HY VỌNG CHO NGƯỜI NGHÈO

“Bạn nghèo, bạn nghèo hãy sống ước ao. Bạn nghèo, bạn nghèo hãy sống khát khao Nước Trời. Bạn nghèo, bạn nghèo có Đức Ki-tô. Bạn nghèo, bạn nghèo được phúc đầy no ơn Trời.” Lời bài hát này có gợi cho ta suy nghĩ nào không? Phải chăng người nghèo cũng có quyền được ước ao hay khao khát một cái gì đó sao? Tại sao với Đức Ki-tô, người nghèo lại trở nên những người có phúc?


Nếu đọc một mạch cả chương 9 của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, tạm bỏ qua tất cả các tiêu đề của người phiên dịch, ta sẽ thấy một khung cảnh khá lý thú: Đức Giê-su tiếp xúc với đủ mọi hạng người thuộc nhiều thành phần xã hội Do-thái thời ấy. Trong đó, ta sẽ thấy ngoài những hạng người được xem là “giàu”, nghĩa là họ chẳng cần gì cả như các kinh sư, Pha-ri-sêu, phường kèn và đám đông ở nhà vị thủ lãnh, còn lại là những con người thiếu thốn một cái gì đó, chẳng hạn thiếu sức khoẻ như anh chàng bại liệt, người đàn bà bị băng huyết, viên thủ lãnh, hai anh mù, người câm bị quỷ ám và đám đông lầm than vất vưởng không người chăn dắt. Tương quan của Chúa Giê-su đối với những người này như thế nào? Người nghèo là ai đối với Chúa Giê-su? Và Người đã mạc khải điều gì cho con người chúng ta hôm nay?


Tin Mừng cho biết rằng chỉ những người nghèo mới muốn đến với Đức Giê-su. Sở dĩ như thế vì khi ở bên Người, họ cảm thấy thoải mái. Thậm chí họ còn can đảm giãi bày với Người tình trạng của họ, trong khi lẽ ra sự nghèo khổ thường khiến người ta trở nên khép kín, vì họ quá biết là không ai sẽ thực sự hiểu họ. Những người đau ốm và sầu khổ thường không muốn ra khỏi nhà. Thế mà bây giờ có người hiểu được họ: Giê-su người Na-da-rét.


Về phần mình, Đức Giê-su cũng đích thân đến với những con người nghèo khổ. Người đã hòa mình với “lũ tiện dân”, với những kẻ “bệnh hoạn” ít nhiều bị Thiên Chúa chúc dữ theo quan niệm thời ấy. Người không hề sợ mất thanh danh khi đến dự tiệc với “quân thu thuế và phường tội lỗi”. Quả vậy, Người bị coi như “một tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11,9).


Chúng ta vẫn nghe người đời thường nói: “Hãy nói cho tôi biết anh giao du với ai, tôi sẽ nói cho anh biết: anh là ai”. Nếu đúng như thế thì việc đi đến kết luận rằng Đức Giê-su là người tội lỗi cũng không xa mấy!!! Chắn chắn nhiều người Do-thái đã nghĩ như vậy. Điều đó cho thấy Đức Giê-su dấn thân một cách sâu xa như thế nào. Người không sống “cho” người nghèo bằng cách chỉ ở bên cạnh họ, ở ngoài thế giới của họ. Nếu làm như thế, có lẽ Người đã được người ta thán phục. Đàng này, Đức Giê-su đứng hẳn về phía họ đến nỗi bị coi như một người trong bọn họ.


Đối với Đức Giê-su, người nghèo không phải là một con số, cũng chẳng phải là một trường hợp, mà họ là một con người. Vì thế, Người phân biệt được người đàn bà bị băng huyết đã chạm đến áo Người ngay trong đám đông, và Người đã lập tức quan tâm đến bà. Tất cả những cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và những người nghèo khổ trong Tin Mừng đều là những cuộc gặp gỡ giữa người với người, thấm nhuần lòng kính trọng sâu xa mầu nhiệm của mỗi con người.


Khi đến với Đức Giê-su, người nghèo được Người mạc khải cho biết sự phong phú và giàu có của họ. Ta đừng vội tưởng người nghèo không có gì. Đối với Đức Giê-su, người nghèo là những người giàu có. Chính vì sống với những người nghèo khổ, gặp gỡ họ một cách sâu xa nên Đức Giê-su khám phá ra nơi họ một kho tàng quý giá. Đó là đức tin. Đức tin là báu vật duy nhất của người nghèo, vì đó là điều cần thiết nhất để được cứu rỗi. Và đó cũng chính là điều duy nhất mà chỉ người nghèo mới có được. Chúa Giê-su luôn mạc khải cho những người nghèo khổ được biết họ có đức tin, cũng như nói cho những kẻ tưởng mình đã có đức tin biết rằng họ là những kẻ kém lòng tin (Mt 6,30; 8,26; 14,31; 16,8; Lc 12,28).


Kể từ khi Đức Giê-su đến thế gian, người nghèo không còn là người đau khổ và tuyệt vọng nữa, vì họ đã có một kho tàng lớn lao là niềm tin vào Đức Giê-su và Tin Mừng của Người. Họ còn là những người đem Tin Mừng đến cho mỗi người chúng ta qua niềm tin đơn sơ và lòng phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa tình yêu.

TÚC TRƯNG, C.Ss.R.
(Trích ABBA số 169)