ của mình, nhưng gần gũi chúng ta, giúp chúng ta chịu đựng chúng, và mong muốn chữa lành cho chúng ta ở tận đáy lòng chúng ta (x. Mc 2:1-12).

… Ai trong đau khổ và bệnh tật cầu nguyện cùng Chúa thì chắc chắn rằng tình yêu của Thiên Chúa sẽ không bao giờ từ bỏ họ, và tình yêu của Hội Thánh, là sự kéo dài trong thời gian công trình cứu độ của Chúa, sẽ không bao giờ thất bại. Chữa lành thể lý, là cách diễn tả bên ngoài của ơn cứu độ sâu xa nhất, vì thế cho thấy tầm quan trọng mà con người - trong tình trạng trọn vẹn của linh hồn và thể xác - đối với Chúa. Cho nên, mỗi bí tích diễn tả và khởi động sự gần gũi của Chính Thiên Chúa, là Đấng bằng một cách hoàn toàn tự hiến, “chạm đến chúng ta qua những sự vật thể chất... mà Người sử dụng vào việc phục vụ của Người, biến chúng thành công cụ của cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Chính Người “.

Nhiệm vụ chính của Hội Thánh chắc chắn là loan báo Nước Thiên Chúa, “Nhưng chính sự loan báo này phải là một tiến trình chữa lành: ‘băng bó những tấm lòng tan nát’ (Is 61:1)” (ibid), theo nhiệm vụ mà Chúa Giêsu ủy thác cho các môn đệ của Người (x. Lc 9:1-2; Mt 10:1,5-14, Mc 6:7-13). Như thế, sự đi đôi giữa sức khỏe thể lý và đổi mới sau những tan nát của tâm hồn giúp chúng ta hiểu “các bí tích chữa lành” một cách rõ hơn.“ ( Sứ điệp ngày Thế giới bệnh nhân X X. đọan 1.).

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long