Trở lại với Tiếng chuông, Đường làng

Có ai đã từng tha phương lại không vui khi được trở về với quê hương, với xứ sở ? Tôi cũng không nằm ngoài quy luật rất tự nhiên, và rất ‘người’ ấy.

Trở về với mái ấm gia đình, với làng quê sau bao năm tháng xa cách, tôi cảm thấy lòng mình rất vui, ấm áp và cũng có một cái gì đó rất bâng quơ khó tả. Bao kỷ niệm của tuổi thơ, của thời niên thiếu cứ nuối tiếp nhau trào về trong tôi khi tôi bước lại trên con đường làng, lúc tôi thả bộ một mình trên cánh đồng lúa lúc hoàng hôn hay khi chiều về được nghe lại tiếng chuông giáo đường.

Cũng như bao người con khác của quê tôi, con đường làng, những cánh đồng lúa, và tiếng chuông ngân nga của giáo đường đã trở nên quen thuộc, đã trở nên gần gũi và ghi sâu vào trong tâm trí tôi. Khác hẳn với những con đường thênh thang, bóng láng, đầy ánh điện tôi đã từng đặt chân lên ở đây đó, đường làng tôi chỉ là một con đường sỏi, rất nhỏ, có chỗ lại còn ghồ ghề. Nhưng nó đã ghi dấu ấn của bao thế hệ, ghi đậm dấu chân của bao người con quê tôi.

Trong những ngày gió mưa, nó ầm thầm chúng kiến những vất vả, khó nhọc của người dân quê tôi; vào những ngày nắng ấm, nó lại cùng reo vui với dân làng. Nó ngậm ngùi tiễn chân chúng tôi ra đi; hân hoan đón chào chúng tôi trở về.

Trở về với đường làng, tôi cảm thấy lòng mình lâng lâng khó tả. Mới năm nào, tôi đã từng cùng với bạn bè tung tăng trên con đường này tới trường. Đường làng đã dìu tôi đi trên những bước chân đầu chập chững vào đời; nó đã nối bước cho tôi và dẫn đưa tôi đến với những đường miền đất lạ, những chân trời mới. Với người dân quê tôi, ruộng đồng là gia sản vô giá.

Những cánh đồng lúa, những luống rau, ruộng khoai như là một phần xương thịt của họ. Cũng như người dân quê tôi quanh năm khó nhọc, lam lũ, chúng luôn phải vất vả đương đầu với những khắc nghịêt của thiên nhiên. Chúng reo vui với dân làng trong ngày mùa nặng hạt ; chúng âm thầm chia sẻ những mất mát, thiệt thòi của họ sau những ngày giông bão, lũ lụt.

Chính nơi đây, trên những bờ đê, dưới những con kênh, tôi đã từng có những ngày chăn trâu, bắt cá. Phải chăng những vất vả của ruộng đồng, những khắc nghiệt của thiên nhiên đã tạo lên trong những con quê tôi bao ý chí, nghị lực, quyết tâm? Giữa những vất vả, khó nhọc của ruộng đồng, giũa bao lo toan của cuộc sống, tiếng chuông giáo đường đã trở thành niềm an ủi, trở thành món ăn tình thần không thể thiếu được của người dân quê tôi.

Những tiếng chuông ngân nga sáng tối như phần nào làm vơi đi những nặng nề, khó nhọc của người dân xóm đạo; Hình như, cùng với những tiếng chuông du dương, thánh thót, trầm bổng này, người dân quê tôi đã biết gửi gắm những vất vả của mình lên Đấng Tạo Hoá. Tiếng chuông xóm đạo dường như đã trở thành cầu nối giao hoà giữa trời với đất.

Tiếng chuông giáo xứ còn là chiếc đồng hồ biết nói. Mỗi một lần tiếng chuông reo lên, những người dân đang lam lũ, đang miệt mài trên ruộng đồng biết rằng trưa đã đến, tối đã về và báo hiệu giờ sum họp gia đình đã tới. Tiếng chuông vừa là lời mời gọi vừa là lời nhắc nhở, thúc giục chúng tôi nhanh chân đến với giáo đường, đến với những giờ cầu kinh, thánh lễ.

Rồi, ngay giữa trưa hè nóng bức hay những đêm khuya lạnh giá, nếu chuông giáo đuờng đột ngột rung lên từng tiếng một lâm ly, người dân xứ đạo biết rằng một người con của giáo xứ đã vĩnh biệt ra đi. Những tiếng chuông u buồn này cũng là lời mời gọi những người còn sống nhớ cầu nguyện cho người vùa ra đi và nhắc nhở chúng tôi về một thế giới vô hình bên kia.

Cũng như bao người con khác của giáo xứ, những tiếng chuông ngân vang của giáo đuờng đã in đậm trong tôi, đã để lai trong tôi một cái gì đó rất gần gũi, rất linh thiêng. Cùng với những lời kinh sáng tối của xứ đạo hay, cùng với lời ru của Mẹ, tiếng chuông đã gợi nên trong tôi bao ước mơ, bao hoài bảo, đã gieo trong tôi một niềm tin, một lý tưởng, một tiếng gọi và giúp tôi mạnh dạn ra đi.

Trở về với làng quê, trở về với xứ sở, tôi cảm thấy mình như được trở về nguồn. Những ngày hè ngắn ngủi nhưng đậm tình người nơi quê hương đã giúp tôi sống lại những kỷ niệm của tuổi thơ, được về lại trong mái ấm gia đình, được nghe lại tiếng chuông, được đi trên con đường làng, được nghe tiếng lúa rì rào.

Tất cả những gì rất thân thương, gần gũi của làng quê, của xứ đạo này lai mang đến cho tôi nhiều niềm vui, sức sống mới. Chúng giúp tôi hâm nóng ước mơ, lý tưởng của mình, giúp tôi lại mạnh dạn tiến bước, mạnh dạn ra đi.

Cám ơn làng quê, cám ơn xứ đạo. Mắt rưng rưng, lòng ngậm ngùi, tôi chào tạm biệt đường làng, chào tạm biệt tiếng chuôn và lại thầm hẹn một ngày vui trở về.

Lộc Xuân