Truyền giáo vì tình thương yêu

Trong năm có nhiều ngày dành riêng nhắc nhở đến những đề tài nhất định khác nhau, như ngày quốc tế phụ nữ, ngày quốc tế về nước uống, ngày quốc tế nhi đồng, ngày về cây cối thảo mộc, ngày về bảo vệ sự sống, ngày về hòa bình…và trong đạo Công giáo có ngày khánh nhật truyền giáo.

Dành riêng một ngày trong niên lịch nhắc nhớ đến một đề tài như thế là điều tốt cần thiết. Không, thì dễ bị rơi vào quên lãng.

Chọn một ngày trong năm cho một đề tài nhất định như vậy là nói lên tầm mức thời sự cùng quan trọng của vấn đề.

Dùng một ngày trong thời gian của năm tháng nói về một đề tài là muốn nói lên có điều gì còn thiếu, cần phải được bổ túc kiện tòan thêm cho tốt, cho đúng cùng cho hợp với dòng sông đời sống.

Giáo Hội đặt chọn ngày khánh nhật truyền giáo hằng năm vào cuối tháng 10 cũng nằm trong ý hướng đó cho người Công Giáo. Năm nay vào ngày Chúa nhật, 23.10.2011.

Vậy đâu là ý nghĩa ngày khánh nhật truyền giáo?

Truyền giáo là gì, hầu như đã rõ. Nhưng dẫu vậy trong dòng thời gian lịch sử văn hóa vẫn có nhiều cách thức hiểu cắt nghĩa về ngày này. Nhưng theo cách thức cắt nghĩa về phương diện cần thiết, có thể hiểu vần đề truyền giáo cần sự tương quan liên đới.

1. Làm chứng tình yêu thương

Một linh mục Việt Nam nhập dòng truyền giáo bên Đức, đang làm việc bên Phi châu, khi được hỏi tại sao cha lại chọn con đường đi truyền giáo nơi xa xôi tận bên Phi châu, đã tâm sự nói ngắn gọn: vì tôi yêu thích đời sống đi truyền giáo sang nơi đó!

Lời tâm sự thật ngắn gọn, nhưng hàm chứa tất cả những gì cha hằng ôm ấp trong tâm hồn đời sống mình. Và lời tâm sự đó cũng ăn khớp hợp đúng ý Chúa muốn: „Anh em là nhân chứng cho Thầy đến tận cùng mọi biên giới trái đất.“ ( CV 1,8).

Làm chứng cho Chúa giữa con người bằng tình yêu thương. Vì yêu mến, nên vị thừa sai đó đã đến sống giữa con người bên tận lục địa Phi châu xa xôi, nóng bức nghèo túng thiếu thốn.

Khi được hỏi sang làm việc truyền giáo nơi đó, cha sinh sống làm việc như thế nào giữa những người dân bản xứ?

Cha đó tư lự một lúc rồi nói: là Linh mục lẽ dĩ nhiên tôi có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa cùng dâng Thánh lễ ban các Phép Bí tích cho mọi người. Nhưng quan trọng hơn hết là làm sao sống tình liên đới chia sẻ với mọi người không kể thứ bậc giai cấp; tìm cách hòa mình hội nhập vào nếp sinh sống của người dân bản xứ.

Một người thắc mắc hỏi thêm vào: Như thế là truyền giáo sao Cha?

Vị Linh mục truyền giáo đó nói ngay: Phải, đúng như vậy, đó là tinh thần nếp sống truyền giáo.

Những tâm sự về đời sống truyền giáo của vị Linh mục thừa sai đó làm nhớ lại một kỷ niệm mà Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, khi còn là Giám Mục giáo phận Nha Trang, đã viết chỉ dẫn về truyền giáo:

„ Những nỗ lực hoạt động, cầu nguyện sẽ không mang lại kết qủa nếu chúng ta không được hướng dẫn bằng một tinh thần mới, một bầu nhiệt huyết tông đồ.
Bất cứ lúc nào tiếp xúc với lương dân, với một bầu nhiệt huyết tông đồ, anh chị em hãy luôn luôn nhớ rằng:
Tinh thần truyền giáo không phải là óc chinh phục mà là lòng yêu thương.
Tinh thần truyền giáo không phải là óc cai trị, mà là tinh thần phục vụ mọi người.
Tinh thần truyền giáo không phải là đạo binh thánh gía, dùng vũ lực để đánh ngã, nhưng là tinh thần chứng nhân, lấy đời sống mà làm chứng tích.
Tinh thần truyền giáo không phải là óc tự cao tự đại, nhưng là thái độ đối thoại, là tinh thần trao đổi và tôn trọng các tôn giáo khác.
Tinh thần truyền giáo không phải là mãnh lực của tiền tài, quyền thế mà là tinh thần tương trợ.
Tinh thần truyền giáo không phải là thủ đoạn chiến lược, nhưng là tấm lòng chân thành đơn sơ.
Tinh thần truyền giáo không bao giờ chán nản, vì trở ngại, vì vô ơn, vì phản bội, vì thất bại, ngược lại luôn luôn tin cậy vào ơn Chúa và nhẫn nại.„ ( Gm. Phanxico Xavier Nguyễn văn Thuận, Thư luân lưu: Sứ mạng Chúa Kito là sứ mạng của chúng ta, lễ Thánh Terxa năm 1970. Trích trong tập Hôm qua, hôm nay, ngày mai, Thời điểm 1996, tr. 102-103).

Và cũng vì động lực làm chứng cho tình yêu thương của Chúa giữa con người, nên các nhà Thừa sai truyền giáo người Âu châu hồi thế kỷ thứ 17. , 18. đã bỏ quê hương xứ sở phát triển giầu sang tiện nghi dấn thân sang sinh sống ở bên Á Châu, chấp nhận cuộc sống đơn giản thiếu thốn, cụ thể là ở quê hương đất nước Việt Nam.

Chữ Quốc Ngữ là một thí dụ về sự hội nhập dấn thân, mà các Linh mục thừa sai người Âu Châu đã tìm tòi sáng tác cho nền văn hóa Việt Nam chúng ta.

Công trình xây dựng những ngôi thánh đường vừa chắc chắn, vừa nguy nga nghệ thuật văn hóa, vừa mát mẻ khang trang cùng mang đến bầu khí cầu nguyện, mà các Thừa Sai đã làm còn để lại cho đời là những chứng tích nét đặc trưng góp phần xây dựng nền văn hóa cùng lịch sử ở đất nước Việt Nam.

Tình yêu Thiên Chúa sống động hiện diện giữa con người trong đời sống, trong xây dựng phát triển cùng tình liên đới hội nhập chia sẻ với nhau.

2. Khát vọng tinh thần hướng thượng

Tình yêu là cùng chung sống đồng hành với người khác trong mọi hoàn cảnh đời sống. Tình yêu là cùng chia sẻ, cùng tham dự chịu đựng với những lo âu khắc khoải của người khác. Điều này đòi hỏi phải có ý thích muốn liên quan tới.

Cha mẹ trong gia đình, có thể nói với niềm tự hào kính phục cùng lòng biết ơn, là những nhà truyền giáo. Họ yêu thích, yêu mến đời sống con cái của họ. Họ hằng quan tâm chú ý đến con cái. Họ mong muốn cùng nỗ lực làm để cho con cái họ có đời sống thể xác cũng như tinh thần được đầy đủ tốt đẹp, ít là phần căn bản giúp chúng vươn lên với đời.

Cha mẹ nào trước hết và căn bản đều quan tâm tới cơm ăn áo mặc cho con mình được no đủ. Nhưng như vậy chưa đủ, họ còn quan tâm đến đời sống giáo dục tinh thần trí tuệ học hành, lễ giáo của con họ nữa.

Đây là một nhiệm vụ khó khăn, nhiều thử thách, đòi hỏi nhiều công sức kiên trì đầu tư. Nhưng đó là một nhiệm vụ không thể bỏ qua, và là bộ mặt danh dự cho đời sống cha mẹ lẫn đời sống tương lai con cái cùng xã hội nhân loại. Chả thế mà trong dân gian có câu ngạn ngữ ví von. „ chó gầy hổ mặt người nuôi!“.

Các vị đi truyền giáo sống giữa con người, trong khi sống hội nhập chia sẻ với con người nơi đó về nếp sống, về văn hóa, họ còn phải luôn quan tâm đến khát vọng tinh thần của con người. Khát vọng hướng thượng về Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn đời sống cùng mọi ân đức.

Tìm hiểu khơi dậy và hướng dẫn giúp nuôi dưỡng phát triển khát vọng đó nơi con người, đòi hỏi vị Thừa sai truyền giáo nhiều dấn thân hy sinh. Các Vị phải nỗ lực đầu tư không chỉ thời giờ, mà còn bằng mồ hôi nước mắt, bằng sức khoẻ, có lúc danh dự bị chà đạp khinh miệt coi thường, và có khi bằng cả giọt máu chính mạng sống nữa!

Cha mẹ là những nhà truyền giáo cho đời sống con cái mình vì bổn phận và niềm hãnh diện cùng tình yêu thương.

Các Vị Thừa sai đi truyền giáo giữa con người nơi xứ sở xa lạ đã lấy tình yêu thương thiêng liêng đại đồng nghe theo tiếng Thiên Chúa kêu gọi làm nên bổn phận của mình cùng lo âu chăm sóc đến khát vọng đời sống tinh thần của con người. Vinh danh cho Thiên Chúa và cho con người là niềm vui niềm an ủi của các vị Thừa sai.

Cha mẹ là những truyền giáo cho con cái mình giúp chúng xây dựng đời sống căn bản sinh sống vươn lên giữa lòng đời.

Các vị thừa sai truyền giáo khơi lên cùng hướng dẫn khát vọng tinh thần hướng thượng của con người vươn lên Thiên Chúa.

Như cha mẹ lo cho con cái mình lớn lên trưởng thành tự lập trong đời sống. Vì họ không thể sống hay làm thay cho con cái họ được.

Cũng vậy các vị thừa sai truyền giáo chỉ lối cho con người tự đến với Thiên Chúa, Đấng là khát vọng của họ. Mỗi người được Thiên Chúa tác tạo sinh thành với tự do, với nhân vị bản sắc cá biệt. Và con người đến với Thiên Chúa với những cá biệt đó.

Cha mẹ là những nhà truyền giáo cho con cái trong một xã hội nhỏ thu hẹp gia đình. Nhưng họ cũng luôn gặp những khó khăn thử thách đố, những ảnh hưởng trái ngược. Phải, những cám dỗ, từ bên ngoài lôi cuốn chính họ và con cái họ.

Các vị Thừa sai truyền giáo đến sinh sống giữa một xã hội rộng lớn xa lạ cho nhiều người, hơn nữa họ lại sống làm chứng rao truyền điều không mấy gì hấp dẫn ý thích con người tự nhiên, nên càng gặp khó khăn, thách đố nhiều hơn nữa. Phải, những cám dỗ lôi cuốn muốn bỏ cuộc giữa đường.

Nhưng dẫu vậy, cả các cha mẹ lẫn các vị Thừa sai đi truyền giáo vẫn luôn cố gắng trung thành kiên trì với việc bổn phận. Họ không bỏ cuộc giữa đường. Trái lại họ đối diện với những thách đố đòi hỏi trong cung cách sống lòng yêu mến, khiêm nhượng và tin tưởng phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

3. Thách đố trong việc truyền giáo

Đức Thánh Cha Benedictô 16. đã chọn chủ đề cho ngày truyền giáo năm 2011:  "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Gioan 20,21).

Các bậc cha mẹ qua bí tích hôn phối được Chúa trao trách vụ truyền giáo cho con cái trong gia đình mình.

Các vị Thừa sai được sai đến cánh đồng truyền giáo rộng lớn cho con người nơi những chân trời xa lạ

Họ tất cả ra đi với lòng nhiệt thành phấn khởi. Nhưng những thách đố khó khăn cũng luôn đang chờ đợi họ.

Nhiều cha mẹ than thở, bây giờ giáo dục truyền giáo cho con cái ngay trong gia đình khó qúa. Như ngày Chúa nhật thúc dục chúng đi lễ, chúng nói lại: đi lễ nhà thờ ở trường học trong tuần đủ rồi! Hơn nữa đến nhà thờ chỉ thấy hầu như toàn người lớn tuổi. Người trẻ cùng trang lứa chẳng có ai. Vậy đến đó nào có gì vui nữa!!!

Ấy là chưa kể đến tầm trí thức hiểu biết của con cái bây giờ vượt xa hơn cha mẹ. Và do đó, họ có những suy nghĩ lý luận đối chất áp đảo khiến cha mẹ đành phải im lặng.

Rồi trong xã hội bây giờ, nhất là bên Âu Châu, trào lưu tục hóa chối bỏ căn rễ Kytô giáo ngày càng lan rộng không phải chỉ qua lời nói chỉ trích đối chất đặt lại vấn đề về đạo giáo, về Giáo Hội. Nhưng cả luật pháp quốc gia đã và đang dần làm ra những điều lệ theo thị hiếu sở thích con người thời đại gây cản trở khó khăn cho đức tin đạo giáo, cho Giáo Hội.

Đức thánh Cha nhận xét rằng "Ngày nay đang có một sự thay đổi văn hóa, được trào lưu hoàn cầu hóa nuôi dưỡng, cùng với những phong trào tư tưởng và chủ thuyết duy tương đối, một sự thay đổi đưa tới một não trạng và một lối sống xa rời Sứ điệp Tin Mừng, sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, và đề cao việc tìm kiếm sự sung túc, kiếm tiền dễ dàng, công danh sự nghiệp và thành công như mục đích của cuộc sống, và gây thiệt hại cho các giá trị luân lý”.

Dẫu có những khó khăn thách đố trong cánh đồng việc truyền giáo hôm nay, đức Thánh Cha Benedictô 16. định nghĩa rõ vai trò truyền giáo trong Giáo Hội:

"Việc truyền giáo phải ảnh hưởng tới tất cả mọi hoạt động của Giáo Hội. Sự quan tâm và cộng tác vào công cuộc truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội trong thế giới không thể chỉ giới hạn vào một số thời điểm hoặc cơ hội đặc biệt, và cũng không thể chỉ được coi như một trong bao nhiêu hoạt động mục vụ: chiều kích truyền giáo của Giáo Hội là điều thiết yếu, vì thế cần luôn luôn để ý tới chiều kích này…“

 ****************

Việc truyền giáo đặt trên căn bản đức tin vào Chúa, lấy Lời Chúa làm con đường hướng đi cho đời sống.

Đó chiều hướng thượng. Nhưng không quên chiều kích đường ngang chân trời:

 „Ngoài ra cũng cần đóng góp để cải tiến điều kiện sống của những người tại những quốc gia đang phải chịu hiện tượng nghèo đói, suy dinh dưỡng, nhất là nơi các trẻ em, bệnh tật, thiếu thốn các dịch vụ y tế, và giáo dục. Những hoạt động tương trợ như thế cũng thuộc về sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội”. (Sứ điệp ngày khánh nhật truyền giáo năm 2011, ban hành ngày 25-01-2011).

Khánh nhật truyền giáo, 23.10.2011
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long