TÂM TÌNH GỬI CÁC BẠN TRẺ
NHÂN ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ THẾ GIỚI LẦN THỨ XX

I. NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ - MỘT KHÁT VỌNG

Một ngày giữa tháng 8, một nhóm bạn trẻ khoảng vài trăm người gồm học sinh, sinh viên, công nhân, có cả các bạn trẻ lỡ lầm nay đã hoàn lương và rất đông những anh chị em đã luống tuổi, nhưng vẫn còn giữ được một tâm hồn trẻ trung, đến từ nhiều nơi đang học hành, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều vùng lân cận gặp gỡ nhau trong tinh thần hướng về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Chủ đề của ngày gặp gỡ lấy lại chính chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới: “CHÚNG TÔI ĐẾN THỜ LẠY CHÚA.” (Mt 2, 2).

Một ngày gặp gỡ, dẫu chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng lại trở thành những giây phút quí báu để mỗi tham dự viên có một khoảng vắng cho riêng mình: Sống cùng nhau, và hiệp thông với Giáo Hội trong biến cố lớn lao, làm xao động cả thế giới: NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ.

Một ngày gặp gỡ như thế, chỉ là một đốm sáng nhỏ nhoi so với tất cả những gì thuộc về Giáo Hội, nhưng trong lòng mỗi bạn trẻ là cả một ánh đuốc sáng của Đức tin. Chính Đức tin lôi kéo các bạn về gặp nhau. Sự gặp gỡ đó, nói lên nỗi khao khát muốn đồng hành cùng Giáo Hội trong biến cố trọng đại này. Chính Đức tin đã làm cho các bạn sống ơn hiệp thông khi cùng nhau hành hương về Co-lon, không phải vượt hàng dặm trường, nhưng bằng một nỗi thao thức hướng về những hoạt động gây cảm hứng và thăng tiến Đức tin. Cụ thể là nỗi thao thức hướng về Co-lon để cùng vô số tham dự viên chính thức của mọi nẻo đường thế giới tôn vinh Chúa Kitô, người Anh Cả của từng bạn trẻ, là Bổn mạng trên mọi bổn mạng của tất cả những ai mang tâm hồn trẻ trung.

Người ta có thể thỏa mãn khi được chạm đến ước mơ. Không bao giờ có bất cứ một thỏa mãn nào nếu ước mơ vẫn chỉ là nỗi khao khát trong lòng người. Một khát vọng hướng về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới như thế, đủ thấy nỗi lòng của các bạn trẻ trong ngày gặp mặt này nói riêng, và của vô vàn người trẻ đang âm thầm sống Đức tin nói chung. Nỗi khát vọng cháy bỏng lòng người như thế chính là điểm hội tụ của một lòng tin vững vàng, một lòng mến sắt son.

Càng khát vọng bao nhiêu, lại càng minh chứng và càng làm cho Đức tin, cho lòng mến mạnh mẽ bấy nhiêu. Nhìn vào những tâm hồn đầy khát khao, những trái tim tràn trề thổn thức và sâu lắng bởi một Đức tin nơi Chúa Kitô và một niềm tin tưởng nơi Giáo Hội, những người trẻ đang sống ơn hiệp thông cao cả và quí giá, chúng ta không nói ngoa chút nào khi khẳng định, những tâm hồn trẻ trung nhiệt huyết ấy tham dự biến cố Quốc Tế Giới Trẻ cũng trọn nghĩa chẳng kém gì những lữ khách đang đến Co-lon, thuộc Đức quốc. Tất cả khơi nguồn từ ánh đuốc sáng của Đức tin trong lòng các bạn.”

II. CÒN ĐÓ NHỮNG DẤU CHỈ LẠC QUAN.

Cùng tham dự với các bạn trẻ nói trên, rồi nhận ra những khắc khoải, mà bên trong sự khắc khoải ấy cho thấy cả một đức tin chân thành, một lòng yêu mến Giáo Hội thắm thiết, tôi chợt nhận ra, hình như bất kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới nào, được tổ chức ở bất cứ châu lục nào, do tiếng vang của nó, đều quy tụ không chỉ mọi thành phần trẻ trung trên khắp thế giới, mà còn lôi kéo sự chú ý của cả nhân loại này.
Các Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đều nhận được sự chú ý lớn trên toàn thế giới, bởi trước hết, nó là một cuộc hội ngộ của Đức tin, là khuôn mặt của tình yêu hiệp nhất mà Chúa Kitô hằng mong ước, được giới thiệu cho cả thế giới. Nhưng quan trọng hơn, nó thắp lên niềm hy vọng cho loài người về hình ảnh một thế giới có thể sống chung hòa bình, có thể nắm tay nhau cao rao tình yêu khi người ta biết đặt Chúa Kitô làm trọng tâm cho đời mình và trọng tâm của mọi cuộc gặp gỡ.

Bởi thế, cuộc gặp gỡ lần thứ XX này càng mang ý nghĩa của niềm hy vọng. Bởi nó được tổ chức giữa một thế giới còn quá nhiều ngỗn ngang, quá nhiều phức tạp. Nỗi lo sợ do lòng thù hận, và giết chóc hết sức kinh hoàng đang hằn sâu trong tâm mọi người. Sự phân biệt mức sống, khoảng cách giàu nghèo giữa bắc bán cầu và nam bán cầu, giữa những quốc gia tiên tiến và những quốc gia thuộc thế giới thứ ba vẫn là một hố sâu thăm thẳm làm nhức nhối cả nhân loại có lương tâm. Sự phân biệt màu da, chủng tộc vẫn chưa ghi dấu chấm hết.
Giữa mọi nguy cơ nổi lên một nguy cơ đáng sợ hãi đó là vũ khí nguyên tử như một cái lò giết người kinh khủng mà người ta chạy đua sản xuất hoặc tìm kiếm nó như là cứu cánh cho an ninh quốc gia mình.

Quan trọng hơn nữa, đó là đạo đức xã hội đang trên đà lao xuống dốc. Một đại bộ phận giới trẻ nhân danh tự do để sống thác loạn, điên cuồng. Các phương tiện truyền thông bị những kẻ xấu lợi dụng để gieo rắc không biết bao nhiêu là mầm giống tội lỗi. Bên cạnh đó, một bộ phận khá đông nhân loại coi vấn đề ngừa thai, phá thai là quyền tự do của phụ nữ, là tôn trọng nhân phẩm của họ.

Trong khi đó, vì có sẵn những phương pháp ngừa - phá thai, vì quá phổ biến và dễ dàng thực hiện điều này, phụ nữ không biết rằng chính bản thân họ trở thành những món đồ phục vụ cho sự nô lệ tình dục của nam giới. Vì sự tự do vô độ đó, đã biến những người nam, người nữ trở thành những kẻ giết người man rợ. Họ chính là những người cha, người mẹ sát hại con mình ngay khi nó còn là trứng nước đang lớn từng ngày trong lòng mẹ nó. Một thế giới mà chính cha mẹ còn chối từ con mình, thì thế giới làm sao dám mơ hạnh phúc! Máu mũ của lòng mình mà còn dứt bỏ, thì đồng loại xung quanh còn ý nghĩa gì!

1. Đức tin nơi giới trẻ vẫn sáng ngời
Giữa một thế giới quằn quại, có phần bi đát như thế, lại nổi lên sự kiện lạc quan quá đỗi cho cả Giáo Hội Công Giáo nói riêng, thế giới nói chung. Những con người còn rất trẻ, tưởng chừng chỉ có sức lực, sự nông nổi, ngông cuồng, ngang bướng, không nghĩ gì đến chuyện đạo đức, lạnh nhạt với việc cầu nguyện và sống đức tin, thì lại có cả triệu ngườp trẻ quây quần bên nhau, bên vị Cha già kính yêu của mình là Đức Thánh Cha để cùng sống, cùng cầu nguyện, cùng dâng thánh lễ, cùng học tập các bài giáo lý, cùng đi đàng Thánh Giá, cùng sống ơn hòa giải, và phá vỡ không gian bằng vô số lời kinh, vô số câu ca tiếng hát tôn vinh Thiên Chúa, tôn vinh Chúa Kitô. Và còn biết bao nhiêu bầu tim trẻ trung khác đầy nhiệt huyết, tràn trề tin tưởng hướng về Co-lon bằng ơn hiệp thông mà Thiên Chúa đã trao ban cho Giáo Hội. Và Giáo Hội lại tiếp tục mời gọi mọi người con của mình sống ơn hiệp thông ấy.

Hóa ra thế giới không mất mà đang được. Trong cái đi xuống của luân thường, vẫn còn đó một chiều kích đi lên của tình yêu, của sự thánh thiện. Mà tình yêu, sự thánh thiện là một khối thiêng liêng của tinh thần. Cái gì thuộc về tinh thần mới mạnh mẽ và tồn tại. Trong niềm hy vọng, ta dám tin rằng, sự đi xuống của luân thường chỉ là khuôn mặt thoáng qua của sự dữ, của những ai cố tình sống thác loạn, tha hóa. Chúng ta cũng tin y như thế về những giá trị tinh thần sẽ sống và tồn tại mãi, bởi đó là điều mà nhân loại rất cần.

2. Một thế giới đang giằng co.
Bình minh của ngàn năm thứ ba đã ló dạng. Nhân loại đã trải qua một thế kỷ cuối cùng của ngàn năm cũ, trong đó khoa học kỷ thuật bay trên đà phát triển bằng một tốc độ lớn vô cùng, một tốc độ mà trước đó chưa có. Đà phát triển đó chắc chắn sẽ tiếp tục đi vào thiên niên kỷ mới này. Cùng với sự phát triển tột bực của khoa học, nó cũng đem tinh thần hưởng thụ, và mức sống đề cao vật chất như là cứu cánh của đời người theo nó vào ngàn năm mới.

Trong quá khứ, vì quen thói định mức mọi sự, dẫu đó là lãnh vực vật chất, hay linh thiêng, theo cái nhìn khoa học, cho nên người ta đã thấm nhiễm quá mức não trạng thực nghiệm và tinh thần thực dụng, thấm nhiễm cho đến mức trở thành nô lệ cho cái não trạng và tinh thần ấy, thì ngàn năm mới có thể sẽ không giảm mà còn gia tăng. Người ta đã quá vội vàng ảo tưởng và kiêu ngạo, biến họ trở thành một thứ nô lệ vật chất. Cái bi đát nằm ở chỗ: nô lệ nhưng không nhận ra mình nô lệ.

Trong một thế giới có hai phía: Một bên cố níu những gì là đạo đức, là truyền thống, là tinh hoa chắt chiu từ tinh thần của nhân loại mấy triệu năm để nói với thế giới rằng: con người và vũ trụ có nguồn, có cội được sinh ra từ một người Cha từ ái. Người là Cha của tất cả loài người, loài người là anh em với nhau. Vì Người mà tất cả hãy yêu nhau, hãy sống một đời sống hợp luân thường đạo lý. Còn bên kia thì lại muốn nổi loạn, muốn phá đổ tất cả những gì là thánh thiêng, làm chủ cuộc đời mình theo cách nghĩ, cách làm của riêng mình bất chấp tốt xấu. Các giá trị truyền thống trở nên cổ hũ, đạo đức là vô ích. Họ tôn thờ khoa học như là chúa tể của mình.

3. Nhiệm vụ giữ gìn đức tin của người trẻ.
Một thế giới giằng co như thế, rất cần đức tin của bạn và tôi, những người trẻ hôm nay. Chúng ta xác tín mãnh liệt vào nguồn sống, nguồn hướng đạo duy nhất cho sự sống của mình là chính Chúa Kitô. Bạn và tôi hãy mang lấy tâm tư, mang lấy thao thức của Người để trao tặng một thế giới loại trừ Thiên Chúa.
Tâm tư ấy, thao thức ấy chỉ có thể mang lấy bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ giống như tất cả các thánh và giống như Đức Thánh Cha để sống cuộc sống của Chúa Kitô, để nói tiếng nói của Chúa Kitô, để hành động bằng những việc làm của Chúa Kitô: Nhằm trở nên chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa.

Nghĩa là những Kitô hữu trẻ hôm nay, hãy là người tiếp nối sự nghiệp của Chúa Kitô, giới thiệu Thiên Chúa, là Chúa muôn loài, muôn vật, nhưng cũng là một Người Cha nhân từ vô vàn. Chỉ nhờ Người và nơi Người mà tất cả mọi người được sống. Bằng một đức tin và một khả năng sống đức tin mãnh liệt như thế, giới trẻ trở thành những người lính canh giữ đức tin trong ngàn năm mới. Dẫu thế giới có như thế nào đi nữa, lòng người vẫn tẩy chay hay đón nhận Thiên Chúa, bạn và tôi hãy dấn thân cho đức tin. Hãy cao rao tình yêu Thiên Chúa nơi chính cuộc đời và lối sống của mình. Đừng quên rằng: ngàn năm mới đang đặt vào tay chúng ta, những hy vọng của tương lai Giáo Hội. Bởi vậy, chúng ta hãy sống như người có hy vọng và gieo hy vọng vào thế giới. Hy vọng của chúng ta chính là Chúa Kitô. Gieo hy vọng là đưa Chúa Kitô vào tâm hồn nhân loại

Lm. Vũ Xuân Hạnh
(trích Maranatha số 56)