Tâm tình biết ơn.

Đời người là một chuỗi dài nợ nần”. Trong một lần viết cho tôi, khi nhìn lại những gì mình đang nhận được từ người này hay người kia, một người bạn đã bộc bạch như vậy.
Nghe qua có vẻ hơi bi quan, tiêu cực nhưng nghĩ lại thấy có một nét gì đó rất thực trong nhận định này. Vâng, không ai trên đời này tự dưng mà có. Chắc cũng không ai trên đời này lại tự kiêu không cần đến một sự nâng đỡ nào đó của một người khác hay không một lần mang ơn ai đó.

Nhìn lại những gì đang có, đang được đón nhận, tôi thấy mình cũng không thoát khỏi ‘cảnh nợ nần’ này. Tôi thấy mình ‘nợ’ rất nhiều điều, ‘nợ’ rất nhiều người. Có điều, vì vô tình, nhiều khi được nhận, được hưởng thật nhiều mà tôi quên rằng mình đang được hưởng, đang được nhận. Mình có ‘nợ’ mà không biết.

Ngay từ những ngày đầu của đời mình, tôi đã ‘mang ơn’ Mẹ, ‘chịu ơn’ Cha. Vì tôi, vì từng miếng ăn, giấc ngủ của tôi, Mẹ đã bao đêm vất vả, thiếu ngủ. Vì tôi, vì tương lai, vì sự khôn lớn trưởng thành của tôi, Cha đã nhiều ngày khó nhọc, âu lo. Theo năm tháng, tôi lớn lên bằng hy sinh của Cha, vất vả của Mẹ. Tôi ‘nợ’ công Cha, tôi ‘mang’ nghĩa Mẹ.

Bên cạnh mái ấm của gia đình, tôi ‘chịu ơn’ thầy cô. Cô đã mệt nhọc dạy tôi bập bẹ từng tiếng O A; thầy đã nhọc nhằn mở mang kiến thức cho tôi, gieo trong tôi những ước mơ, hoài bão. Cảnh làng xóm nhen nhóm trong tôi tình người, tình quê hương. Những lời cầu kinh hay những tiếng chuông ngân nga của giáo đường làm nảy nở trong tôi một niềm tin.

Xa mái ấm gia đình, rời xứ đạo và trường làng tôi đến với nhiều miền đất lạ, với không ít bao kỳ vọng, bỡ ngỡ, lo toan lẫn lộn. Cũng nhờ những chuyến đi xa, những cuộc gặp không hẹn đâu đó, tôi đến được với mọi người, giúp tôi nối dài vòng tay với bạn bè đến từ bốn bể, năm châu. Làm sao tôi có thể thắng cánh bay xa nếu không có người chắp cánh cho tôi? Làm sao tôi có thể đến với mọi người nếu không có ai đó mở rộng vòng tay đón tôi?
Đất trời mang lại cho tôi hơi thở, sức sống. Thiên nhiên cho tôi Xuân - Hạ - Thu - Đông. Nhìn cảnh bao la của vũ trụ, đón nhận được những hồng ân này, ơn kia, tôi nhận ra rằng, còn có ‘Ai đó’ đã tạo dựng nên tôi, luôn yêu thương tôi, đồng hành với tôi, ‘cứu chuộc’ tôi …

Theo lệ thường, đã ‘nợ’ là phải trả. Nhưng ai có thể trả hết ‘nợ đời’? Ai có thể trả hết được bao công ơn, bao ân huệ, bao hồng ân mà mình đã nhận được? Hơn nữa nước mắt có bao giờ chảy ngược. Có người cha nào lại kể công với con? Có người mẹ nào lại bắt con mình trả lại những gì họ đã cho?

Cũng như tôi, như người bạn của tôi, chắc bạn cũng nhận được rất nhiều trong cuộc sống, chắc bạn cũng đã, đang và sẽ ‘nợ’? Nhận ra được bao công ơn, bao ân huệ mà mình nhận được và biết sống tâm tình biết ơn, biết sống tâm tình cảm tạ, tri ân phải chăng là một cách chúng ta ‘trả nợ’, giúp chúng ta đền đáp lại những công ơn, ân huệ đó? Như người bạn ấy viết cho tôi, biết cho đi, biết nghĩ đến người khác cũng là một cách nữa giúp chúng ta có thể trả ‘nợ’, những ‘món nợ đời’ mà mỗi chúng ta đã, đang và sẽ nhận được một cánh nhưng không mỗi ngày trong cuộc sống?

L.C.H