VIỆT NAM CÓ HAI GIÁO HỘI ?

Chẳng phải là Giáo Hội thầm lặng và công khai như ở Trung Quốc, chẳng phải là Chính Thống giáo và Anh giáo như ở Anh. Nếu tính lằn ranh là cánh cổng hoặc tường rào nhà thờ, thì tạm gọi Việt Nam ta có “giáo hội những người đi lễ bên trong nhà thờ” và “giáo hội những người đi lễ bên ngoài nhà thờ”.

Chúng ta thấy gì ?

Ở Sài Gòn, các nhà thờ thường xuyên có hiện tượng này có thể kể như: Đức Bà (chánh tòa), Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Kỳ Đồng Q.3), Mai Khôi (Huỳnh Tấn Phát Q.7)… Vào các buổi chiều tối chủ nhật trời đẹp, ít mưa, dạo quanh các nhà thờ này sẽ thấy đủ: kẻ đứng-người ngồi lố nhố, xe máy-xe đạp-xe hơi-ba gác-xích lô, già-trẻ-gái-trai, con nít-người lớn, sang trọng-bình dân,… Các thái độ và tư thế cũng muôn hình vạn trạng: khoanh tay đứng nghiêm trang, sốt sắng tham dự Thánh lễ, ngồi gác giò lên xe vẻ thờ ơ, nói chuyện, hút thuốc, nhai kẹo cao su nhóp nhép, lơ đãng ngắm đường phố, vài cặp tình nhân còn tranh thủ tình tự trên xe máy (tình yêu trong bối cảnh này có thánh thiện hơn chăng?)… Đến các phần nghi thức, chẳng hạn như làm dấu, một số người nhảy xuống xe làm, xong lại trèo lên xe tiếp tục câu chuyện đang nói dở.

Thử đứng vào các vị trí của họ xung quanh các nhà thờ này, tầm nhìn hoặc bị khuất bởi tường, bởi cây, bởi những người ở trong nhà thờ, hoặc bởi những người cũng tham dự lễ ngoài đường nhưng đứng trước họ. Có vị trí nhìn thấy được một góc trong Cung Thánh, hay một góc nào đó bên trong nhà thờ, có vị trí chẳng nhìn thấy gì. Có vị trí nghe được diễn tiến Thánh lễ do nhà thờ có hệ thống loa phát ra ngoài, nhưng có vị trí chẳng nghe gì sất. Và đương nhiên thứ âm thanh thường xuyên ngự trị nơi đây là những âm thanh bát nháo của đường phố.
Thánh lễ của những người đứng bên ngoài đường thường kết thúc khi trong nhà thờ đang cho rước lễ. Cũng có một số người đi vào nhà thờ rước lễ, sau đó về thẳng. Nhưng đa số vừa thấy mọi người lên rước lễ liền làm dấu Thánh giá vội vàng rồi rồ ga xe chạy đi.

Hiện trạng trên đáng lưu ý là không chỉ diễn ra trong các thành phố sầm uất như Hồ Chí Minh. Chị Dung, giáo xứ Tân Hòa kể có lần chị lên Buôn Mê Thuột, thấy Cha xứ trước giờ lễ đi “lùa” giáo dân vào nhà thờ, vì “trong nhà thờ thì đầy chỗ, nhưng họ cứ đứng bên ngoài.” Teresa Hiền ở Phú Nhuận đồng tình cho biết nhà thờ Phú Hải - nằm trên tầng 1 của ngôi nhà giáo xứ - cũng có hiện tượng như trên “Điều tôi thấy lạ là dù Cha xứ nói nhiều lần, làm nhiều cách, thậm chí là lùa vào như chị Dung kể, họ vẫn không vào.” Các nhà thờ ven quốc lộ ở Xuân Lộc cũng xảy ra những cảnh tương tự.

Họ nghĩ gì và nói gì ?

Khi tiếp cận những người đi lễ bên ngoài nhà thờ, mới biết hóa ra không phải tất cả đều là người Công giáo. Những người không Công giáo này cho biết họ đi nhà thờ vì tò mò, một số đi theo bạn – là người Công giáo – để tìm hiểu về đạo, nhưng bước đầu họ còn ngại nên chưa dám vào nhà thờ. Một số khác lại nói “Nhiều khi buồn tôi ghé vào nhà thờ để cầu nguyện, giống như đi chùa vậy”.

Tìm hiểu nơi những người Công giáo hẳn hoi, chúng tôi được họ bộc bạch rất nhiều nguyên nhân. Họ đứng ở ngoài vì “những chỗ giữ xe gần đây (là nhà sách Hòa Bình, trường tiểu học Hòa Bình, Bưu điện TP nằm gần quanh Nhà Thờ Chánh Tòa) luôn luôn chật cứng xe lại không được xếp trật tự, gửi và lấy xe rất mất thời gian, trong khi ở ngoài thoải mái hơn, lễ xong rồ xe đi luôn”, vì “ở trong nhà thờ đông người, ngộp lắm!” Những người đàn ông trung niên cho biết họ đang lao động và tranh thủ ghé đi lễ, nên phải đứng ở ngoài vì không có chỗ nào nhận giữ xe xích lô và ba gác. Một số phân tích rằng nhà thờ nhỏ và không có sân, cả ngày tranh thủ làm những việc khác nên ai cũng đi lễ cuối ngày chủ nhật, đâm ra thường quá tải vào thời điểm chiều tối.
Không thấy và không nghe gì làm sao biết các nghi thức lễ? “Thì làm theo thói quen thôi” nhiều người trong số họ cho biết.

Khi giả bộ tò mò “vì sao mọi người đứng bên ngoài nhà thờ đông thế?” và tỏ ý mình cũng muốn vào, chúng tôi nhận được nhiều câu trả lời ngắn gọn “Đang có Thánh Lễ”. Đặc biệt một anh trạc ngoài 30 tuổi với vẻ mặt vô cùng nghiêm trọng quát chúng tôi “Không có đạo biết gì mà vô? Vô trỏng có gì mà vô?”
Các khu vực này thường thu hút sự chú ý của những người đi đường ngang qua. Thử hỏi cảm tưởng của họ trước hiện tượng trên, một người nói vẻ ngưỡng mộ “Họ thật sùng đạo, chắc là nhà thờ hết chỗ. Người Công giáo đông thật, đứng tràn ra cả bên ngoài.” Nhưng một người khác lại bất bình “Đã đi lễ là phải vào bên trong, giống như đi chùa phải chen lấn để thắp được cây nhang những khi lễ lớn. Đi mà đứng ở ngoài xe chạy ồn làm sao nghe được? Nhìn thấy mất trật tự. Đi là phải đi cho đàng hoàng, không đi lấy có. Không biết họ đi lễ cái kiểu gì?!?”

Chúng tôi tìm đến với các linh mục, tu sĩ để nghe họ nói gì về những con chiên không muốn vào nhà thờ này. “Tôi thấy nó làm sao ấy! Cũng chẳng dám trách cứ gì họ, dù sao họ cũng đã có lòng thành đến dự lễ, còn hơn là không. Nhưng tham dự Thánh lễ như thế là chưa đầy đủ.” Lm Mathêu Vũ Khởi Phụng – giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – cho biết. Không lạc quan như Cha Phụng, một nữ tu Dòng MTG Gò Vấp nói “Thấy thật đáng buồn cho Chúa. Một tuần Chúa cho 7 ngày, một ngày 24 tiếng, chỉ dành mỗi một giờ đồng hồ cho Chúa thôi nhưng cũng không trọn vẹn. Vậy mà có nhiều người vẫn luôn trách cứ Chúa sao chẳng nhớ đến mình “con xin Chúa cái này cái kia mà Chúa chẳng cho con?” Đi lễ mà ngồi ngoài như vậy rất chia trí. Còn những lý do họ đưa ra? Gửi xe bất tiện? Ngồi không thoải mái, nóng bức?… lại càng thêm đáng buồn. Một giờ dành cho Chúa lại không quan trọng bằng chuyện thân xác họ phải sung sướng trước đã…” Bạn trẻ Maria Thu cũng đồng tình với vị nữ tu khi nhận thấy “mỗi khi lễ lớn chẳng hạn như 2/9 hay 30/4, người ta cấm xe đi vào khu vực này (gần Nhà thờ Chánh tòa), gởi xe xa cả cây số mà người ta cũng vui vẻ đi bộ đấy thôi!”

Thế còn các giáo dân thuộc giáo hội những người đi lễ bên trong nhà thờ nghĩ sao về giáo hội bên kia? Theo chị Dung thì “Tôi nghĩ là không thể tán đồng. Có thể thông cảm cho một số trường hợp bất khả kháng, nhưng theo tôi đa số họ là không muốn vào nhà thờ, mặc dù họ hoàn toàn có thể vào. Đi lễ như vậy cốt để lương tâm an tâm là chính thôi!”

Maria Thu Hà, giáo xứ Tân Việt, từ chối bình luận về hiện tượng này nhưng chị nói “Chưa bao giờ ngồi bên ngoài đi lễ, nhưng tôi nghĩ nó sẽ rất loãng, và không có không khí. Chắc là tôi sẽ không thể có một cảm nhận nào hết.”

(còn tiếp Kỳ 3: Điển hình khắc phục của một giáo xứ)
NHÀ CHUM – TÚ ANH

(Trích ABBA số 241&244)