Lội Ngược Dòng

Vì người phụ trách vắng đột xuất, tôi bị ‘bắt cóc’ vào giúp một lớp giáo lý hôn nhân. Do không có sự chuẩn bị trước và hơn nữa đây cũng là lần đầu gặp nhau, tôi đã xin phép các anh chị trong lớp hôn nhân ấy dành buổi học giáo lý đó để trao đỗi và chia sẻ với nhau những gì liên quan đến đời sống hôn nhân. Để tạo cho họ có thể chia sẻ một cách dễ dàng, tôi đã gợi lên những câu hỏi liên quan đến vai trò, ơn gọi của người giáo dân, của đời sống hôn nhân trong đời sống Giáo hội. Tôi cũng đề cập những khó khăn, thử thách mà họ có thể gặp phải trong đời sống gia đình, trong đời sống hôn nhân. Và rồi, trước những thánh đố, khó khăn ấy họ cần làm gì, cần chuẩn bị gì để xây dựng và giữ gìn hạnh phúc của gia đình của mình. Khác hẳn với tâm trạng băn khoăn trước lúc vào lớp, tôi cảm thấy vui vì sự chia sẻ rất cởi mở và chân tình của mỗi người trong lớp. Khi bầu khí của cuộc gặp không hẹn này trở nên thoải mái, tự nhiên hơn một vài người trong lớp đã mạnh dạn quay sang hỏi tôi, hỏi về ơn gọi của tôi : Đi tu khi nào ? Tại sao đi tu ? Có gặp khó khăn thử thách ? Và những khó khăn ấy là gì?

Thay vì trả lời trực tiếp hai câu hỏi cuối cùng, tôi bộc bạch rằng chọn sống ơn gọi tu trì, đặc biệt là trong một xã hội hưởng thụ như ngày hôm nay, cũng giống như chọn ‘lội ngược dòng’ vậy. Và lội hay bơi ngược dòng đâu có dễ gì. Cũng như trong đời sống hôn nhân, gia đình, ơn gọi tu trì cũng có những khó khăn riêng của nó. Và tương tự, tôi chia sẻ với họ rằng, sống trọn niềm tin của mình, sống trọn ơn gọi của mình trong đời sống hôn nhân, trong một chừng mực nào đó, có khi họ cũng phải lội ngược dòng.

Một thực trạng đang xẩy ra tại nhiều nước phương Tây là càng ngày tỷ lệ người ly dị càng ngày càng cao. Chẳng hạn như ở Anh, theo một số thống kê thì cứ hai cặp lập gia đình thì có một cặp kết thúc bằng ly dị. Vì tỷ lệ cao như vậy và hơn nữa để tránh bao phiền toái mà việc ly dị mang đến, có không ít người trẻ chấp nhận tạm sống chung với nhau mà không qua một hình thức hôn thú chính thức nào, thích thì ở mà không ưa thì chia tay. Trước viễn cảnh mong manh của đời sống hôn nhân như vậy, có một số nữa không dám lập gia đình. Vâng đây vừa là một trào lưu và cũng là một vấn nạn mà xã hội đang phải đương đầu. Sống trong một môi trường như vậy, phải chăng việc thề hứa trọn đời gắn bó, chung thuỷ với nhau, ‘khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan’ là một thách đố đối với người trẻ Công giáo ngày hôm nay ? Và và phải chăng khi thiện nguyện thề ước với nhau và cố sống trọn lời thề ước đó họ cũng đang chấp nhận lội ngược dòng?

Sống trong một môi trường mà chủ nghĩa cá nhân được tôn sùng, sống trong một xã hội mà người ta chỉ nghĩ đến quyền lợi mà quên trách nhiệm của mình, thì việc hy sinh, việc dành thời gian cho con cái, chăm lo cho hạnh phúc gia đình cũng khác gì chọn lựa lội ngược dòng.

Một trong những điểm chung trong hôn nhân Ki tô giáo và trong ơn gọi tu trì là trong cả hai trường hợp, những người trong cuộc thề ước hay khấn hứa trọn đời thủy chung, suốt đời trung thành mà không biết chắc hay đoán trước được hoàn toàn những gì sẻ xẩy ra cho mình trong tương lai. Phải chăng đây là một sự mạo hiểm?

Lội ngược dòng quả thực không dễ. Sống trọn lời thề ước hay khấn hứa của mình trong đời sống hôn nhân, gia đình hay trong ơn gọi dâng tu trì trong một xã hội đang bị trần tục hoá quả là một thách đố. Nhưng điều đó, không có nghĩa là không thể được vì « với Thiên Chúa, thì tất cả mọi chuyện đều có thể » (Mt. 19 :26). Thiết nghĩ, nếu biết đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và luôn biết lặp lại lời thề hứa, nguyện ước của mình mỗi ngày chúng ta có thể vượt qua được những khó khăn, thử thách.

Bên cạnh khuynh hướng chấp nhận sống chung tạm bợ hay thích thì sống với nhau, không ưa thì dẫn nhau ra toà, hoặc chỉ nghỉ đến việc hưởng thụ và thoả mãn các nhu cầu riêng của mình … đang thịnh hành trong xã hội ngày hôm nay, có không ít bạn trẻ dám mạnh dạn lội ngược dòng; Họ không chấp nhận để cho những xu hướng, trào lưu chung ấy của xã hội lôi cuốn. Bằng sự hy sinh âm thầm, họ sống chứng tá của mình trong đời sống hôn nhân và gia đình. Hay với lòng quảng đại họ dám mạnh dạn dấn thân, phục vụ tha nhân trong ơn gọi linh mục, tu trì.

Đức Thánh Cha Gio an Phao lô II là một trong những vị Giáo hoàng luôn dành cho người trẻ Công Giáo một sư quan tâm và tin tưởng đặc biệt. Trong một lần đề cập đến giới trẻ Ngài đã chia sẻ :« Người trẻ, trai hay gái, biết rằng họ phải sống cho và sống với tha nhân. Họ biết rằng đời sống của họ chỉ có ý nghĩa thực sự khi nó trở thành một quà tặng nhưng không cho tha nhân. Và đây cũng là khởi điểm cho tất cả mọi ơn gọi, dù đó là ơn gọi linh mục, tu sỹ hay hôn nhân, gia đình ».

(Viết lại một vài suy nghĩ để gửi lại những anh chị trong lớp hôn nhân ấy và các bạn trẻ đang chuẩn bị vào đời).


Lộc Xuân.