Lòng Chúa thương xót

Việc đạo đức kính lòng Chúa thương xót từ hai thập niên qua ngày càng lan rộng phổ thông trên khắp toàn thể Hội Thánh hoàn cầu.

Việc đạo đức này nói lên khát vọng ngay từ đầu đời sống ai cũng có nhu cầu cùng cảm nghiệm về lòng thương xót cho chính đời sống mình trước hết từ nơi cha mẹ mình, và dần trong đời sống từ nơi người chung quanh.

Việc đạo đức bình dân này thể hiện nhu cầu tinh thần thiêng liêng đạo tấm lòng tin tưởng sâu xa của con người vào ân sủng của lòng Chúa thương xót, Đấng là nguồn đời sống và lòng thương xót cho con người.

Vậy lòng thương xót là gì , và Kinh Thánh diễn tả lòng Chúa thương xót như thế nào?

Chúa Giêsu đoan hứa cho những ai sống có lòng thương xót:„ Phúc thay ai xót thương người, họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.“ Mt 5,7). Và cho cả những ai phải sống đau khổ trong nước mắt, những ai có lòng khoan dung thanh sạch, họ được Thiên Chúa ban cho an ủi lòng thương xót.

Lòng Chúa thương xót là sự tràn đầy từ nơi Chúa, sự tràn đầy của con người. Một đời sống có lòng thương xót chính là một đời sống của Thiên Chúa.

Lòng thương xót là một ngôn ngữ ( chữ) cổ có từ xa xưa trong dòng lịch sử đời sống con người trên trần gian.

Lòng thương xót trong Kinh Thánh Tân ước bằng tiếng Hylạp dùng chữ „eleos“ . Chữ này trong mỗi thánh lẽ Misa chúng ta đọc lên cầu nguyên nơi Kinh thương xót „ Kyrie eleison“ kêu cầu lòng Chúa thương xót xuống tha thứ tội lỗi .

Còn trong Kinh Thánh cựu ước dùng ngôn ngữ Do Thái chữ „hesed“. Chữ này được dịch hiểu là „ tình yêu“.

„Hesed“ lòng thương xót hay tình yêu thuộc về kho tàng ngôn ngữ của Kinh Thánh, biểu lộ tình yêu không hề nao núng của Thiên Chúa, một tình yêu luôn nâng đỡ không bao giờ bỏ rơi cộng đoàn dân của Người, cho dù thế nào đi chăng nữa:
„ Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay,
tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi,
giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay,
ĐỨC CHÚA là Đấng thương xót ngươi phán như vậy. „ ( Isaia 54,10)

Còn một chữ tiếng Do Thái nữa chỉ về lòng thương xót „ rahamin“. Chữ này cũng có nghĩa gần sát với chữ „hesed“, nhưng mang sâu đậm tình cảm hơn. Chữ này mang ý nghĩa „cung lòng người mẹ“. Lòng thương xót diễn tả sâu đậm tình cảm của tình yêu.
„Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình,
hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?
Cho dù nó có quên đi nữa,
thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.“ * Isaia 49,15).

Chữ này „rahamim“ cũng diễn tả lòng yêu thương của người cha với con mình ( Tv 103,13)và tình yêu anh em ruột thịt với nhau ( St 43,30).

Lòng thương xót trong ngôn ngữ Kinh Thánh diễn tả nét rộng rãi hơn là một khía cạnh suy tưởng về Thiên Chúa. Lòng thương xót là bản tính của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã nói về chính ngài: Ta là đấng hằng hữu“ ( Xh 3,14). Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.

Chúa Giêsu nói“ Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là đấng giầu lòng thương xót.“ ( Lc 6,36) là lời phản ảnh về giới răn cũ: „ Hãy sống thánh thiện như Ta là Thiên Chúa các người là đấng thánh.“ ( Levi 19,2). Như thế Chúa Giêsu đã cho sự thánh thiện bộ mặt lòng thương xót.

Lòng thương xót là ánh sáng phản chiếu bộ mặt Thiên Chúa trong đời sống con người. Thánh Basilius đã có suy niệm:“ Khi tỏ hiện lòng thương xót với người khác bạn trở nên giống Thiên Chúa.“. Lòng thương xót là khía cạnh con người của Chúa., và cũng là tương lai thần thánh của con người.

Đức giáo hoàng Benedictô XVI. đã có suy niệm phân tích: „ Sự công bằng và lòng thương xót, sự công bằng và tình yêu chỉ với con người chúng ta là hai thực tế khác biệt nhau. Vì con người chúng ta phân biệt rất tỷ mỉ giữa một hành động công bằng và một hành động tình yêu. Công bằng với chúng ta là điều gì một người còn nợ người khác. Trong khi đó lòng thương xót là nói điều gì tốt đẹp được thực hiện. Điều này đối nghịch hay loại trừ điều kia.

Nhưng với Thiên Chúa thì khác, không vậy“ nơi Ngài công bằng và tình yêu quy chung lại thành một. Không có hành động công bằng nào mà không có một hành động lòng thương xót và sự tha thứ. Và đồng thời không có hành động lòng thương xót nào mà không hoàn toàn công bằng.“

Tình yêu cha mẹ ban tặng dành cho con cái mình thể hiện qua lòng thương xót. Tình thương yêu của các ngài luôn hướng tới sự tha thứ, sự công bằng sao cho đời sống con mình được bằng an.

Tình yêu, lòng thương xót đó là ánh phản chiếu tình yêu, lòng thương xót thần thánh của Thiên Chúa từ trời cao xuống trên trần gian nơi công trình thiên nhiên của Người hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Lạy Chúa Giêsu con tín thác nơi Chúa!

Lm.. Daminh Nguyễn ngọc Long