Lòng hy sinh cao cả

Trong những tuần vừa qua nhiều người đã xem phim Passion - Cuộc thương khó khổ nạn của Chúa Giêsu do Mel Gibson thực hiện. Nhiều Bạn không cầm được lòng trắc ẩn với những hình khổ Chúa Giêsu đã phải chịu đựng.

Nhiều Bạn nói lên tâm tình: Cảnh tượng tra tấn đánh đòn Chúa chịu qúa dã man rùng rợn, ghê gớm qúa!

Có những Bạn thâm trầm suy tư nói: Xưa nay vẫn nghe đọc, nghe diễn tả về cuộc thương khó Chúa Giêsu. Nhưng không sao hình dung ra mức độ tàn bạo rùng rợn như vậy được! Bây giờ xem phim chiếu lại, lòng thương cảm trào lên kính phục lòng qủa cảm của Chúa Giêsu im lặng chịu bị đánh đập tra tấn làm nhục có một không hai!

Có Bạn có tâm tình đạo đức hơn: Xem phim đó, cảm thấy thấm thía đánh động hơn nghe giảng phòng tĩnh tâm nhiều!

Xin cúi đầu lắng nghe tiếng con tim lòng đạo đức của mỗi người! Trên đường từ rạp Xi-nê về nhà, tôi nhớ lại câu truyện lòng hy sinh dũng cảm trong của một nhân vật trong truyện Ðông châu liệt quốc.

Trong hồi thứ ba mươi tư: Thúc Thiêm lâm hình cãi vua Tấn - Huyền Cao gỉa mệnh khao quân Tần thuật lại chuyện tấm lòng trung quân cứu quốc của Thúc Thiêm như sau:

Tấn văn Công tiếp sứ gỉa Thạch Thân Phủ của nước Trịnh sang yết kiến xin giảng hòa. Vua Tấn văn Công đặt điều kiện: nước Trịnh phải đem quan đại thần Thúc Thiêm sang nộp.

Vua Trịnh không bằng lòng. NhưngThúc Thiêm tình nguyện sang nộp mạng để cứu nước Trịnh khỏi chiến tranh. Thấy Thúc Thiêm đến, vua Tấn văn Công quát mắng kết tội tử hình Thúc Thiêm bị nấu trong vạc.

Thúc Thiêm bình tĩnh nói: „Khi trước nhà vua qua nước tôi, tôi có nói với chúa công tôi rằng: nhà vua là người hiền minh, mà các người đi theo hầu lại toàn là những bậc tài giỏi cả. Vậy thì khi về nước tất làm bá chủ; đến khi nhà vua hội chư hầu ở đất Ôn ấp, tôi lại khuyên chúa công tôi một lòng thờ Tấn, chớ có bội ước, nhưng trời làm hại nước tôi, khiến cho lời nói của tôi không được dùng. Nay nhà vua đòi bắt tôi, chúa công tôi cũng thương là vô tội, toan không cho đi; tôi xin liều một mình tôi để cứu trăm họ.

Phàm người ta, việc gì cũng liệu trước được, thế là trí.
Một lòng giúp nước, thế là trung.
Không tránh hoạn nạn, thế là dũng.
Liều mình để cứu trăm họ, thế là nhân…“

Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn đã sống lòng hy sinh dũng cảm đúng như lời Thúc Thiêm luận bàn.

Ngài đã tiên liệu trước việc bị bắt, phải chịu khổ hình, nên đã lập Bí tích Thánh Thể để lại làm của ăn tình yêu tinh thần cho các môn đệ và những người tin theo Ngài. Ðó là trí.

Một lòng trung thành với ý muốn của Thiên Chúa: Xin Cha cất chén đắng này cho con, nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha hoàn toàn. Lòng trung thành của Người với Thiên Chúa Cha tuyệt đối dù phải chết.

Ngài nói với quân lính đến tìm bắt người nơi vườn cây dầu. Chính ta đây! Ngài sẵn sàng nộp mạng không chạy trốn ngả theo cơn cám dỗ đang dằn vặt tầm hồn thể xác. Lòng hy sinh dũng cảm, kiên cường cao độ của bậc thánh nhân!

Ngài chấp nhận chịu hình khổ chịu chết để cho linh hồn con người nhân loại được cứu rỗi. Lòng nhân từ bao dung của Ngài bao phủ trên mọi người từ lúc mới sinh ra, suốt dọc cuộc sống đến lúc chết trên thập gía: Lạy Cha, xin Cha tha cho họ. Vì họ không biết việc họ làm!

Chúa Giêsu là đấng Thánh, nhưng đã làm người và đã sống cuộc sống con người có chan hòa trí trung dũng nhân.

Một mẫu gương đạo đức tình người cho những người tin theo Ngài.

Lm. Nguyễn ngọc Long