Con số tám (8) và niềm tin

Số tám từ thời thượng cổ và cả bên Ðông phương là con số nói về hạnh phúc.

Số tám do hai số bốn(4) cộng lại. Số bốn là biểu tượng cho hình vuông góc cạnh đều nhau, như thế số này cũng chỉ về sự thứ tự. Số tám cũng được tạo thành do số hai lũy thừa với ba, một số chỉ về dung tích khối lượng (kubik). Số Tám do bởi hai số bốn cộng lại, mà số bốn là số chỉ về bốn phương hướng chỉ đường trong trời đất: Ðông Tây, Nam Bắc.

Ở vùng Babylon số tám chỉ về Thần Thánh. Vì người ta tin tưởng Thần Thánh ở trên tầng trời thứ tám. Người Trung Hoa cũng nghĩ rằng số Tám là số thánh. Trong niềm tin Ðạo Phật con đường đạt được sự thánh thiện giải thoát trong đời sống để tới cõi Niết Bàn (Nirvana) cũng có tám chặng.

Trong Kinh thánh Cựu ước số Tám là dấu hiệu sự khởi đầu mới lại. Tám người trong gia đình Ông Noach (Ông Noe, vợ Ông, ba người con trai cùng ba người vợ của họ) sau trận lụt đại hồng thủy còn sống sót ra khỏi tầu bắt đầu một sáng tạo đời sống mới trên mặt đất ( St 6,18).

Cũng theo Kinh Thánh Cựu Ước ngày thứ tám sau khi chào đời là ngày đứa bé trai phải được cắt bì, như một giao ước với Thiên Chúa và dấu hiệu sự thanh sạch (St 17,12).

Người con trai thứ tám của Isai là David. Từ David phát sinh một dòng giống mới. Từ thế hệ dòng giống này, bản tính con người Chúa Giêsu Kitô có nguồn gốc.

Chúa Giêsu rao giảng hiến chương Nước Trời với Tám mối phúc thật (Mt 5,3-10)

Tám ngáy sau khi sống lại từ cõi chết (GA 20,26) Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các Tông Ðồ lúc đó có cả Ông Thánh Toma. Tám ngày liền người tín hữu Chúa Kitô mừng Chúa Giêsu sống lại. Vào Chúa Nhật tuần lễ thứ tám sau lễ Chúa Phục sinh là ngày lễ mừng kính Ðức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Lễ Pentecoste hemera

Lễ Ðức Chúa Thánh Thần hiện xuống theo nguyên ngữ tiếng Hy Lạp “pentecoste hemera” = Ngày thứ 50. Như lễ Phục sinh, lễ này cũng có nguồn gốc từ Do Thái giáo. Bẩy tuần lễ sau Lễ Vượt qua - Passach, vào ngày lễ mừng thứ hai, tức ngày thứ 50. theo Kinh thánh thuật lại ( Lev. 23,11) của lễ đầu tiên mùa xuân được đem dâng cho Thiên Chúa.

Dịp lễ Tạ ơn - tiếng Do thaí: Schawuot- người tín hữu đem dâng bánh mì làm bằng lúa mới đầu mùa. Lễ tạ ơn đồng thời cũng là dịp lễ hành hương. Theo truyền thống đạo đức ( XH 23,14) mỗi người tín hữu đạo đức hằng năm phải 3 lần hành hương lên đền thánh Giêrusalem. Lễ tạ ơn – Schawuot là dịp hành hương thứ hai của người Do Thái và cũng là lễ kết thúc mùa mừng lễ Vượt qua – Passach.

Vào ngày lễ Tạ ơn – Schawuot – này, các Tông đồ cũng có mặt ở Giêrusalem: Vào ngày lễ Ngũ tuần ….Tại Giêrusalem có những người Do Thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. (Cv 2,5).

Theo Kinh Thánh sách Công vụ các Thánh Tông đồ thuật lại (Cv 2,1-13) các Tông đồ, môn đệ Chúa Giêsu sống co ro sợ hãi trong nhà đóng kín cửa. Bỗng chốc đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, như luồng gió mát, như ngọn lửa, trên các Ông. Các Ông trở nên người can đảm, thông thái, xuất hiện trưóoc mặt mọi người về mừng lễ Ngũ tuần, rao giảng nói về Chúa Giêsu Kitô.

Một luồng gió Thánh Thần Thiên Chúa thổi đến đổi mới các Ông!

Lễ Ðức Chúa Thánh Thần hiện xuống có liên quan chặt chẽ với lễ Phục sinh, mừng mầu nhiệm ơn cứu độ của Chúa Giêsu cho con người.

Lễ Ðức Chúa Thánh Thần hiện xuống 2005

Lm. Nguyễn ngọc Long