Mối dây tương quan ngày Chúa phục sinh

Trong bài tường thuật về tin mừng Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết theo phúc âm Thánh Gioan, ba nhân vật Maria Madalena, Phero và Gioan, là những người được biết tin mừng này đầu tiên. Họ đã tận mắt nhìn vào ngôi mộ trống không còn xác Chúa Giêsu nằm trong đó nữa.

Họ được chứng kiến cùng một biến cố, nhưng họ có phản ứng khác nhau. Đó là đời sống cá biệt của ba nhân chứng với tin mừng phục sinh. Những phản ảnh tâm tình của họ dẫu vậy cũng phản ảnh lòng tin vào Chúa phục sinh của con người trong dòng thời gian xưa nay.

1. Thánh Phero, người hoài nghi

Thánh Phero dù phản bội chối Chúa Giêsu trong đêm Chúa bị bắt. Nhưng Ông đã ăn năn hối lỗi, và cùng với các Môn đệ khác lưu lại Giêrusalem sau khi an táng Chúa Giêsu. Ông cũng lo âu buồn sầu như các Môn đệ khác về sự thất bại đưa đến cái chết của Thầy mình, và có lẽ ông đau khổ buồn sầu vì sự nhát gan đã chối Chúa của chính ông.

Nên khi hay tin do các phụ nữ báo là Chúa đã sống lại làm ông hoảng hốt. Ngôi Mộ trống! Nghe biết thế, nhưng ông muốn chắc chắn tận mắt nhìn. Ông đã đi đến mộ. Ông đã xem thấy không còn xác Chúa Giêsu nữa ngoài băng vải tẩm liệm nằm dưới đất. Và đầy ngạc nhiên ông trở lại về nhà.

Ông chỉ nhìn quan sát không tỏ lộ vẻ gì vui mừng. Có lẽ Ông tư lự muốn suy nghĩ tìm hiểu lý do hay sự thể có đúng không. Ông muốn sự chắc chắn. Sự hoài nghi đã làm trái tim không rộn lên niềm vui mừng được nơi Ông khi biết hay tin: Thầy mình đã chết nay sống lại!

Phản ứng cùng tâm trạng của Thánh Phero muốn sự chắc chắn có lẽ không xa lạ với nhiều người tín hữu Chúa Kitô. Nhất là càng ngày càng sống trong khung cảnh một thời đại có nhiều bấp bênh, nhiều dạng thức khác nhau, không sao phân biệt được cho rõ ràng dứt khoát. Nên sự chắc chắn càng chiếm chỗ ưu thế , là nguyên tắc tối thượng. Chứng minh cụ thể nhìn xem nghe, hay tay chân đụng chạm tới được mới chắc chắn.

Nhưng đức tin không là sự việc của lý luận tìm hiểu của chứng minh, mà là của trái tim lòng yêu mến.

Ông Thánh Phero đã mạnh dạn tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là con Thiên Chúa (Mt 16,16), nhưng lúc nghe tin báo Chúa đã sống lại không còn trong mồ chôn nữa, Ông không tin ngay. Ông muốn ra tận mộ nhìn xem rồi mới tin. Ông cần sự trợ giúp bên ngoài, ngôi mộ trống và cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu sống lại nữa.

Như thế thái độ của Thánh Phero tuy cầm chừng do dự không có gì là hào hứng, nhưng lại là an ủi cho con người chúng ta thường hay sống trong yếu niềm tin vào Chúa!

2. Thánh Gioan, người có tâm trạng bỡ ngỡ.

Thánh Gioan là môn đệ được Chúa Giêsu yêu dấu. Ông cũng không ra thăm mộ với các phụ nữ lúc tảng sáng. Ông ở lại trong nhà cùng với các môn đệ đang sống trong lo âu đau buồn. Nhưng khi nghe tin Chúa Giêsub đã sống lại, Ông vội vàng chạy đến mộ trước cả Ông Phero. Như thế với lòng yêu mến nhớ nhung Chúa Giêsu, lòng vui mừng phấn khởi đã bừng lên trong Ông khi hay tin Thầy Giêsu đã sống lại, nên Ông vội vạ chạy đến mộ trước. Đến trước, nhưng Ông không bước đi vào trong mộ, mà nhường cho Thánh Phero vào trước.

Có lẽ Ông Gioan nhớ lại vị thế tông đồ trưởng của Thánh Phero đã do chính Chúa Giêsu trao cho Phero là tảng đá Giáo Hội, nên ông Gioan đã lui lại để cho Ông Phero vào mộ trước.

Ông Gioan vào mộ sau, Ông thấy và tin ngay. Sự bỡ ngỡ của Ông Gioan, điều thiếu không thấy nơi Ông Phero, là sự khởi đầu của triết lý về đức tin, và cũng là điều quyết định. Điều này trong dân gian gọi là trực giác.

Người ta có thể so sánh thái độ của Ông Gioan tương tự giống với thái độ của trẻ con: Chạy đi trước, bỡ ngỡ, vui mừng, lui lại nhường bước cho người lớn đi trước.

Cung cách này có một ý nghĩa lớn lao trong nứơc Thiên Chúa. Xuyên thâu qua sự thể trước mắt và xa hơn nữa còn có điều gì ẩn dấu huyền bí mầu nhiệm, mà chỉ có thể cảm nhận ra ý nghĩa bằng cảm giác nhạy bén của trái tim tâm hồn.

Cung cách cái nhìn ngây thơ trực giác đầy bỡ ngỡ như của Thánh Gioan, của trẻ con là điều tốt cần thiết cho lòng tin vào mầu nhiệm Chúa phục sinh luôn còn ẩn chứa tận thâm sâu.

3. Maria Madalena, người mộ mến

Maria Madalena là người đầu tiên sáng sớm ra thăm mộ Chúa Giêsu, và là người đầu tiên được gặp Chúa đã sống lại. Lẽ dĩ nhiên, Maria Madalena cũng sống trải qua buồn sầu lo âu như các Môn đệ Chúa Giêsu. Có lẽ vì thế, khi gặp Chúa Giêsu sống lại, chị ta như bị mờ mù mắt không nhận ra Chúa Giêsu nữa, mà tưởng là người làm vườn.

Chị không ngồi trong đau khổ, phiền muộn. Chị đứng dậy đi tìm Chúa. Cung cách này biểu lộ lòng yêu mến thiết tha với Chúa Giêsu. Vì thế khi nhận ra Chúa Giêsu đã sống lại, chị muốn ôm chặt lấy Chúa Giêsu. Chị không muốn rời bỏ ra, vì chị tin tưởng rằng chị đã tìm thấy hạnh phúc mà chị hằng đi tìm kiếm.

Mầu nhiệm phục sinh đã bừng lên sâu đậm cùng riêng biệt cá nhân nơi Maria Madalena, người có lòng yêu mến thiết tha đi tìm Chúa Giêsu.

Cung cách sống này là bài học cho chúng ta về đời sống đức tin vào Chúa: luôn với lòng yêu mến đi tìm Chúa không ngừng trong mọi hoàn cảnh đời sống.

Maria Madalena không dấu sự đau buồn tang tóc của mình khi Chúa Giêsu chết. Chị ra mộ và để cho ánh sáng sự sống lại, niềm hy vọng chiếu tỏa bao phủ con người mình.

Trong đời sống, con người ai cũng đã trải qua những lần đau buồn tang tóc vì người thân quen qua đời, và cả sự đau buồn trong chính đời sống mình vì gặp thất bại, thất vọng, hay như “chết” khi cố bám dính chặt vào những thói quen nề nếp xấu…Những lúc đó cần có ánh sáng phục sinh, ánh sáng niềm hy vọng giúp tinh thần đời sống bừng tỉnh sống lại đổi mới đời sống.

Tin mừng Chúa Giêsu phục sinh là tin mừng niềm hy vọng cho con người trong đời sống hôm nay cùng cho ngày mai.

Mừng lễ Chúa phục sinh 2011

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long