Câu chuyện bên buổi gặp gỡ

Khi hai người lần đầu tiên gặp gỡ nhau, những yếu tố như giống tính, tuổi tác, trình độ học hành, địa vị chỗ đừng trong xã hội, hoàn cảnh gia đình, tôn giáo, quốc gia chủng tộc…của họ ảnh hưởng rất nhiều đến diễn tiến cuộc gặp gỡ.

Họ không thể nhìn thẳng chân thành vào nhau, khi họ chưa vượt qua được bức tường ngăn cách giữa họ. Nhưng khi một bên mở cánh cửa, đi đến với người bên kia, lúc đó sự thông cảm hiểu biết tiến lại gần nhau sẽ dần được khai thông.

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và chị người Sa-ma-ri-ta cũng ở trong hoàn cảnh tương tự như thế (Ga,4.1-30). Cả hai đã gặp được nhau khi hàng rào xa lạ vể dân tộc gốc gác của hai người được tháo bỏ để sang một bên. Họ đã nói chuyện với nhau. Có thể nói Chúa Giêsu và chị Sa-ma-ri-ta là những người cùng bước đi vào con đường tìm hiểu thông cảm nhau. Qua đó hòa bình và ân đức bình an được chiếu tỏa lan rộng đi vào lòng con người.

Qua cuộc gặp gỡ bên bờ giếng Gia-cóp giữa Chúa Giêsu và chị Sa-ma-ri-ta, vai trò đấng cứu thế của Chúa được nhiều người biết đến: Ngài là đấng cứu thế cho mọi người, không phân biệt biên giới lãnh thỗ địa dư, mầu da chúng tộc, vị trí cùng giống tính. Ân đức bình an ban cho hết mọi người khao khát mong chờ vào Chúa Giêsu Kitô.

Chị phụ nữ xứ Sa-ma-ri-ta đã bỏ ngang cuộc nói chuyện với Chúa Giêsu bên bờ giếng. Chị chạy về làng không mang theo thùng nước. Chị về nói cho mọi người biết về Chúa Giêsu. Chị không dẫn họ đến nguồn nước ở lòng giếng. Nhưng chị đã dẫn họ tìm đến nguồn nước hằng sống cho tâm hồn niềm tin vào Chúa Giêsu.

Ông Bà, cha mẹ, những người làm gương chỉ dẫn đường sống làm người về đức tin trong đời ta, là những người dẫn chúng ta đến nguồn nước hằng sống cho đời sống tinh thần đạo giáo niềm tin, một nhu cầu cần thiết cho đời sống làm người có bình an hạnh phúc.

26.02.2005
Lm. Nguyễn ngọc Long