TRUYỆN VƯỜN NHO

Có một ông vua nhân từ nọ rất thích nho. Ngài dành phần lớn vương quốc xinh đẹp của mình để trồng nho. Đức Vua đặt một người thợ làm vườn ưu tú nhất lên cai quản tất cả các vườn nho yêu quý của mình. Nho được xem là loài cây cao quý nhất trong các loài cây ở vương quốc.

Một ngày kia, Đức Vua cho gọi Người Thợ Cả trở về cung để được hầu cận Ngài sau khi đã tận tâm cống hiến cho vườn nho quốc gia. Người làm vườn cũ ra đi để lại lòng nhớ thương vô hạn nơi các vườn nho và các cây nho. Các loài cây khác cũng tỏ lòng kính trọng sâu sắc tới một thợ làm vườn vĩ đại. Mọi danh hiệu, mỹ từ đã được gán cho người tôi trung của Đức Vua. Rồi cũng qua những ngày khóc thương cho người làm vườn tận tụy và quảng đại. Các vườn nho lại mong ngóng Đức Vua sẽ ban cho họ một người chăn dắt mới. Đáp lại lòng mong mỏi và nguyện xin của các thần dân nho, không bao lâu, thợ làm vườn mới đã cầm chiếu chỉ đến tiếp quản vườn nho. Chẳng ai xa lạ chính là một trong các học trò trung thành của Hoàng Tử và là thân cận của người làm vườn nho trước đây.

Sự xuất hiện nhanh chóng của Người Thợ Cả mới gây ra những phản ứng xôn xao đủ kiểu từ các vườn cây. Một số cây tạ ơn Đức Vua vì đã ban cho chúng một người cai quản mới, và vườn nho không còn phải mồ côi không người chăm sóc. Các cây nho ca ngợi và chúc phúc cho người thợ mới vì chúng tin rằng đây đúng là sự chọn lựa của Đức Vua. Các cây nho nhỏ tuổi thì hơi thất vọng vì chúng mong một người chủ trẻ hơn, có quan điểm phóng khoáng hơn. Các cây khác thẳng thắn cho rằng triều đình đã sai lầm khi để vuột mất một cơ hội vàng để chọn lấy một Thợ Cả tiến bộ hơn có thể dẫn dắt vườn nho trong hoàn cảnh đất đai dành cho vườn nho ngày càng thu hẹp và cách thức chăm sóc vườn nho ngày càng khác biệt với các vườn khác trong vương quốc. Chúng cho rằng thợ làm vườn mới không đủ sức đối diện với các vấn đề hiện tại của vườn nho và không đủ sức dỡ bỏ những cọc rào ngăn cách vườn nho với những vùng đất xung quanh. Một số cây lo ngại vườn nho phía Tây sẽ tiếp tục bị xa cách và như thế ngày càng sẽ có nhiều cây nho nơi đây héo rũ mà chết.

Các vườn nho phía Đông buồn bã vì Thợ Cả không phải là người từ vườn của chúng. Một số cây mạnh mẽ phản đối vì chúng đã hy vọng rất nhiều vào một Thợ Cả từ vùng Đất Đen, một mảnh đất đầy tiềm năng thu hoạch nho. Các cây cam đồng ý: “Rồi vườn nho của các anh sẽ ngày càng đi xuống cho mà xem. Chúng tôi thật sự rất thất vọng, nhưng cũng chẳng có gì ngạc nhiên cả.” Nhưng các cây táo nói “Chúng tôi không phải là nho, nhưng nếu đúng là chỉ có một sự thật, và Đức Vua đúng là đấng sáng suốt trị vì triều đình, thì Người Thợ Cả này là một chọn lựa rất đúng.” Các cây nho giữa vườn lạc quan “Dù Thợ Cả có là ai, chúng tôi cũng sẽ quy tụ cùng người tại Hội Chợ Nho vào mùa Thu tới.” Một số ủng hộ Thợ Cả mới vì người có cách thức chăm sóc vườn nho giống với người tiền nhiệm. Chúng không ngừng thể hiện hy vọng người thợ mới sẽ bước theo dấu chân của người cha trông coi vườn nho mà chúng hằng yêu mến. Những cây nho vâng phục Thánh chỉ và những cây nho có quan điểm chống đối lại quay ra thất vọng và chỉ trích lẫn nhau. Một trong số này phản đối bên kia: Có phải chúng ta không có chút nào niềm tin rằng chính Sự Khôn Ngoan đã hướng dẫn triều đình trong quyết định này hay sao? Thần dân phải trung thành với triều đình, chứ không phải ngược lại. Hoặc nặng hơn: Anh nho này, nếu anh không đồng ý, anh hoàn toàn có quyền chuyển sang vườn khác!

Người làm vườn mới đứng lặng trong vườn. Lời giới thiệu chân thành khi đến nhận vườn nho “Tôi chỉ là một người thợ làm vườn nhỏ bé và thấp hèn của Đức Vua” dường như bị chìm lẫn vào giữa bao nhiêu lời ủng hộ, ca ngợi, bình phẩm, hay chỉ trích, tranh cãi… Người làm sao để vừa thực hiện đúng Thánh chỉ là phải chăm sóc thật tốt vườn nho? Phải làm sao để yêu mến các thần dân nho yêu quý của Đức Vua? Làm sao có thể đáp lại lòng mong mỏi và nhu cầu đa dạng của các vườn nho trong khắp vương quốc? Phải làm sao để tránh cái bóng quá lớn của người đi trước? Người cũng đâu biết vì sao mình lại được chọn, vì tôi tớ không biết việc chủ làm (Ga 15,15). Áp lực đè nặng tâm can, người làm vườn quỳ gối, và nhớ lại lời dặn dò của Hoàng Tử:
Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian! (Ga 16,33) Anh em là những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian. (Ga 17,6) Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. (Ga 14,27)

Những giáo huấn của Vị Thầy – Hoàng Tử – mà người luôn trung thành sẽ thêm sức cho người? Lời khích lệ của Hoàng Tử lại vang lên bên tai “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Người làm vườn vụt đứng dậy, lòng tràn ngập hân hoan và tin tưởng, trìu mến đưa mắt nhìn tất cả các cây nho, người rộng cánh tay như muốn ôm trọn vườn nho vào lòng.

Các cây nho ngưng lao xao, và sau một thoáng im lặng, một cây nho lên tiếng: Chẳng phải người chính là kết quả của những lời cầu xin của chúng ta đó sao? Vậy thì chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho người. Vì chung quy, tất cả chúng ta đều là một trong vương quốc của Đức Vua.

TERESAH

(Trích ABBA số 226)