Năm Chó Bàn Truyện Chó

Nàng cũng rất sợ chó vì đã một lần bị con berger nhà hàng xóm rượt chạy xanh mặt. Rồi từ chỗ sợ chó nàng đâm ra ghét chó, chó to chó bé, chó tây chó ta. Ghét hết, ghét lắm. Sợ và ghét đi vào tiềm thức nên năm trước nàng đã trồng bên hông nhà một bụi mơ rất tốt, ngọn và lá mơ vươn cao, ong đến làm tổ mà phá đi cũng không được. Dưới bụi mơ lại là một gốc riềng. Có lần, đứng bên gốc mơ, tớ đã ấm ớ theo chân ông Nguyên Sa bịa thơ:

Trồng bụi mơ vì em không yêu chó.
Cấy gốc riềng bởi chó đuổi chân em.

Hồi nhỏ tớ cũng bị chó ngoặm một phát vào đùi trái khi mẹ sai đưa bánh biếu bà nội. Còn những lần đi học, đi nhà thờ bị chó đuổi vắt giò lên cổ thì nhiều lắm, nhưng tớ vẫn không hận thù loài khuyền mã này tí nào (Bố tớ tuổi con chó, nhưng không phải vậy đâu). Tớ chỉ khó chịu mỗi khi thấy trên ti-vi cảnh chó cắn người vô tội, nhất là con nít thôi. Thực ra tớ tức giận mấy tay chủ nuôi chó mà không biết giữ chó thì đúng hơn.

Có lần tớ đề nghị nuôi một con chi-hua-hua trong nhà cho vui và cũng ngầm ý là để có ‘đồng minh’ những lúc ‘canh không bột ngọt’ và con cái vắng nhà, nhưng nàng gạt đi ngay mặc dù ba bố con tớ đã biểu quyết thuận một trăm phần trăm. Nàng bảo:”Ai có giờ đâu mà chăm sóc chó, rồi tiền đâu mà mua thuốc, mua đồ ăn…”. Để gia đình yên ắng, tớ tạm hoãn việc nuôi chó lại để chờ một dịp khác.

Trong khi chờ đợi ‘nhà nước’ cấp ‘giấy phép’ nuôi chó thì tớ kiếm mấy con cá vàng thả vào cái bình nhỏ để ngắm cho đỡ…buồn vì nghĩ rằng ‘chó thì luôn luôn vui vẻ và không biết giận hờn, còn cá thì không bao giờ biết buồn hoặc ghen tương’. Hơn nữa ở Mỹ cá vàng vừa rẻ tiền lại vừa dễ nuôi. Thế là một đàn cá từ Pet America được nhập hộ khẩu nhà tớ không cần giấy phép. Sách tướng số bảo cuộc đời tớ không có nhiều may mắn, không thông minh, nhưng lại rất bén nhậy để tìm ra giải pháp thay thế trong những lúc ngặt nghèo, nhất là những gì liên quan đến chuyện vui chơi ăn uống. Tớ thấy cũng khá đúng vì hồi chưa đầy 10 tuổi, tớ đã biết đóng bè chuối để anh em tớ sang sông kiếm bạn khi nhà không có ghe xuồng.

Thế rồi…một chiều thu… lá thu vàng rơi đầy… drive way, nàng xách về một cái lồng to với một con chó con nằm ngoan như con búp bê ở bên trong. Lạ thật. “Một chị trong nhà thờ bị chồng bỏ về Viêt Nam lấy vợ khác. Con cái chị ấy đã lớn hết lại đi học xa, không chăm sóc nổi bốn con chó nên chị ấy chia cho mình một con”. Nàng còn nói rất dài về ông chồng của bà bạn, nhưng đại khái là ông ấy rất… ‘cà chớn’.Tớ không dám bàn gì thêm vì đây là một điều vô cùng cấm kỵ. Nếu cay cú ông ta thì biết đâu lại oan cho ông mà sơ ý bênh ông ta là vô cùng phièn phức, tớ chỉ ra vẻ ông tiên non đứng trung lập: “Phải nghe cả hai bên và nghe từ đầu đến cuối mới được”. Lời bàn của ông tiên non không hấp dẫn người đối thoại nên tớ chuyển ngay về truyện… chó.


Con chó ‘được cho không’ thuộc một trong những giống Yorkshire bé con và có tên là Nina không dám bước ra khỏi lồng, cứ rụt rè sợ hãi. Cả hai ngày đầu nó chẳng ăn, cũng chẳng uống gì. Nàng lo lắng vuốt ve nó: “Mày ốm hay mày lạnh hả con?”. Con gái tớ thì ân cần thăm hỏi: “You miss your home? your sisters?”. Con trai tớ thì ôm nó, nó chỉ he hé mắt rồi cứ vậy run rẩy. Tớ nhớ lại đứa con gái của tớ hồi chưa đầy năm bị lên cơn sốt trên 100 độ F. Vợ chồng cứ thay nhau quấn thêm mền và bế cho đến khi con bé ngất đi để phải gọi 911: “Đặt nó xuống sàn nhà, lấy khăn lạnh lau người cho nó. Bạn phải nghe lời tôi, nếu không con bạn sẽ chết”. Được lau khăn lạnh, con bé tỉnh lại. Con Nina mới 6 tháng tuổi này chắc cũng lại khó nuôi thôi.

Hồi ở Việt Nam, không cần kinh nghiệm tớ cũng biết nuôi chó, nuôi cả đàn cũng được. Chỉ cần nửa bát cơm thừa hay một muôi cám heo mỗi ngày là chó vẫn béo tốt, khôn nhanh, bắt chuột và giữ nhà ngon lành. Chẳng bao giờ thấy chó cảm cúm ốm đau. Đàng này…

Nhưng “trời sinh trời dưỡng”. Chưa kịp vào google để download ‘how to feed a puppy’ thì con Nina đã vui vẻ chạy nhảy và trở thành ‘cục cưng’ trong nhà, là niềm vui của mọi người.

Bây giờ thì người cưng chó nhất trong nhà lại là người trước đây ghét chó nhất.

Thế đấy, hoàn cảnh ảnh hưởng đến con người rất nhiều dù người ta có ý thức hay không ý thức. Và ảnh hưởng rất nhanh dù người ta có muốn hay không muốn. Chẳng cần phải học môn ‘Tâm Lý Phát Sinh 330’ thì cha ông Việt Nam ta từ xưa cũng đã biết “gần mực thì đen gần đèn thì sáng” rồi.(Dĩ nhiên con người cũng đổi thay môi trường).

Nhìn con Nina nằm ngủ thật ngon trên cái ghế nhỏ, tớ miên man nghĩ đến số phận những con vật ở Việt Nam. “Thôi đừng bày đặt nữa. Ông sống ở đất Mỹ đầy bơ sữa rồi sắp vu vơ triết lý lăng nhăng phỏng”. Ừ thì cũng ‘bày đặt’, cũng ‘vu vơ’, cũng ‘lăng nhăng’ đấy, nhưng để tớ viết thêm tí nữa, viết về chính tớ thôi.

Ngày xưa tớ là một thằng bé rất tinh nghịch. Đi đường thấy con ốc cũng lấy chân đá, ra ruộng thấy con nhái cũng lấy que đập, đi chơi thấy con chim trên cây cũng lấy đất chọi, xuống cầu ao rửa bát thấy con cá đang bơi cũng lấy dao chém. Nghich. Phá. Chơi. Tớ cũng đã từng cắt cổ gà, đâm tiết lợn, cắt tiết chó, vặn cổ mèo… Lì lợm thế đấy. Trong hoàn cảnh ấy, vào thời buổi ấy, vào cái tuổi ấy, tớ chẳng hề thấy ghê rợn, chẳng hề ý thức gì về sự đau đớn, sự giết chóc, sự sống và môi trường gì cả.

Nghĩ lại thì có thể chiến tranh cũng góp phần tạo nên cái tâm tính dữ tợn trong tớ mà tớ không biết. Danh từ ‘môi trừơng sống’ thì phải đến năm thứ ba đại học tớ mới nghe một ông thầy người Tây từ Bangkok sang dạy mới biết, còn mạng sống của con người thì cũng rất ‘lệch lạc’ trong tớ hoặc ít nhất là đã không được trân trọng đúng mức.

“Con vật mà, ta có quyền cho sống hay chết cũng được”. Còn ‘kẻ thù’ thì chắc chắn phải giết để ta sống. Tớ nhớ một lần đi chơi từ Võ Đất về Long Khánh bằng xe Honda, cả bọn trông thấy xác một người thanh niên trong bộ áo bà ba đen bị bắn nằm chết bên đường. Máu chảy thành vũng đã khô và xác đã chương lên. Có người qua lại bảo: du kích Việt Cộng đấy. Nghe vậy tớ thấy yên tâm và lại có phần vui vui chiến thắng nữa. Lúc ấy tớ đâu biết suy nghĩ: Chắc có phải du kích thật hay lại là thường dân? Và nếu thật là du kích thì có đáng chết? và nếu đã chết thì có phải bị ném bên đường như vậy không? Họ cũng là người, người Việt Nam cả mà. Một lần khác nhìn thấy lính hành quân từ đồn Đập Đá, xã Cai Dương trở ra đầu kênh về quận Tân Hiệp. Mấy tay du kích non chọet bị bắt, quần áo lấm lem và rách nát như con cua mới bị moi từ dưới đất lên, mắt bị bịt kín, tay bị còng ra sau, và lưỡi lê sáng loáng được kề vào cổ họng để tra hỏi. Tớ thấy mình cứ tỉnh bơ “Việt Cộng mà”, “Ai bảo dại dột đi theo bọn Cộng Sản Vô Thần”. Lúc ấy tớ đâu biết suy nghĩ họ là những thiếu niên nghèo, phải sống trong vùng mất an ninh và không được đến trường để học hành như tớ. Ăn chưa đủ nói chi đến việc học hành.

Ở đây tớ không dám bàn truyện đúng sai của chiến tranh vì giờ này ai cũng thấy cả rồi, tớ chỉ muốn nói lên khía cạnh môi trường thay đổi con người mà thôi. Xin lỗi những người của cả hai miền đã nằm xuống trong cuộc chiến dài ấy.

Trở lại truyện con Nina, một lần cả nhà đi chơi về nhà thấy nó ngồi chờ trước cửa, nàng hoảng hốt sai quân lớn nhỏ đi tìm cho ra chổ hở mà con chó cưng đã chui qua. Tìm được cái kẽ bên hông nhà, nàng khiêng ngay một cục gạch xi-măng to, nặng cả mười ký và nhiều miếng ván cứng để che lại. Những tấm ván ép với cục xi-măng được kê rất kiên cố nhưng lại cũng nguy hiểm, con Nina mà còn cố tình chui ra là ván rơi xuống, không bể đầu thì cũng gãy lưng hoặc cong đuôi.

“Cẩn tắc vô áy náy”, ấy thế mà một buổi chiều cả nhà đi lễ, con Nina đã biến mất. Về nhà không thấy chó đâu dù cổng vẫn đóng kín, nàng lo lắng và nước mắt sắp rơi vì tưởng có người đã trộm con chó cưng. Tớ cũng e ngại, nhưng vẫn đùa: “Nó giữ nhà mà ai lại dám ăn trộm nó. Đâu có lô-dích”. Thực ra, con Nina nhỏ bằng bắp tay chưa giữ mình được thì làm sao giữ được nhà. Nó bới hàng rào rồi lang thang sang chơi nhà hàng xóm.

Thế là các kẽ hở hàng rào đều được che kín, kể cả những chỗ đút ngón tay út cũng không lọt. ”Che vậy cho nó chắc ăn. Không cho nó nhìn thấy gì bên ngoài để khỏi đòi ra”. Tớ nghĩ thầm “Nina ơi, mày cũng như tao thôi con ạ. Chỉ khác là mày đuợc ở nhà chơi, còn tao phải đi cầy. Mày nhìn thấy trời xanh mây trắng, còn tao thì thấy đèn đời xanh vàng đỏ thay nhau chớp chớp”. Nghĩ thế mà không nói ra, nhưng tớ đang đọc những cuốn “2000 Ngày Tử Thủ Củ Chi” của Xuân Vũ và Dương Đình Lôi nên tiện dịp ‘khen’ nàng một câu: “Phải chi ngày xưa em làm trưởng khối ấp chiến lược thì Củ Chi cũng không giữ được một trăm ngày, chứ đừng nói đến 2000 ngày”.

Rồi một hôm, cái lược chải tóc ưng ý nhất của tớ biến mất. Hỏi ra mới biết: “Con lấy lược của ba để chải cho Nina hôm qua. Ba xài lược của má đi”. Không chỉ lược mà những khăn tắm của tớ cũng dần dần được trưng dụng… cho chó: cái để tắm, cái để lót sàn, cái để che nắng, cái để trên xe…cho chó. Nhà bốn người một bao gạo 50 pounds, một mình con Nina nhỏ tí cũng một bao đồ ăn 50 pounds.

Người cưng chó cũng là truyện rất thường ở Mỹ, nhưng không chỉ cưng chó mà ‘người ở đây’còn cưng tất cả các loài vật, và cưng cả môi trường nữa.

Một lần đi chơi ski jet với bạn, máy hết xăng, bạn tớ phải lấy xe móc kéo lên bờ rồi mới dám châm xăng: “Ông biết không, cảnh sát phạt cả trăm đô nếu bắt gặp mình đổ xăng vào máy trên hồ nước”. Mấy năm trước, một ông nông gia Đài Loan đang vui vẻ cầy xới thửa đất mới mua được ở vùng Trung California, hy vọng trồng khoai lang ở đây tốt hơn ở Đài Bắc, chẳng may cán chết mấy con opussum, một loại chuột cống to như con thỏ, dáng vẻ xấu xí và chậm chạp. Thế là “chúng tôi có luật và cứ theo luật ấy thì mời ông vác chiếu Đài Bắc ra hầu tòa Cali”. Hình như ông nông gia này bị rút giấy phép trồng tỉa và phải đền cả ngàn đô-la vì đây là loại chuột sắp tuyệt giống cần bảo vệ. Hội bảo vệ súc vật ở Mỹ cũng mạnh lắm, họ hay đi ‘kiếm truyện’ những trại mổ gà vịt. Họ muốn bảo đảm dòng điện phải đúng mức để làm cho gà tê người đi trước khi bị cắt cổ. Từ cuộc sống an bình như vậy nên ‘người ở đây’ cũng rất ngại cảnh chém giết.

Bạn tớ sang bên Iraq làm Tuyên Úy cho sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến mấy tháng nay. ‘Anh’ được biệt phái một nữ quân nhân gốc Ý xinh đẹp làm cận vệ giúp đỡ. Hai người chụp hình gởi về Mỹ trông vừa oai hùng vừa dịu dàng. Hôm nay tớ nhận được email của anh:

“Kể cho Ryan và các bác nghe về cô phụ tá của mình: một hôm đang ngồi làm việc trong văn phòng thì nghe tiếng la thất thanh của Sarah(tên của cô ấy). Vội chạy sang thì thấy cô nàng đang đứng trên ghế và vẻ mặt rất hoảng sợ. Mình hỏi truyện gì, cô ta ấp úng… ‘dạ dạ… con chuột…”. Thì ra cô nàng có thể cầm súng bắn phiến quân(đã từng bắn), nhưng gặp chuột là quăng súng bỏ chạy. Hôm qua, nhờ người đặt bẫy, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ đã có hai con chuột dính bẫy. Cô nàng gọi Tuyên Úy giúp gỡ chuột ra khỏi bẫy dùm. Đúng như Tòng nói ‘có hình bóng mỹ nhân ở nơi đầy máu lửa, xem ra cũng vơi đi được những căng thẳng cho các quân nhân’. Nhiều chàng còn tìm dịp vào gặp tuyên úy để có dịp tán gẫu với cô nàng mấy câu… Trong đoàn convoy, mấy anh tài xế tranh nhau lái xe cho mình, chẳng phải vì tuyên úy mà vì người đẹp thì đúng hơn. Happy Thanksgiving”.

Mỹ là thế đấy. Tốt hay xấu, khen hay chê tùy mỗi người, nhưng điều chắc là ở với họ miết rồi rồi mình cũng làm theo họ, nghĩ như họ, và cảm xúc như họ lúc nào không biết. Trong rất nhiều lãnh vực. Có nhiều cái tốt, nhưng cũng nhiều cái kỳ cục.

Ở Mỹ đây nuôi thú vật trong nhà mà không cho chúng ăn uống đầy đủ cũng bị phạt nặng, nhưng chẳng biết những người làm ra và thi hành luật này đã từng bao giờ cho người vô gia cư một bữa ăn nào chưa? Có những bà đứng ra bảo vệ sự đau đớn và quyến sống cho chó mèo, nhưng chẳng biết các bà ấy có lần nào mon men đến những trung tâm phá thai chưa? Có những bà hăng hái vận động cấm sự thí nghiệm y khoa trên loài khỉ, loài chuột hoặc vận động cấm đấu bò, nhưng khi đi biểu tình trước Tòa Bạch Ốc thì không biết các bà ấy cầm cờ ‘Pro Choice’ hay ‘Pro Life’.

Coi con vật trọng hơn người thì tớ gọi đây là lương tâm lệch lạc.

Nhiều khi người ta quá nhậy cảm với những cái nhỏ bé vớ vẩn mà lại quá vô cảm với những điều hệ trọng. Không dám vất một lọ nhớt cũ vào thùng rác vì sợ ô nhiễm môi sinh, nhưng lại tỉnh bơ đi phá thai vì sợ rắc rối, sợ trách nhiệm, hoặc sợ mất một chút danh dự cỏn con. Hoàn cảnh tạo ra đấy, nhưng đổ cho hoàn cảnh 100% khi không tỉnh thức thì cũng không chấp nhận được.

Mới đây bạn tớ gởi đến website voy.com, trong đấy kể truyện người ta ăn thịt thai nhi với những hình ảnh vô cùng rùng rợn. Những bào thai hay đúng hơn là những hài nhi đã chết nằm bên cạnh con dao sắc như con cá lóc nằm trên thớt chờ được làm sạch rồi cắt ra nấu nướng. Tớ không biết truyện này có thật hay giả? Nhưng nếu có thật thì những người ăn thịt người này đã đánh mất nhân tính rồi. Nếu thật là ở bên Trung Quốc người ta ăn thịt thai nhi như trong hình thì con cái, cháu chắt, nói chung là giòng dõi của Khổng, Lão, Nho, Phật…đã mạt thật rồi.

Coi con người như con vật thì tớ gọi đây là lương tâm bệnh hoạn.

Hoàn cảnh nào đã tiêu diệt lương tri của những người này. Chắc chắn không phải một ngày một đêm mà mực đen đã lem hết cả ‘tập thể lương tri’ hoặc khói đen làm mù mắt nguyên một tập đoàn con người ta được.

Ghê thật. Nhưng bàn mãi cũng thừa, viết nữa cũng thiếu. Tớ chỉ mong những người sống chung quanh tớ vẫn luôn tỉnh thức (watch! be awake! be aware!) để tớ được lấy họ làm chuẩn mà phân biệt được hai mầu trắng đen, lấy họ làm nền mà định nghĩa được hai tĩnh từ đúng sai, và lấy họ làm gương để giữ vững được ý nghĩa hai chữ tốt xấu mà thôi.

Gần sang năm Bính Tuất, năm của con chó rồi, tớ mong nhà nào chưa nuôi chó thì thử nuôi một con chó nhỏ xem sao. Tuần qua, chợ chó gần nhà tớ on sales một con chi-hua-hua 7 tháng tuổi ‘chỉ có’ $499.99 thôi. Ở Mỹ nuôi chó có nhiều cái hay và cái thú lắm. Chơi với chó bảo đảm sẽ bớt stress. Đi bộ với chó hằng ngày bảo đảm sẽ bớt cholesterol. Nuôi chó bảo đảm sẽ có thêm một người bạn trung thành. Có con chó trong nhà bảo đảm đời sẽ vui hơn, nếu không vui hơn thì cũng sẽ bớt buồn và cô đơn. Chó còn biết giữ nhà, nếu không giữ được nhà thì ít nhất nó cũng giữ được cái cửa. Đứa bé nào mà chẳng dễ thương, một con chó ưng ý ở trong nhà cũng ‘phần nào’ giống như một đứa bé ấy. Thử mà xem.

Ở Việt Nam nuôi chó không những được nhiều cái hay, cái thú mà còn có nhiều cái lợi nữa. Hoàn cảnh mà. Đừng bảo tớ phách lối châm biếm người ‘duy thực’ nhá. Tớ yêu thích chó, nhưng vẫn thương những người mê món thịt chó khìa nước dừa, tớ không dám giết chó nữa, nhưng vẫn tôn trọng những ai mê món rựa mận, và tớ không ăn thịt chó nữa, nhưng vẫn yêu những người mê món dồi chó lắm. Vì sao vậy? Vì chó vẫn là chó.

Không biết chợ thịt chó Xóm Mới có còn nhộn nhịp như xưa?

Joseph Vu, San Dimas, 29-Nov-2005