Dưỡng sức hay phí sức

Có nhiều người chẳng tắm, chẳng phơi nhưng cũng thích ra bãi biển nằm, vừa đọc sách vừa thả hồn theo mây gió. Mục đích chính là tìm được sự yên tịnh, thoải mái, nhất là để quên đi những nặng nhọc, những căng thẳng, những áp lực nơi làm việc.

Trong khi rất nhiều người đi nghỉ để dưỡng sức lại có những người đi nghỉ để phí sức. Những năm trước đây, đa số dân Mít mình chưa quen với truyền thống đi nghỉ hè của tây phương, nhưng không nỡ bỏ phí những ngày nghỉ dẫu sao cũng là quyền lợi của mình.

Thay vì đi nghỉ ở một nơi nào đó, dân ta ngại tốn kém, nhất là những chàng độc thân vui tánh, kho bạc không có người quản lý cứ mạnh dạn ra đi chẳng do dự, chẳng cần xin phép, thành thử đồng vô thì ít mà đồng ra thì nhiều, còn đâu nữa để đi du hí nơi xa. Hơn nữa, những chàng độc thân đi chơi một mình cũng chẳng có gì hứng thú thôi thì „ở nhà ta uống bia ta, dù ngon dù dở bia nhà vẫn hơn“.

Thế là dân ta cứ hẹn hò đây đó, dăm ba chàng ngự lâm pháo thủ cùng nhau họp mặt. Đại hội bàn cãi sôi nổi đủ mọi vấn đề. Những đề tài có thể từ trên trời rơi xuống, có thể từ dưới đất chui lên. Để bàn cãi được hăng hái dĩ nhiên cần có nước đế thấm giọng. Những đại biểu quí phái họp mà uống nước thường thì mất thể diện, nên rượu, bia là những món giải khát hợp thời trang nhất.

Đại hội có khi kéo dài nhiều ngày vì những vấn đề khó giải quyết. Do đó các đại biểu tha hồ sáng say, chiều xỉn, tối nhâm nhi. Và đại hội chỉ kết thúc khi tất cả các đại biểu trở thành „nghị gật“, gật gà gật gù, nghĩa là không còn xí quách để phát biểu, để thấm giọng nữa.

Cũng có nhiều gia đình hẹn hò nhau đi nghỉ chung, cắm trại bên bờ biển. Ban ngày thì tắm biển nhưng cũng không quên „cải thiện“ những con sò, những con hào nằm ngổn ngang chắn lối đi. Những con sò hay hào xấu số này được dân ta „rước“ về trại để tối mở tiệc liên hoan. Sò hay hào nướng mà nhậu với „Rờ Mi“ hay ông già chống gậy thì nhất dương chỉ.

Sau những ngày nghỉ, trở lại những ngày làm thân trâu ngựa nhiều người cảm thấy mệt mỏi chán chường. Lúc đó mới : à, thì ra người ta nghỉ để dưỡng sức, còn mình nghỉ để phí sức.

Những năm gần đây dân ta đã học được cách nghỉ ngơi dưỡng sức của Tây rồi, nhưng có dịp thì cũng vẫn „xả láng sáng về sớm „ như thường.

Trong những ngày này rất nhiều gia đình cũng đang hoặc sắp nghỉ hè nơi này nơi kia. Xin cầu chúc mọi người có được những ngày thật vui tươi, thoải mái để lấy lại tinh thần và sức lực. Nghĩa là thực sự dưỡng sức chứ không phải phí sức.

Cù Lần

Niềm vui lớn nhất của học trò là được nghỉ hè. Cả năm miệt mài với sách vở, người học trò chỉ mong đến hè để có dịp quên đi sách vở, quên đi những bài tập, những bài thi làm nhức đầu, quên đi những lời la mắng của thầy cô. Những ngày hè là những ngày được rong chơi thoả thích : sáng không phải dậy sớm và tối cũng không cần đi ngủ sớm.

Những người lớn nai lưng kéo cày để nuôi lớp học trò cũng mong mỏi có những ngày nghỉ ngơi sau những năm tháng miệt mài với công việc. Dù làm việc trí óc hay làm việc tay chân mọi người đều cần có sự nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ hè hay thời gian nghỉ việc tùy thuộc luật lệ của mỗi quốc gia. Nhưng đa số được ấn định vào mùa hè, tức khoảng tháng 7 hoặc 8 hằng năm.

Tại các nước Âu Châu, vào những ngày nghỉ này người ta thường thích đi một nơi nào khác ngoài chỗ cư trú của mình, vừa để dưỡng sức vừa để tìm hiểu những điều hay điều lạ ở chỗ khác. Nhưng đa số đều thích tìm đến những nơi có bãi biển đẹp và nắng ấm.

Mục đích của nhiều người không chỉ tắm biển mà còn để phơi „thịt“ cho săn lại. Nhiều người cũng cầu mong trời nắng đẹp để có dịp phơi những „trái cam“, „trái bưởi“ lâu ngày cứ bị vùi trong cớm. Sau những ngày đi phơi về ai có làn da bánh mật thì cảm thấy hãnh diện và chứng tỏ cho người khác biết là mình đã đi nghỉ hè thực sự và đã đi đúng nơi, đúng chỗ. Không những thế, bạn bè thấy vậy cũng nể nang và khen ngợi.