NHỮNG NGỌN NẾN CỦA TÌNH YÊU

Vừa đủ QUẢ QUYẾT để mỗi ngày của đời Bạn sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm trước
Và vừa đủ TÌNH YÊU để Bạn có thể thực hiện tất cả những điều này...”

Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, 1.1.20

Các bạn Trẻ thân mến,
0 giờ ngày 1 tháng 1 năm 2005... Khoảnh khắc vụt qua, không cách chi đo, không tài nào đếm, chỉ có thể cảm nhận. Mà vừa mới chợt cảm nhận được thì đã là một khoảnh khắc khác, là một chuỗi những khoảnh khắc khác nữa rồi. Hóa ra mọi sự đều là tương đối. Thôi thì cũng cứ xin chọn cái khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng lạ lùng này làm một kết điểm cho năm 2004, một khởi điểm cho năm 2005.

Lúc xập tối, mấy em sinh viên các nhóm quen biết hẹn nhau tụ họp lại ở Trung Tâm Mục Vụ. Chúng tôi cùng dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho các nạn nhân của động đất và sóng thần tại Nam Á và Đông Phi những ngày vừa qua.

Con số nạn nhân tính đến hôm nay đã hơn 130.000 và gần 10 triệu người đang còn tang thương hoảng loạn. Cũng giờ phút này ở Nha Trang, gần 2.000 bạn trẻ vừa khai mạc Đại Hội Giới Trẻ theo chủ đề của JMJ 2005 tại Cologne nước Đức. Chắc chắn cha Tiến Lộc phụ trách phần Tĩnh Nguyện lúc nửa đêm cũng sẽ không quên xướng lên một lời cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm họa này. Thầy Xuân Đường từ Huế gọi điện vào cũng phác họa một tinh thần hiệp thông cầu nguyện tương tự giữa các anh em sinh viên...

Bất giác tôi nghĩ đến hàng vạn bạn trẻ tại nhiều nước trên thế giới đang tình nguyện tìm đến sát cánh với các bạn trẻ Srilanka, Indonesia, Maldives, An Độ, Thái Lan, Malaysia, Somalia, Kenya... để đối diện với những nguy cơ kinh khủng khác đang chực chờ, đó là nạn đói, là dịch bệnh, là tổn thương tâm sinh lý cả mấy thế hệ con người.

Tôi xin trích một đoạn trong Lá Thư Jakarta của bạn Thanh Nguyên đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày hôm qua, 31.12.2004: “Hai giờ sáng, chương trình truyền hình vẫn tiếp tục trực tiếp những nỗ lực của chính quyền và các tổ chức nhân đạo tại Banda Aceh. Hình ảnh những cô gái, chàng trai, người đẫm mồ hôi, chuyển thực phẩm đến cho từng người bị nạn trong đêm tối, chợt làm sáng lên bầu không khí ủ dột của thành phố này ( ... ) Một ngày ở Jakarta, đi đâu cũng nghe bàn tán về những thanh niên đang bắt đầu tình nguyện lên đường đến Banda Aceh. Họ sẽ lên chuyến bay đặc biệt của quân đội để đến thẳng những vùng được phân công để làm nhiệm vụ tìm kiếm, chữa bệnh cũng như hàng loạt những việc khác. Người dân nói về những người tình nguyện này với một sự ngưỡng mộ và kính nể. Ngoài phố, ở những ngã tư đường vẫn là những thanh niên mặc áo trắng ôm thùng đi quyên góp ủng hộ các nạn nhân theo lời phát động toàn quốc của tổng thống Indonesia...”

Lại nhớ về sự kiện Thứ Ba Đen 11.9.2001 bên Mỹ, rồi bao nhiêu nhân tai cũng như thiên tai khác ở khắp nơi trên thế giới, rồi đến thảm họa lần này... Hình như cứ mỗi khi con người ta phải giáp mặt với cái chết, với bóng tối, với sự sợ hãi tột độ, với sự hoang tàn đổ nát tưởng rằng không gì hồi sinh được nữa, thì những tia sáng của tình thương lại lóe lên từng đốm nhỏ, rồi cứ thế đó đây nhen nhóm lên thành từng cụm lửa hồng, kết lại bên nhau thành những bó đuốc rực cháy soi rọi vào trong đêm đen tuyệt vọng.

Đó là những con người không phân biệt màu da, tín ngưỡng, thường là trẻ tuổi, đa số là sinh viên có học thức, có công ăn việc làm đàng hoàng, nhưng khi hữu sự, tức khắc họ tình nguyện lên đường ngay. Những kỹ năng cần thiết và tối thiểu họ đã chuẩn bị sẵn, có khi được huấn luyện thêm cấp tốc ngay trong hành trình đến nơi cần trợ giúp. Họ là người tại chỗ, là đồng bào với các nạn nhân, nhưng họ cũng có thể là người xa lạ, nhiều khi là dân vùng nhiệt đới chưa bao giờ biết đến cái băng giá căm căm khắc nghiệt, hoặc ngược lại, là dân xứ lạnh chưa hề đặt chân đến vùng gió hanh nắng gắt.

Họ quên luôn sự an nguy của bản thân, có mặt ngay khi tiếng đạn bom còn râm ran ầm ì, khi địa chấn còn rung chuyển, khi lũ bão hoặc thần hỏa còn đang hoành hành. Họ nhảy vào tử địa để mở một sinh lộ cho các nạn nhân khốn khổ. Họ phối hợp với nhau, với Hội Hồng Thập Tự, với các tổ chức phi chính phủ ( NGO ) và với chính quyền địa phương, để càng nhanh càng tốt, nước sạch, lương thực, thuốc men, áo quần, chăn mền và những nâng đỡ tận tũy của tình người có thể tràn ngay đến, cố gắng lấp chỗ vào những mất mát tang thương. Và không ít lần chính họ đã trả giá bằng chính sinh mạng của mình!

Thế rồi, sau một tuần, có khi một tháng, nhiều lắm là đôi ba tháng, sau khi tình hình đã lắng dịu, những thiện nguyện viên, những tình nguyện viên ấy lại lặng lẽ quay trở về nhà, quy cố hương không kèn không trống, không cần long trọng tiễn đưa, không cần phong bì bồi dưỡng, không cần huy chương bằng khen chi cả. Họ tự biết họ đã lớn lên nhiều lắm ! Thế là quá đủ rồi !
Ở Việt Nam chúng ta, cũng đã có rất nhiều bạn trẻ vị tha dễ thương như thế. Tuy chỉ mới ở mức độ trong nước, ở thành phố và nhất là ở nông thôn, sau các trận hỏa hoạn, cháy cao ốc cũng như cháy rừng, sau các trận bão lụt, lũ quét trên vùng Tây Bắc, ở miền Trung, trong miền Nam, vào các Mùa Hè Xanh, trong các đại hội thể dục thể thao hoặc giao lưu văn hoá dành cho người khuyết tật..., bao giờ cũng có các bạn trẻ thiện chí là sinh viên học sinh, tình nguyện nhập cuộc. Mới đây ở tỉnh Quảng Bình đã có một chị Mai, ở tỉnh Trà Vinh đã có một anh Thắng hy sinh để cứu được nhiều người khỏi chết đuối giữa cơn sóng dữ...

Nhiều mỳ từ, danh hiệu đẹp đã được dành cho họ: “Các Thiên Thần Bản Mệnh”, “Những Người Bạn Không Biên Giới”, “Những Tia Sáng của Bình Minh”... Tôi chỉ xin góp thêm một biểu tượng: “Những Ngọn Nến của Tình Yêu”. Vâng, trong ngày đầu năm 2005 này, Ngày được Giáo Hội chọn làm Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình trên toàn thế giới, chúng ta không thể bỏ qua không nhắc đến những “Ngọn Nến” nhỏ bé nhưng quả cảm ấy trên quê hương chúng ta cũng như trên toàn cầu, chính họ góp một phần không nhỏ cho Hòa Bình được khởi sự ngay từ nơi lòng người để rồi cứ thế lan tỏa, chiếu sáng rực rỡ trong kiếp nhân sinh còn nhiều bóng tối và khổ đau này.

Thật ra, họ vẫn chỉ là những con người bình thường giữa đời thường, cũng chịu sự chi phối tự nhiên của hỷ nộ ái ố, chịu sự ràng buộc gay go căng thẳng của cơm áo gạo tiền. Thế nhưng, khi có tiếng kêu cứu ở đâu đó, họ nghe được, họ đáp ứng, và họ đã trở nên những con người phi thường đến mức họ cũng chẳng ngờ !

Chúng ta thì sao ? Những con người bình thường mà phi thường ấy để lại dấu ấn gì nơi chúng ta ? Vỗ tay khen ngợi, viết lách tán tụng xem ra dễ quá, ai làm chẳng được ! Thú thật, bản thân tôi cứ ngỡ mình đã đi nhiều nơi, làm nhiều việc, giúp đỡ chỗ này, cứu trợ chỗ kia, nhưng thật ra chưa lần nào phải tự đặt mình trước một chọn lựa sinh tử. Nhân ngày đầu năm, xét mình cũng thấy ra còn xa Tin Mừng của Chúa Giê-su nhiều lắm: “Không có Tình Yêu nào lớn hơn Tình Yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu”, huống chi lại là cho những người mình chưa hề gặp mặt, chưa hề quen biết, ở tận đâu đâu !

Trong số các E-Mails bạn đọc gửi về cho Ephata những ngày vừa qua, tôi bắt gặp một lời cầu chúc thật hay, thật cụ thể mà lại thấm thía, hình như được trích ra từ một Trang Liên Lạc của các anh em CVK. Xin chép lại ở đây thay cho lời kết cho những tản mạn nghĩ suy và cảm nhận đầu năm này:
“Xin gửi đến Bạn lời cầu chúc vừa đủ, vừa đủ thôi:
Vừa đủ HẠNH PHÚC để giữ tâm hồn Bạn được ngọt ngào
Vừa đủ THỬ THÁCH để giữ cho Bạn luôn kiên cường
Vừa đủ MUỘN PHIỀN để giữ cho Bạn thật sự là người,
Vừa đủ HY VỌNG để cho Bạn được hạnh phúc
Vừa đủ THẤT BẠI để giữ Bạn mãi khiêm nhường
Vừa đủ THÀNH CÔNG để giữ Bạn mãi nhiệt tâm
Vừa đủ BẠN BÈ để cho Bạn được luôn an ủi
Vừa đủ VẬT CHẤT để đáp ứng các nhu cầu cuộc sống của Bạn

Vừa đủ NHIỆT TÌNH để Bạn có thể chờ đợi trong hân hoan

Vừa đủ NIỀM TIN để xua tan nơi Bạn những chán nản ngã lòng