Mẩu đối thoại về ngày nhớ ơn mẹ.

Từ ngày sang sinh sống bên xã hội tây phương dần dần mọi người, nhất các Bạn Trẻ học tiếp nhận biết thêm tập tục mới„ ngày nhớ ơn mẹ“. Tập tục tốt đẹp sống động này - không nói xét đến khía cạnh cho mục đích tuyên truyền chính trị, hay khía cạnh thương mại tiệu thụ lợi nhuận buôn bán bông hoa qùa tặng - giúp nhắc nhớ con người rất nhiều đến tình liên đới gia đình nhất là lòng biết ơn người mẹ đã sinh thành, giáo dục nuôi dưỡng con cái trong gia đình.

Một cung cách sống đạo đức tình người rất căn bản và cần thiết trong cuộc sống làm người!

1. Phải chăng chỉ nói lên lời cám ơn mẹ mình đã đủ rồi?

Vâng, nói lời cám ơn mẹ mình đã là tốt và phải đạo chính đáng lắm. Nhưng người con hiếu thảo đâu chỉ thỏa mãn với lời nói như thế gửi tới mẹ mình. Và người khác khi nhìn vào cũng còn mong đợi nơi cung cách sống của người con với người mẹ khác hơn nữa.

2. Khác hơn nữa là như thế nào?

Có nhiều cách trong đời sống biểu lộ lòng biết ơn đem lại niềm vui mừng hãnh diện cho mẹ mình. Qùa tặng cho mẹ, sống học hành thành công nên người tốt, làm việc chăm chỉ xây dựng bản thân, gia đình và xã hội, sống tâm tình đạo đức và tình người là những cách thế sống lòng biết ơn mẹ.

3. Có ví dụ nào cụ thể trong đời sống không?

Ví dụ về điều nay có nhiều từ xưa nay và vẫn hằng còn nhiều nữa. Nhà văn đại văn hào Leon Tolstoi bên Nga viết kể câu chuyện về lòng biết ơn mẹ của ba người con:

„ Ba người mẹ ra giếng múc nước đem về nhà nấu ăn tắm giặt. Không xa đó bao nhiêu một ông lão gìa ngồi bên vệ đường nghỉ dừng chân lắng nghe ba người mẹ nói chuyện với nhau về con mình:

Người mẹ thứ nhất nói: Con tôi rất khéo léo cả trí óc lẫn chân tay. Làm gì nó cũng đạt được thành công và được mọi người tán thưởng…

Người mẹ thứ hai chen vào: Con tôi có giọng hát hay như tiếng chim sơn ca. Ai nghe cũng thích say mê. Có người còn nói: đâu đã có ai có tiếng giọng hát thanh thoát hay như vậy!

Người mẹ thứ ba chỉ lắng nghe, không nói gì hết. Thấy vậy, hai bà mẹ kia quay sang hỏi: Còn con chị như thế nào? Chị ta cúi mình tiếp tục quay dây giếng múc nước lên, nói vọng vào: Con tôi không có gì để nói cả! Nó chỉ là một đứa bé như bao đứa bé khác. Ðiểm đặc biệt khác thường nó không có gì…

Ba người mẹ sau khi múc nước đầy bình, kéo nhau gánh đội nước về. Dọc đường ba chị dừng chân nghỉ mệt và cho khỏi đau lưng. Ba người con của ba chị từ đàng xa chạy tới quấn quít bên mẹ mình.

Người con của bà mẹ thứ nhất trổ tài làm xiếc cho vui. Cậu làm trò rất khéo tay tinh xảo, làm vui mắt người xem! Mẹ cậu vui mừng hãnh diện vì con con mình tài khéo!

Người con của bà mẹ thứ hai hát giọng thánh thót êm dịu. Giọng hát của cậu làm say mê người nghe. Người mẹ cảm động nước mắt vui mừng lăn trên đôi gò má, quên đi nỗi vất vả cùng sự mệt nhọc!

Người con của bà mẹ thứ ba, vì không có ngón tài nào để làm, cậu đứng xem hai bạn khác trổ tài. Cậu cũng vui mừng vỗ tay hoan hô cám ơn. Sau những giây phút giải trí đó, cậu lại bên mẹ mình, gánh đỡ đôi thùng nước nặng về nhà cho mẹ. Mẹ cậu thong thả bước đi theo bên con…

Hai người mẹ kia đến gần ông lão gìa hỏi: Ông thấy chưa, hai đứa con chúng tôi tài khéo chưa? Chúng nó như thế mới xứng chứ!

Ông lão gìa ngẩng mặt lên nói: Tài tình thì có đấy! Vui mắt cũng có. Nhưng theo tôi, cậu con của bà mẹ thứ ba tốt hơn cả! Cậu ta sống chăm chỉ giúp đỡ chia sẻ gánh nặng với mẹ mình. Ðời sống như thế có căn bản“.

4. Tại sao sống chia sẻ gánh đỡ gánh nặng cho mẹ lại là căn bản cần thiết trong đời sống?

Nhà phân tâm học Erich Fromm đã nói về ngày của mẹ bằng một ví dụ như sau: „ Ai sống ngày của mẹ theo như „ kiểu cách có“ ( avoir, haben, to have), là người sống gượng ép, thiếu kém niềm vui; họ chỉ sống ngày đó như là một người đã có sống trải qua thôi.

Trái lại, ai sống ngày của mẹ theo cung cách tâm tình là ( sein, to be, etre) một người con, người đó mang đến cho mẹ mình hằng ngày „ngày của mẹ“ trong suốt cả năm: niềm vui lòng biết ơn!

5. Tâm tình lòng người mẹ như thế nào?

Xưa nay người ta đã diễn tả lòng mẹ mình rất nhiều. Diễn tả nào cũng chan chứa lòng yêu mến của mẹ, cũng đầy tràn lòng nhân ái từ tâm của mẹ, cũng dạt dào hình ảnh niềm vui mừng pha lẫn nỗi lo âu của mẹ cho con cái.

„ Mẹ là từ ngữ lành thánh, mà suốt cuộc đời - từ lúc mừng rỡ nghẹn ngào khi mới biết viết buông tay đến những lúc mệt nhoài bên chiếc máy đánh chữ tân kỳ của một kỷ nguyên điện tử - con vẫn trang trọng viết lên bằng một chữ hoa. Mẹ không phải là một từ ngữ trống rỗng, vô hồn nhưng là cả một vũ trụ hằng hà sa số những tuyệt vời chắp nối từ những ngày có Mẹ và còn Mẹ.

Mẹ là mầu sắc tinh tuyền, đồng nhất. Mộc mạc như vải áo nâu, nhưng cuốn hút hơn ngàn vạn trăm lần những mầu sắc sặc sỡ trên đường phố thênh thang; người qua lại như những giọt nước dính chặt với nhau, xô đẩy nhau đi hoài hoài về một miền xa xuôi bất tận.

Mẹ là một âm thanh tuyệt vời, rung động mãi trên một độ cao, ngân dài theo một trường độ mà đơn vị là cả một cuộc đời. Êm ả như ca dao, nhưng cuốn hút hơn ngàn vạn trăm lần những âm thanh kích động đến điên cuồng, run rẩy như ma quái, xoáy tận đáy linh hồn trong các hộp đêm, để cố quên đi những dường-như-phi-lý của cuộc đời vô vọng.

Mẹ là mùi hương tuyệt vời thơm ngát. Phảng phất như cơm lúa đầu mùa, nhưng lôi cuốn hơn ngàn vạn trăm lần những hương bay nồng nặc của những mệnh phụ phu nhân, tưởng chừng nếu không có những mùi hương ướp ấy thì chỉ còn là cái xác ma..

Mẹ là khẩu vị ngọt ngào. Thánh khiết như hạt cốm Vòng, làm nên bởi muôn vàn giọt sữa tinh khiết của đất trời vừa kết tinh trong lòng chiếc vỏ mỏng manh mới chớm vàng trên đầu bông lúa nếp, chín dần theo mầu con nắng trong.

Giản dị nhưng hấp dẫn hơn ngàn vạn trăm lần những cao lương mỹ vị bầy bán trong các nhà hàng sang trọng, mà dường như được thêm nếm bởi những gia vị đắng cay của cuộc đời cả kẻ bán lẫn người ăn…

Những hình ảnh đó đưa con dần vào vũ trụ thương yêu vô vàn của Me.

Nhưng nếu con dừng lại bên lằn ranh của hình ảnh, con vẫn chưa hiểu được Mẹ. Mẹ không phải chỉ là một mầu sắc tinh tuyền, đồng nhất như mầu áo vải nâu. Mẹ không phải chỉ là âm thanh tuyệt vời êm ả trong ca dao. Mẹ không phải chỉ là mùi hương tuyệt vời, thơm ngất như cơm lúa mới đầu mùa. Mẹ không phải chỉ là khẩu vị ngọt ngào như hạt cốm nếp, chín dần theo mầu con nắng trong. Hơn thế nữa. Mẹ là tất cả những tuyệt vời trên trần thế mà con có thể thụ cảm bằng gíac quan tinh tuyền và lành mạnh. Thế giới Mẹ là bầu trời vô tận, chân đi hoài chưa lận tới biên cương. Ðại dương xanh dù rộng tới mây trời, chân biển Mẹ còn mù xa vạn dặm…“ (Cố Lm. Vũ xuân Huyên).

6. Còn trong đức tin đạo ta có nói đến đạo làm con với mẹ mình không?

Có, trong giới răn thứ bốn Chúa nhắn nhủ: Con phải thảo kính cha mẹ con!

7. Nhưng làm thế nào sống thảo kính cha mẹ?

Có nhiều cung cách. Chúa Giêsu ngày xưa sống bên cha mẹ mình ở xứ Nazareth, đã sống nghe lời mẹ dậy bảo và chia sẻ giúp đỡ mẹ mình.

Thánh Phaolô nhắn nhủ mọi người sống bác ái tình người với nhau„ mỗi người hãy mang đỡ gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Chúa Giêsu Kitô“ (Gl 6, 2).

Ngày nhớ ơn mẹ, 08.05.2005
Lm. Nguyễn ngọc Long


Từ ngày sang sinh sống bên xã hội tây phương dần dần mọi người, nhất các Bạn Trẻ học tiếp nhận biết thêm tập tục mới„ ngày nhớ ơn mẹ“. Tập tục tốt đẹp sống động này - không nói xét đến khía cạnh cho mục đích tuyên truyền chính trị, hay khía cạnh thương mại tiệu thụ lợi nhuận buôn bán bông hoa qùa tặng - giúp nhắc nhớ con người rất nhiều đến tình liên đới gia đình nhất là lòng biết ơn người mẹ đã sinh thành, giáo dục nuôi dưỡng con cái trong gia đình.

Một cung cách sống đạo đức tình người rất căn bản và cần thiết trong cuộc sống làm người!

1. Phải chăng chỉ nói lên lời cám ơn mẹ mình đã đủ rồi?

Vâng, nói lời cám ơn mẹ mình đã là tốt và phải đạo chính đáng lắm. Nhưng người con hiếu thảo đâu chỉ thỏa mãn với lời nói như thế gửi tới mẹ mình. Và người khác khi nhìn vào cũng còn mong đợi nơi cung cách sống của người con với người mẹ khác hơn nữa.