Những khác biệt trong Hội Thánh Công Giáo

Hội Thánh Công Giáo Roma từ ngày được Chúa thành lập hơn hai ngàn năm nay, là trung tâm điểm không chỉ cho những người tín hữu Chúa Kitô hướng về. Nhưng cũng là điểm nóng bỏng cho mọi phân tích phê bình chỉ trích, bị xuyên tạc hiểu sai lạc, có khi cả bị bôi nhọ vu khống nữa.

Hội Thánh Công Giáo Roma được Chúa Giêsu khai sáng thiết lập ở đất nước Do Thái. Nhưng Ngài trao cho 12 Thánh Tông đồ, cho Hội Thánh nhiệm vụ rao giảng tin mừng nước Chúa phổ quát trên hoàn cầu cho mọi người vào mọi thời đại xuyên qua mọi không gian, mọi thời gian, mọi biên giới hình thể địa lý, mọi nền văn hóa cùng tâm tính đời sống xã hội của con người.

Hội Thánh Công Giáo trong dòng thời gian lịch sử về mặt hình thức tổ chức bên ngoài đã trở thành như một cơ cấu của một quốc gia có đầy đủ chủ uy quyền. Nhưng nhiệm vụ căn bản chính yếu của Hội Thánh vẫn luôn là gìn giữ cùng giúp con người sống tin mừng đức tin vào Chúa.

Những khác biệt, có khi đối chọi như thế trong Hội Thánh Công Giáo đã ẩn hiện có từ ngày Chúa Giêsu thành lập rồi.

Nhìn vào hai vị Thánh rường cột: Phero và Phaolo, mà Chúa Giêsu đã chọn thành lập Hội Thánh ta thấy rõ những điểm khác biệt.

1.
Thánh Phero được Chúa Giêsu chọn làm thủ lãnh tông đồ đoàn, phong cho làm đá tảng, trên nền tảng đá này Hội Thánh Công Giáo được xây dựng

Nhưng vị Thánh này lại có tâm tính của một người nóng nảy bộc trực. Hứa quyết chí theo Chúa, nhưng sau đó lại chối Chúa. Vị Thánh này không cả quyết dứt khoát trong vấn đề có nên rửa tội cho người không phải là người Do Thái không. Và chính Thánh Phero đã lại rửa tội cho viên sĩ quan Kornelius người Roma.

Trái ngược lại, Thánh Phaolo là người qủa quyết trong vấn đề này rõ ràng hơn: mở rộng cho hết mọi người. Điều này cho thấy, Phaolo có phẩm chất của một tảng đá cứng rắn chắc hơn tảng đá Phero.

Hai vị Thánh Phero và Phaolo với hai tâm tính con người khác biệt nhau, nhưng được Chúa kêu gọi dùng để loan truyền tin mừng của Ngài cho con người.

2.
Thánh Phero là con người mau chóng biểu lộ niềm vui phấn khởi, xuất thân là một bác thuyền chài ở trên bờ hồ sông nước, có đời sống đơn giản của một người nhà quê. Thánh Phero có tâm tính một người nóng như lửa rơm bốc phừng lên cao nhanh chóng rồi lại tàn lụi mau lẹ ngay. Có thể nói Ông là người nhát gan, nhưng lại can đảm nói lên điều tuyên tín của mình: Thầy là con Thiên Chúa hằng sống.

Thần Linh Thiên Chúa đã biến đổi con người Phero trở nên người sống chết với Hội Thánh trong nhiệm vụ rao truyền Tin mừng của Chúa. Sau cùng vào khoảng năm 64 Thánh nhân đã chết tử vì đạo cho Chúa, bị đóng đinh ngược ở Roma.

Thánh Phaolo thì khác hẳn. Ông là một học gỉa, có nền giáo dục đào tạo uyên bác ở ngưỡng cửa đại học của phái luật sĩ thời Chúa Giêsu. Về phương diện chuyêhn môn Thánh Phaolo là một nhà tư tưởng chuyên về những lý luận chú giải tôn giáo. Nên Ông cũng là một người bảo vệ niềm tin Do Thái giáo đến mức độ quyết liệt gần như cuồng tín.

Thiên Chúa đã tuyển chọn Phaolo, một người thù ghét Hội Thánh của Chúa, cho trở nên một nhà truyền giáo vĩ đại loan truyền Tin mừng đạo Công Giáo vượt ra khỏi biên giới nước Do Thái sang tận các nước Âu Châu. Phaolô sau cú ngã ngựa gặp gỡ Chúa Giêsu hiện ra trên đường đi Damascus đã nhận ra tiếng ơn Chúa kêu gọi trở lại với Chúa. Từ đó Ông đã sống cuộc đời thay đổi hoàn toàn, sống dấn thân cho việc truyền giáo của Hội Thánh Công Giáo. Và sau cùng cũng chết tử vì đạo cho Chúa ở Roma vào từ khoảng năm 64-67.

Có thể nói so sánh Phero và Phaolo như lửa và nước. Theo về thự tự đẳng cấp cùng thời gian, Thánh Phero là vị Tông đồ thứ nhất; còn Phaolo là vị tông đồ sau cùng. Thánh Phero gắn bó với xứ đạo Giêrusalem, rất khó từ bỏ xa lìa với truyền thống Do Thái giáo. Còn Thánh Phaolo tuy là người gốc Do Thái, nhưng lại là công dân có quốc tịch Roma, có thể nói Ông có tinh thần của một người rộng mở khi cần thiết.

3.
Tuy có những khác biệt về tâm tính, về cách suy nghĩ cùng làm việc. Nhưng cả hai nhà truyền giáo đều đã góp phần căn bản đáng kể cho việc phát triển của Hội Thánh Công Giáo thời sơ khai rất nhiều.

Thánh Phero, vị Giáo hòang thứ nhất của Hội Thánh Công Giáo, là sự bảo đảm cùng là biểu tượng cho sự hiệp nhất xưa nay trong Hội Thánh Công Giáo. Có nhiều hình thức truyền giáo trong Hội Thánh, nhưng chỉ có một sứ điệp tin mừng của Chúa để lại. Có nhiều cách thức Phụng tự thờ kính Thiên Chúa, nhưng chỉ có một Bí Tích Thánh Thể lễ tạ ơn ( Eucharistica). Có nhiều cung cách phục vụ anh chị em trong Hội Thánh, nhưng chỉ có một tình yêu.

Thánh Phaolo là người hăng say cho việc rao truyền bá đức tin vào Chúa trong cùng một cách thế cho mọi người, người Kitô giáo cũng như người không Kito giáo. Những bức thư Thánh nhân viết gửi cho các Giáo đoàn chứa đựng những chỉ dẫn việc làm cụ thể cho việc loan truyền sống đức tin trong đời sống, cùng giúp cho đời sống cộng đoàn được phát triển.

**************
Thánh Phero chối bỏ Chúa Giêsu ba lần: Tôi không biết người ấy là ai!. nNhưng Ông cũng biểu lộ tình yêu với Chúa ba lần: Thầy biết con yêu mến Thầy!

Thánh Phaolo một người ghét bỏ bắt bớ Giáo Hội Chúa thuở sơ khai. Nhưng Ông đã để cho Chúa khuất phục từ trong trái tim tâm hồn. Và Ông đã trở nên một người dấn thân hoàn toàn cho tin mừng tình yêu Chúa.

Tình yêu Chúa đã hoán cải dẫn đưa hai vị Thánh nhân, với những khác biệt của họ, cho việc xây dựng Hội Thánh Công Giáo của Chúa ở trần gian.

Những khác biệt của hai vị Thánh rường cột Hội Thánh Công Giáo không làm cho ngôi nhà Hội Thánh trở nên lộn xộn mất trật tự.

Trái lại giúp xây dựng chiều sâu rộng cùng hướng cao lớn vươn lên của ngôi nhà Hội Thánh Công Giáo cho hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long