Dấu vết ơn cứu độ

Trong đời sống cá nhân cũng như công cộng đều có những kỷ niệm. Những kỷ niệm nhắc nhớ đến biến cố, đến dấu vết đã xảy diễn ra ngày xưa. Qua đó giúp con người sống gìn giữ bảo vệ dấu vết kỷ niệm đó cho sống động cùng lâu dài.

Những kỷ niệm đạo giáo tinh thần giúp tâm hồn con người sống lần nhận ra dấu vết nguồn gốc tình yêu, nguồn an ủi. Và qua đó tìm được sức sống mới cho tâm hồn.

Ngày thứ Năm Tuần Thánh, Giáo Hội Công giáo mừng kỷ niệm dấu vết tình yêu ơn cứu độ Chúa Giêsu đã làm để lại cho con người trên trần gian.

Dấu vết Tấm Bánh ơn cứu độ

Ngày xưa Tiên tri Elija trên đường băng qua sa mạc tới núi thánh Horeb bị đói lả dọc đưòng mệt nhọc. Ông nằm trong bụi rậm chờ chết. Nhưng Thiên Thần Chúa hiện đến đánh thức ông dậy mang lương thực cho ông ăn để có sức đi tiếp tới núi Horeb nơi Thiên Chúa hẹn gặp ông.( 1 Các Vua 19,3-8).

Đây là hình ảnh nói về lương thực thần linh cho tâm hồn niềm tin trên đường đến gặp gỡ Thiên Chúa

Trước khi hy sinh chịu khổ nạn từ gĩa trần gian, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể, là dấu tích tình yêu qua tấm bánh trối trăn để lại cho trần gian.

Tấm Bánh Thánh Thể ngày Thứ Năm Tuần Thánh để lại dấu vết từ căn phòng bữa tiệc ly Chúa Giêsu đã thực hiện và đã ăn với các Môn Đệ của ngài, như trong Phúc âm thuật lại ( Mc14,15).

Đây là dấu vết tình yêu cuối cùng Chúa Giêsu để lại cho con Ngài trước khi chịu chết.

Người tín hữu Chúa Kitô không chỉ ngắm nhìn dấu vết đó, mà từ hơn hai ngàn năm nay đã hằng kéo dài nhắc đi nhắc lại dấu vết kỷ niệm đó trong đời sống đức tin qua mọi thế hệ con cháu lời trối trăn của Chúa Giêsu: „ Các con hãy nhận lấy tấm bánh này, là thân xác Thầy hy sinh cho các con; hãy nhận lấy chén rượu này, là máu Thầy đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội.“.

Cơm bánh là lương thực cho sức khoẻ con người trong đời sống. Đức tin cũng cần lương thực. Tấm bánh thánh thể tình yêu Chúa là lương thực cho đời sống đức tin.

Tấm bánh bí tích Thánh Thể, lương thực cho đời sống đức tin vào Thiên Chúa, có dấu vết từ căn phòng bữa ăn sau cùng của Chúa Giêsu với các Môn Đệ. Và theo dấu vết cùng lời trối trăn của Ngài, Giáo Hội tiếp tục làm như Chúa truyền lại, cho đời sống đức tin của các tín hữu ở trần gian trên đường về với Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn đời sống ơn cứu độ cho con người.

Dấu vết đôi chân

Trên đường đến nguồn ơn cứu độ, người tín hữu Chúa Giêsu Kitô không chỉ cần lương thực đầy đủ, nhưng còn cần đôi chân tốt khoẻ mạnh nữa.

Trong bữa tiệc ly sau cùng với các Môn Đệ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu không chỉ để lại Tấm bánh Thánh Thể làm lương thực cho đức tin, nhưng Ngài còn để lại một dấu vết tình yêu khác nữa: Rửa chân cho các Môn Đệ.

Đôi chân của con người tựa như hai chiếc cột chịu đựng nâng đỡ cho toàn thân thể được đứng thẳng vững vàng, được cân bằng. Nhờ có đôi chân con người mới di chuyển đi lại lên xuống vượt qua mọi quãng đường. Đôi chân do cử động di chuyển qua mọi ngả nẻo đường, nên có thể ví như những mắt cáo của một chiếc lưới nối những sợi dây thẳng ngang, chéo dọc lại với nhau.

Đôi chân chịu đựng gánh nặng không chỉ sức đè nặng của toàn thân thể trên nó, nhưng đôi chân còn phải chấp nhận sự đau đớn của sỏi đá đâm vào, của bụi bặm dơ bẩn của bụi đất cát bám dính vào trên suốt dọc đường đời. Hơn thế nữa, đôi chân là phần thân thể quan trọng mà phải chịu đựng lẩn khuất sống trong bóng tối nhiều nhất, hầu như chỉ trong bóng tối thôi. Vì do quần áo, bí tất dầy dép bao phủ kín.

Cha mẹ khi tắm rửa cho con nhỏ, họ thường kỳ rửa đôi chân của con mình kỹ hơn. Và sau đó lau chùi đôi chân em bé cho khô ráo cũng kỹ lưỡng nữa. Sự sạch sẽ đôi chân mang đến cho em bé cảm gíac khoan khoái dễ chịu.

Ai cũng đều đã có cảm nghiệm thư thái thảnh thơi, khi đôi chân mình được tắm rửa sạch sẽ, được lau khô ráo và có lúc nghỉ ngơi không phải đứng lâu hay bước chạy đi đường dài!

Chúa Giêsu đã cúi mình xuống rửa chân cho các Môn Đệ, không phải chỉ vì chân các Ông dơ bẩn nhiều bụi bặm cần phải rửa, cũng không phải chỉ vì các Ông cần thư thái thảnh thơi. Nhưng còn thế nữa.

Dấu vết cử chỉ này diễn tả một tình yêu sâu đậm của Chúa cho các Môn đệ. Tình nghĩa Thầy trò khác nào như cha mẹ với con cái mình.

Dấu vết cử chỉ này biểu lộ nếp sống lòng khiêm cung sâu thẳm của Chúa Giêsu với đồ đệ học trò của mình. Học trò kính trọng nghe lời Thầy là lẽ sống phải đạo làm người. Ngược lại Thầy cũng sống phục vụ học trò mình không những không có gì sai trái, mà còn nâng cao đời sống của Thầy cũng như học trò mình.

Dấu vết cử chỉ này thể hiện ý của Chúa Giêsu: Ngài chú trọng cùng muốn vực dậy đem ra ngoài ánh sáng đời sống của các Môn Đệ mình. Đôi chân của các Môn Đệ sẽ mệt nhọc lặn lội trên khắp mọi nẻo đường truyền giáo, đôi chân của họ âm thầm mang chuyền tải Tin Mừng của Chúa đến mọi nọi cho mọi người, hầu như chỉ ẩn trong bóng tối. Cho đôi chân họ được vực dậy, chính là công nhận việc làm cùng toàn thể con người của họ cả thể xác lẫn tinh thần.

Và vì thế trong giờ phút sau cùng trước khi chịu hy sinh chết cho ơn cứu độ của con người, Chúa Giêsu đã để lại dấu vết sự trân trọng gía trị cao qúy đôi chân của học trò mình.

Cung cách cúi mình xuống rửa chân của Chúa Giêsu mở hướng về niềm mong ước trông đợi một đời sống có bình an tự do, cùng hướng tới điều sâu thẳm ở tận trong tâm hồn.

Tấm bánh Thánh Thể Chúa Giêsu mang đậm dấu vết ơn cứu độ cùng là lương thực tình yêu cho đời sống đức tin ngưoòi tín hữu Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Đôi chân của con người là phần thân thể tạo nên sự cân đối do Chúa tạo dựng ban cho mỗi con người. Sự cân đối không chỉ ở phần thân thể bên ngoài, mà còn phải có sự hòa hợp với tâm hồn tinh thần bên trong nội tâm nữa. Vì thế, Chúa Giêsu qua cung cách rửa chân cho các Môn đệ đã muốn nâng cao gía trị sự quân bình cân đối giữa bên ngoài và bên trong qua đôi chân bước đi trên đường đời sống.

Tuần Thánh 2011

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long