HƯƠNG VỊ ZERÔ VÀ KHOẢNG TRỐNG

Bạn có bao giờ nghĩ rằng "số không" hay "khoảng trống" thực sự rất có ý nghĩa hay không?

Và bạn có bao giờ nghĩ rằng cái "có" mà chúng ta tìm thấy lại nằm thấy ở trong cái "không" mà bạn tưởng chừng như vô nghĩa không?

Âm vị "zerô" giúp bạn phân biệt các âm tiết này với âm tiết khác. Bạn đã bao giờ nghĩ rằng chính cái âm vị "zerô" - chàng sún đó đã giúp bạn phân biệt HOA với HOAN hay với HOANG?

Khoảng trống của hàng cây cho ta biết nâng niu bóng mát.
Khoảng trống của nấm đất nhắc nhở sự hữu hạn của phận làm người.
Khoảng trống trong thành quách đền đài cho ta ký ức quá khứ.
Khoảng trống trong nồi cơm gợi nỗi ám ảnh về ngày giáp hạt.
Khoảng trống trong "không gian" cho ta nhìn thấu các tinh tú.
Khoảng trống trong mắt bạn, cảnh cáo ta đã làm điều gì sai trái.
Khoảng trống của một chỗ ngồi trong lớp học cho ta thương cảm một giọt mực đã lặng lẽ rơi ngoài cửa lớp.
Khoảng trống của một chiếc răng cửa xấu xí, nhắc ta kỷ niệm một thời mẫu giáo và trở thành "sinh viên lớp một".
Khoảng trống sân trường cho ta tiếc nuối một năm học đã qua cùng bao dự định, để chiếc lá vàng ngồi cô đơn trên ghế đá mơ về một ngày trời đất sang thu.

Con số "không" bé bỏng liệu có thể bỏ đi trong Đại số, Lượng giác, Thiên văn chăng? Thật lạ lùng là đằng sau cái vỏ "trống rỗng" kia, con số "không" lại là "chìa khoá" của toán học hiện đại.

"Không gian" không là gì, nhưng lại là điều kiện của mọi cái "có" "hiện hữu" trong "không gian". Và.. Nấm mộ trống của Đức Giêsu cho ta Dấu Chỉ Sự Sống Mới, sự sống trường tồn vĩnh cửu.

Cái biết đích thực âu cũng là biết mình không biết, chấp nhận mình "hóa ra không", và để chấp nhận "hóa ra không" thì nhất thiết phải biết "phá chấp" cho đến cùng.

Vượt qua cái "có" để đến cái "không" ấy không phải là "hư vô", nếu nó hư vô chắc hẳn chúng ta không tồn tại để suy tư về cái hư vô ấy. Có lẽ cái "không" ấy chính là một huyền nhiệm.

VÂN THẢO PHƯƠNG (trích từ Abba Nr. 114. 03/2003)

Trở về