Trái dừa và đời sống

Sống có cần dừa không?

Có thì ăn, nhưng không nhất thiết phải có. Ở những xứ đất nước, như những vùng xứ lạnh, không có dừa, họ đâu có mà ăn. Nhưng họ vẫn sống khoẻ mạnh thông minh, đạo đức từ thuở tạo thiên lập địa.

Cùi hay cơm dừa ăn ngon ngậy béo. Khi trái dừa còn xanh non, nước dừa bên ngọt thơm ngon lắm và có nhiều chất bổ! Vỏ trái dừa rắn cứng lắm, mà người ta quen gọi là “gáo dừa”, có thể dùng làm ca bình múc nước hay làm củi để đun bếp.

Trong đời sống Thiên Chúa trao tặng con người hàng tá, hàng đống trái dừa:

- Hãy kính trọng thiên nhiên công trình do Chúa tạo dựng!
- Hãy yêu thương kẻ thù!
- Hãy chấp nhận mình, như Chúa đã dựng nên!
- Hãy từ bỏ mình, vác thập gía mà theo Chúa!
- Hãy yêu mến Thiên Chúa là Ðấng vô hình không nhìn thấy được!
- Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa. Vì Ngài quan phòng dự liệu mọi sự cho đời sống con người, kể cả khi gặp đau khổ thử thách!
- Hãy tin tưởng và yêu mến Giáo hội của Chúa ở trần gian. Dù Giáo hội có những lỗi lầm tội lỗi. Ðừng vội vàng dùng lời lẽ đập bể cái “vỏ bên ngoài trái dừa” Giáo hội. Nhưng hãy nhìn vào nhân bên trong: Chúa Giêsu Kitô!
- Hãy tập luyện có đời sống trí tịnh, tâm an. Dù cuộc sống có nhiều bận rộn, lo âu, cám dỗ làm ta xao lãng chia trí xao xuyến!

Và còn nhiều trái dừa khô cứng khác nữa…

Nhưng có một trái dừa Thiên Chúa gửi cho nhân loại xưa nay, mà con người ai chúng ta cũng phải chấp nhận: sự chết!

Trái dừa nào cũng cứng, nhưng bên trong lại chứa đựng hoa qủa rất thơm ngon, cùng là mầm sự sống. Cơm cùi dừa bên trong trái dừa là thức ăn ngon miệng béo ngậy. Khi trái dừa khô cứng được chôn vùi xuống đất, nó sẽ mục nát và mọc lên phát triển thành cây dừa mới xanh tốt vươn cao lên trời xanh. Nó cho cành lá và những qua hoa trái dừa khác tiếp tục.

Ở trên nhiều ngôi mộ có khắc tạc cành lá dừa. Hình tượng này muốn nói lên lòng tin tưởng vào sự sống vĩnh cửu ban cho người đã qua đời nằm trong nấm mồ này, sau quãng đời sống chiến đấu chống sự dữ tội lỗi trên trần gian.

Bên Ấn Ðộ người ta “xách cây dừa non vào dâng Ðức Mẹ rồi xách về. Ðó là những người hiếm muộn con cái. Dừa tượng trưng cho sai trái, họ mang những trái dừa mới mọc lá cao chừng một thước đặt trước tượng Ðức Mẹ rồi vái lạy cầu xin” ( Nguyễn tầm Thường, Những trang nhật ký của một linh mục. Chương: Một nơi rất khác, tr. 115)

Thánh Gioan trong sách Khaỉ Huyền diễn tả cảnh trên Thiên đàng: “ Tôi thấy. Kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá dừa (thiên tuế).” (KH 7,9).

Hình ảnh đó muốn nói lên lòng tuyên tín: Chúa Giêsu Kitô đã đập tan vỏ sự chết, để sự sống được bung vươn lên.

Ngày lễ Lá mọi người tín hữu cầm nhành lá dừa, lá O-liu, lá cây sự sống, đón chào Chúa Giêsu tiến vào, cũng muốn nói lên lòng tin tưởng vào sự sống ơn cứu chuộc do Ngài mang đến cho con người.

Người nào nuôi mang niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu trong tâm hồn, họ sẽ cẩn thận trong cung cách sống khi bổ chẻ mở những “trái dừa” Chúa gửi đến cho cuộc sống.

Phải chăng câu suy nghĩ về đời sống của một ông lão gìa: Chúa để thế để chúng ta mới còn việc. Chúng ta phải nối tiếp những gì Phanxicô đang làm dở dang”(Nguyễn tầm Thường, Những trang nhật ký của một linh mục,chương Gĩa từ Goa tr.72), là một lối sống biết chấp nhận “trái dừa thực tại đời sống” và là dấu chứng của một tâm hồn tràn đầy lòng tin tưởng: mình lo Chúa liệu! ?

Lễ Lá 2005
Lm. Nguyễn ngọc Long