Nếp sống đạo đức của một chứng nhân

„ Vị Thánh nào cũng có một qúa khứ.
Tội nhân nào cũng có một tương lai“.

Ngạn ngữ này hay đúng hơn tâm tình này phản ảnh nếp sống của một tâm hồn chan chứa niềm hy vọng cậy trông vào ân đức của Trời Cao cho đời sống.

Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận, người đã sống trải qua kinh nghiệm sâu thẳm về niềm xác tín này trong suốt dọc đời sống „người lữ hành“ của ngài trên trần gian.

Khẩu hiệu đời mục tử Giám mục của ngài nói lên điều này: „Gaudium et Spes – Vui mừng và hy vọng

Trong nhà tù 13 năm, ngài đã cầu nguyện và suy tư viết lên những dòng tâm tư nơi tập sách với 1001 câu châm ngôn tràn đầy niềm hy vọng gây hào hứng phấn khởi cho tâm hồn đời sống nội tâm trong mọi hoàn cảnh đời sống: Đường Hy Vọng, cho chính mình cùng cho mọi tâm hồn người tín hữu Chúa Kitô.

Người lữ hành Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận đã viết lại những kinh nghiệm đời sống nội tâm tràn đầy tin tưởng phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa qua lời bầu cửa của Đức Mẹ Maria trong suốt thời gian 13 năm ngồi tù nơi tập sách: Năm chiếc bánh và hai con cá.

Những tâm tình sống tràn đầy hy vọng của người lữ hành Nguyễn văn Thuận chúng ta đã đọc, cùng đã nghe ngài giảng quảng diễn kể lại trong thời gian sau khi ra khỏi tù. Mùa Chay thánh năm Toàn xá 2000 Chân Phước Gioan Phaolô I I., lúc đó còn là Giáo Hoàng, đã mời ngài giảng tĩnh tâm cho Giáo Triều Roma, từ 12. – 18. tháng Ba 2000.

Chúng ta không được nghe những bài giảng này. Nhưng đã đọc được những bài giảng đó nơi tập sách „ Chứng nhân Hy Vọng“ do Nguyệt san Dân Chúa Âu Châu ấn hành năm 2001. Và qua đó chúng ta đã tìm nhận ra những dấu chứng nếp sống đạo đức tràn đầy hy vọng của chứng nhân mục tử Nguyễn văn Thuận.

Đâu là những dấu chứng đó?

1. Deus meus et omnia – Thiên Chúa của tôi và Ngài là tất cả mọi sự

Khi đời sống khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn khốn cùng, con người chúng ta rơi vào hố sâu lúng túng, bối rối hoài nghi hầu như tất cả... Vị mục tử Phanxicô Xavier Thuận cũng sống trải qua tâm trạng đó. Nhưng sức sống nội tâm đã giúp ngài tìm ra ánh sáng. Ngài kể lại.

Ngày 15.08.1975 tôi bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm….Trong cuộc hành trình, tôi bắt đầu ý thức rằng mình đang mất tất cả. Tôi ra đi với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. Tôi chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao nhiêu lo âu ấy, tôi vẫn thấy có một niềm vui lớn „ Hôm nay là lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời…

Trên đường dài 450 cây số, không có một ai. Tôi thực sự bị bỏ rơi. Và trong sự xúc động trước hoàn cảnh mới, diện đối diện với Chúa, tôi nghe thấy câu Chúa Giêsu hỏi Simon: Simon, con bảo Thầy là ai? ( Mt 16,15).( Chứng nhân Hy Vọng, trang 31)

Câu Chúa Giêsu hỏi Thánh Phero ngày xưa: Con bảo Thầy là ai? Và những câu thắc mắc tương tự về Chúa Giêsu, về đạo Công giáo, mà người ta trong tù nêu đặt ra cho tù nhân Giám Mục Nguyễn văn Thuận càng làm ngài suy nghĩ sâu xa hơn.

-Trong suy tư cầu nguyện về những dụ ngôn người trộm lành, người con hoang đàng trở về, về chị phụ nữ tội lỗi Mai đệ Liên nơi Phúc âm Chúa Giêsu, ngài đã tìm ra câu trả lời cho mình: „ Chúa Giêsu không có một trí nhớ như của tôi. Không những Ngài tha thứ và tha thứ cho mỗi người, nhưng Ngài còn quên là Ngài đã tha thứ“.( tr. 33)

- Khi suy niệm đọan Tin mừng về tám mối Phúc thật, Đức Giám mục Thuận đã nhìn thấy một „ bức chân dung tự họa“ của Chúa Giêsu như một người phiêu lưu vì tình yêu với Đức Chúa Cha và anh em. Từ đầu chí cuối của các Mối Phúc Thật này đều nghịch lý, cho dù chúng ta đã nghe quen….

Nhưng các Môn đệ đã tín thác nơi người phiêu lưu ấy. Từ 2000 năm nay, và cho đến tận thế, chúng ta vẫn thấy không thiếu hàng ngũ những người phiêu lưu đã sẽ tiếp tục theo Chúa Giêsu. Chỉ cần xem các Thánh qua mọi thời đại. Rất nhiều người trong số họ thuộc hiệp hội những người phiêu lưu ấy. Không có địa chỉ, chẳng có điện thoại hay điện thư…“( tr.35)

- Con người trong dòng thời gian do Thiên Chúa sáng tạo ban cho sự sống thân xác hình hài cùng trí tuệ tinh thần, tự do. Ngài hằng nuôi dưỡng ban cho họ của ăn qua những nguồn ẩn chứa nằm trong thiên nhiên. Con người như Kinh Thánh thuật được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh của Ngài.

Nhưng trong tự do con người có thể từ chối “ sự cao cả“ do Thiên Chúa ban cho. Con người có thể toan tính hành động theo ý định riêng của mình khác với tương lai Chúa hứa. Thực vậy, con người cố tìm cách bảo đảm cho mình một tương lai riêng như Kinh Thánh đã nói…..Và thế là họ rơi vào tình trạng lầm than. Họ không còn Hy Vọng nơi Thiên Chúa nữa, nhưng theo đuổi những Hy Vọng gỉa trá.”

“ Ngây ngất trước Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là tất cả mọi sự của tôi- Deus meus et omnia-, tôi muốn cùng với Chúa Giêsu trở thành nguồn Hy Vọng trong vườn thế giới, như thi hài Charles Péguy người Pháp đã nói:

“Ta tự hỏi: nhưng làm sao nguồn suối Hy Vọng ấy có thể mãi trẻ trung, tươi mát, sinh động…Thiên Chúa phán: hỡi dân tốt lành, điều ấy không khó lắm đâu…Nếu nguồn Hy Vọng ấy muốn dùng nước trong để làm nên những nguồn mạch tinh khiết, thì sẽ chẳng bao giờ tìm cho đủ nước trong nơi toàn thể các tạo vật của ta. Nhưng từ những dòng nước đục ngầu mà nguồn Hy Vọng ấy dùng để biến thành những nguồn nước trong. Và chính vì thế mà chẳng bao giờ thiếu nước, nhưng cũng vì vậy mà nguồn ấy là Hy Vọng. Và đó chính là bí quyết đẹp nhất trong vườn thế giới.” ( Cf Le porche du mystère de la deuxième vertu, cit, pp. 186-189)
( tr. 38-39).

Đây là nếp sống đức tin của một tâm hồn phải đối diện với những thử thách cùng thắc mắc hoài nghi về ý nghĩa thẳm sâu của đời sống. Nhưng không vì thế để bị xa lạc khỏi hướng con đường sống niềm Hy Vọng được vực dậy vươn lên do làn gió, làn nước Đức Chúa Thánh Thần thổi chảy vào.

2. Veni Creator Spiritus - Lạy Chúa Thánh Thần, thần khí sáng tạo xin hãy đến

Trong đời sống đạo chúng ta thường đọc kinh Lạy Cha, kính Kính mừng Maria, kinh Sáng Danh…như thế có thể nói là không thiếu, là đủ rồi. Nhưng nếu có đọc thêm các kinh khác nữa cũng là điều tốt lành thánh đức, đôi khi còn hữu ích cho đời sống thêm nhiều hơn.

Trong tù Đức Tổng Giám mục Thuận tất nhiên đã đọc không biết bao nhiêu kinh mà ngài đã thuộc từ khi còn nhỏ ở nhà với cha mẹ, nơi xứ đạo, rồi trong đời Linh Mục, đời Giám mục. Những kinh sách, bài hát đạo đã ăn sâu thấm nhập tâm trí, máu mủ thân thể ngài. Vì thế kinh sách, bài hát thánh ca giúp ngài cầu nguyện với Chúa không chỉ sốt sắng mà còn nâng đỡ tâm hồn trí khôn ngài rất nhiều.

Một trong những nâng đỡ tâm hồn trí khôn ngài mà Chúa trao tặng ban cho ngài là trong nhà tù bỗng nhiên ngài trở thành một Thầy giáo, phải một nhà truyền giáo giảng đạo nói về Chúa cho cán bộ cộng sản vô thần. Ngài kể lại:

Trong cuộc sống của tôi, có những thời gian dài tôi đã đau khổ vì không thể nào cầu nguyện được. Tôi đã kinh nghiệm cái vực thẳm của sự yếu đuối thể xác và tâm thần. Nhiều lần tôi đã kêu lên như Chúa Giêsu trên thập gía: „ Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?“

Nhưng Chúa đâu có bỏ tôi.

Trong tù, một vài người trong số công an canh giữ tôi đã học tiếng latinh để có thể đọc các tài liệu của Giáo Hội. Một ngày nọ có một người hỏi tôi:
- Ông có thể dạy tôi một bài thánh ca bằng tiếng latinh không?
- Được, nhưng có nhiều bài lắm, bài nào cũng hay.
- Vậy Ông hát đi, tôi nghe rồi tôi sẽ chọn.

Thế là tôi hát: Kính chào Mẹ là sao bắc đẩu - Ave Maris stella; Chào Mẹ - Salve Mater; Lạy Thần Khí sáng tạo xin hãy đến - Veni creator spiritus…..và anh ta chọn bài sau cùng.

Tôi không bao giờ ngờ rằng một người công an vô thần đã học thuộc lòng bài thánh thi đó, và lại càng không ngờ rằng anh ra hát bài thánh thi đó mỗi sáng vào lúc 07 giờ, khi leo xuống thang gỗ để tập thể dục và đi tắm trong vườn. Anh ta hát đi hát lại bài thánh thi nhiều lần và làm các cử điệu khác nhau khi múc nước tắm:„Veni,creator Spiritus…., Lạy thần khí sáng tạo xin hãy đến, viếng thăm tâm trí các tín hữu Chúa…“.Và anh ta kết thúc các lời cuối cùng của bài thánh thi„ cho đến muôn muôn đời . Amen“ khi bước vào phòng với quần áo chỉnh tề.

Ban đầu tôi lấy làm lạ lắm, nhưng dần dần tôi nhận ra rằng chính Đức Chúa Thần Thần đã dùng anh công an đó để giúp một Giám mục bị tù cầu nguyện, khi vị đó qúa yếu nhược và mất tinh thần đến độ không còn cầu nguyện được nữa.“ (Tr. 156-157).

Ôi! khiêm cung thay tâm hồn của cả thầy dậy lẫn học trò mở rộng cánh cửa tâm hồn cho nguồn hứng làn gió Đức Chúa Thánh Thánh hà hơi thổi vào mang sức sống tinh thần tươi mát vươn lên, trong niềm hiệp thông với mầu nhiệm các Thánh và Giáo Hội của Chúa ở trần gian.

3. Với Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Trong dân gian có câu ngạn ngữ “ nhất nhật tại tù”, muốn nói không gì nặng nề, dài đằng đẵng cùng chán chường dày vò khổ đau bằng một ngày sống trong nhà tù.

Đức Tổng giám mục Phanxicô Nguyễn văn Thuận đã sống trải qua hoàn cảnh đó trong thời gian bị giam cầm 13 năm. Là một người mục tử trên đường lữ hành, trong lao tù tuy cô đơn mất tất cả, nhưng vẫn còn có mối tương quan tinh thần sống hiệp thông, như ngài thuật lại:

„ Trong tù chính tôi cũng đã sống nỗi đau khổ của Giáo Hội tử đạo. Tôi nghe thời gian qua đi, ngày này sang ngày khác mà không biết chung cuộc sẽ đi về đâu…….Trong những lúc đó, chúng ta khám phá ra rằng mình hiệp thông với biết bao nhân chứng khác: „ Như thế cả chúng ta nữa, được một số đông đảo các chứng nhân bao quanh, cởi bỏ tất cả những gì là nặng nề và tội lỗi bủa vây, chúng ta hãy kiên trì trong cuộc chạy đua, mắt hướng về Chúa Giêsu, là Đấng khai mở và kiện toàn đức tin“ ( Dt 12,1-2).

Tôi đã nghĩ tới các cuộc bách hại, cái chết và các Vị Tử Đạo xảy ra trong 350 năm tại Việt Nam, đã cống hiến Giáo Hội biết bao nhiêu Vị Tử Đạo không đưọc biết tới: khoảng 150.000 vị…

….Các Vị Tử đão đã dạy cho chúng tôi biết nói lên hai tiếng xin vâng: xin vâng vô điều kiện và vô biên giới đối với tình yêu của Thiên Chúa.

Các vị Tử đạo cũng dạy cho chúng tôi nói lên tiếng không đối với các lời dụ dỗ ngon ngọt, những dàn xếp lắt léo, hoặc bất công nhằm mục đích cứu mạng sống mình, hay hưởng lấy một chút anhàn thư thái…

Đó là gia sản cần phải luôn luôn chấp nhận. Nó không phải là chuyện tự động đương nhiên. Vì chúng ta có thể từ chối nó. Gia sản của các Vị Tử Đạo không phải là chí anh hùng mà là lòng trung thành. Gia tài này đã được chín mùi bằng cách hướng nhìn lên Chúa Giêsu, mẫu gương của cuộc sống Kitô hữu, mẫu gương của mọi nhân chứng, mẫu gương của tất cả các Vị Tử Đạo.“ ( trang 138-141)

4. Với Giáo Hội Chúa Kitô

Chắc chắn Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xavier Thuận đã không biết bao nhiêu lần đọc với niềm xác tín lời kinh Tin Kính riêng hoặc chung với Cộng đoàn dân Chúa: „Tôi tin Hội Thánh công giáo, duy nhất, thánh thiên và tông truyền“. Và chính ngài là Giám mục có nhiệm vụ hàng đầu phải sống liên kết cùng gìn giữ bảo vệ mầu nhiệm Giáo Hội: công giáo duy nhất, thánh thiện và tông truyền.

Trong nhà tù, lẽ dĩ nhiên tâm hồn tinh thần ngài luôn hướng về Giáo Hội Mẹ ở Roma. Nhưng
không liên lạc gì được với bên ngoài. Làm thế nào đây? Ngài kể lại cách sống liên lạc với Giáo Hội Roma trong thời gian ở nhà tù:

„ Trong khi tôi bị cô lập ở Hà Nội, thì một ngày kia, một nữ công an mang cho tôi một con cá nhỏ để tôi nấu ăn. Vừa khi tôi thấy tờ giấy bọc con cá, tôi cảm thấy rất vui mừng, nhưng tôi cố nén lòng không biểu lộ ra bên ngoài. Tôi vui mừng không phải vì con cá, nhưng là vì tờ giấy bao bọc con cá: đó là hai trang của báo „ Quan sát Viên Roma – Osservatore Romano“ . Trong những năm ấy, báo này mỗi khi được gởi tới bưu điện hà Nội, thì thường bị tịch thu và đem đi cân bán ở quầy mua giấy cũ ở chợ. Hai trang báo ấy được dùng để gói con cá nhỏ. Tôi bình tĩnh không để cho ai thấy, và rửa sạch những trang báo đó để tẩy hết mùi tanh, rồi phơi khô và giữ nó như một thánh tích.

Đối với tôi, trong khi bị biệt giam, những trang báo ấy là một dấu chỉ tình hiệp thông với Roma, với Thánh Phero, với Hội Thánh, và đó là một vòng tay ôm từ Roma. Gỉa sử không ý thức mình là thành phần của Hội Thánh, có lẽ tôi đã không sống sót nổi.“ ( trang 195)

Phải chăng cung cách sống hiệp thông liên đới này là lối sống của ngưòi trí thức vị vọng cao sang? Không, không đâu. Có thể nói đó là nếp sống của một tâm hồn yêu mến sự bình dân đơn giản. Nhưng có chiều sâu nội tâm ăn rễ tận trong tâm hồn.

5. Nếp sống đạo đức bình dân

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 8.4.2011, dành cho Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu la tinh, Đức Thánh Cha Benedictô 16. đề cao lòng đạo đức bình dân trong việc rao giảng Tin Mừng.
Đức Thánh Cha tâm sự rằng lòng đạo đức bình dân là một môi trường gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô và là một hình thức biểu lộ đức tin của Giáo Hội. Vì thế, "không thể coi yếu tố này như một cái gì phụ thuộc trong đời sống Kitô. Vì nếu làm như thế có nghĩa là quên mất tầm quan trọng tối thượng hoạt động của Chúa Thánh Linh và sáng kiến nhưng không của tình yêu Chúa".

Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xavier Thuận đã sống sâu đậm cung cách đạo đức bình dân này qua lòng sùng kính Đức Mẹ Maria trong cuộc đời mình, nhất là trong lao tù:

Mẹ Maria Vô nhiễm không bỏ quên tôi. Mẹ đã sát cánh tôi dọc đường gập ghềnh đen tối của lao tù. Trong những năm tháng thử thách triền miên ấy, tôi đã cầu xin Mẹ cách đơn sơ mà đầy tin tưởng cậy trông: “Lạy Mẹ, nếu Mẹ biết con không thể làm ích gì để phục vụ Hội thánh nữa thì xin Mẹ cho con đặc ân được chết trong tù, để hy sinh trọn vẹn. Ngược lại nếu Mẹ biết con còn phục vụ Hội thánh được, xin Mẹ cho con một dấu chỉ: Ra khỏi tù trong một ngày lễ của Mẹ!”

Một hôm trời mưa, tôi đang thổi cơm trưa, tôi nghe điện thoại của chiến sĩ trực reo. “Biết đâu có tin gì cho tôi? Đúng rồi, bữa nay là lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, ngày 21. tháng 11. mà!”
Năm phút sau, anh chiến sĩ trực đến:
- Ông Thuận ơi, ông ăn chưa?
- Chưa ạ, tôi đang thổi cơm đây.
- Ăn xong, ăn mặc sạch sẽ, đi gặp lãnh đạo. #
- Lãnh đạo là vị nào vậy?
- Tôi không biết, tôi chỉ được báo thế. Chúc ông may mắn.
Tôi đã được đưa đến gặp ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Nội vụ (Bộ công an). Sau lời chào hỏi xã giao, ông Bộ trưởng đã hỏi:
- Ông có nguyện vọng gì không?
- Thưa có, tôi muốn được tự do.
- Bao giờ?
- Hôm nay.
Ông Bộ trưởng có vẻ ngạc nhiên, thường tình phải có thời gian cho cơ quan nhà nước xếp đặt... Nhưng hôm nay là lễ Đức Mẹ nên tôi tin chắc và xin như vậy. Để đánh tan bầu khí lúng túng và ngạc nhiên ấy, tôi nói:
- Thưa ông Bộ trưởng, tôi ở tù lâu lắm, suốt ba đời Giáo hoàng: Phaolô VI, Gioan Phaolô I, và Gioan Phaolô II. Về phía xã hội chủ nghĩa thì tôi đã ở tù bốn đời Tổng Bí thư Liên Xô: Brezhnev, Andropov, Chernenko, và Gorbachev.
Ông Bộ trưởng bật cười và nói: - Đúng! đúng!
Ông quay qua bảo người bí thư: - Hãy liệu đáp ứng nguyện vọng của ông.
Trong lòng tôi vui mừng tạ ơn Đức Mẹ Maria, vì không những được tự do mà còn được cả dấu chỉ. Chắc Mẹ tha tội tôi cả gan thách đố Mẹ.
Các bạn hỏi tôi về vai trò của Mẹ Maria trong đời tôi, đặc biệt là sự chọn lựa triệt để theo Chúa Giêsu?
Tôi cảm nghiệm rằng, trên Thánh giá, Chúa Giêsu đã bảo thánh Gioan: “Đây là Mẹ con!” (Ga 19, 29). Sau phép Thánh Thể thì Chúa Giêsu không thể để lại cho loài người sự gì cao quý hơn chính Mẹ của Ngài.
Đức Mẹ với tôi là một cuốn Phúc âm sống, loại bỏ túi, phổ biến rộng rãi nhất, dễ hiểu nhất, dễ thương nhất.
Đức Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, chính Ngài trối Mẹ lại cho tôi. Chính điều này cho tôi thấy sự hiệp nhất giữa Mẹ Maria, Chúa Giêsu và tôi. Mỗi khi dâng thánh lễ, đọc lời truyền phép, tôi cảm thấy tôi là con Đức Mẹ hơn cả, vì tôi hiệp nhất với Chúa Giêsu. ( trang 248-249)

Đức Tổng giám mục Phanxicô Xavier Thuận đã sống niềm hy vọng cậy trông vào Chúa qua cung cách sống lòng đạo đức bình dân sùng kính Đức Mẹ Maria trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Và nhờ thế ngài đã sống đứng vững tinh thần, vượt qua được những thử thách khó khăn.

************

Có người hỏi tôi vì sao Đức cố Hồng Y Phanxicô Thuận được Giáo Hội chú ý đến nhiều thế, và sắp được phong lên hàng Chân Phước?

Có nhiều cắt nghĩa trả lời cho câu hỏi này. Nhưng tôi thấy câu trả lời cho thắc mắc này có lẽ phải tìm nơi chính linh đạo sống của ngài:

“ Một ngày nọ có một người canh tù hỏi tôi-
- Ông có yêu mến chúng tôi không?
- Có chứ, tôi hằng yêu mến các anh.
- Nhưng mà chúng tôi đã bỏ tù ông bao nhiêu năm, mà không xét xử, không kết án, vậy mà ông lại yêu mến chúng tôi à? Đây là điều không thể được.! Có lẽ không thật đâu!
- Tôi đã ở với các ông nhiều năm, như ông thấy đó, có đúng không?
- Khi nào ông được tự do, ông sẽ không sai bổn đạo đến đốt nhà chúng tôi và giết người thân của chúng tôi đấy chứ?
- Không, ngay cả khi các anh có muốn giết tôi đi nữa, tôi vẫn yêu mến các anh.
- Mà tại sao?
- Bởi vì Chúa Giêsu đã dậy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù. Nếu tôi không làm như thế, tôi sẽ không xứng đáng là Kitô hữu nữa.
- Thật là đẹp, nhưng khó hiểu qúa.” ( Trang 98)

Đây linh đạo của một nếp sống đạo đức cao thượng theo gương Chúa Giêsu, phản chiếu lại nơi đời sống đức cố Hồng Y Phanxico Nguyễn văn Thuận: linh đạo tình yêu thương.

Đây là linh đạo có sức thu phục cảm hóa lòng người hơn tất cả, cùng mở ra con đường mang lại hòa bình.

Đây là linh đạo của một tâm hồn có nếp sống đạo đức bình dân, nhưng chiếu tỏa chan chứa niềm Hy Vọng cho chính mình và cho người khác.

Đây là linh đạo của một đấng Thánh.

Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, 12.06.2011
Đại Hội Công giáo Việt Nam nước Đức

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long