Theo dấu vết lòng thương xót Chúa

Mùa Chay có những người từ bỏ không ăn ngọt, không uống rượu. Điều này tốt. Nhưng mùa chay không chỉ dừng lại ở nơi đó, mà còn nhiều hơn nữa.

Ngày thứ Tư lễ Tro, bắt đầu mùa Chay hằng năm, người tín hữu Chúa Kitô theo tập tục nếp sống trong Hội Thánh Công giáo được xức tro hình thánh gía trên trán hoặc trên đỉnh đầu.

Tro là hình ảnh nhắc nhở đến sự chóng qua, mặc dù con người chúng ta không mấy thích nhắc đến sự phù vân chóng qua giữa lúc còn đang tươi trẻ khoẻ mạnh sinh sống.

Tro là sản phẩm còn sót lại sau khi cây cỏ, than củi bị đốt cháy. Như thế trước khi có tro, đã có lửa cháy.

Nhưng với đời sống con người, cái gì, sự gì bị lửa đốt cháy để trở thành tro bụi?

Có thể là ngọn lửa của lòng nồng nhiệt hào hứng phấn khởi, của cảm giác, và của sự chờ đợi mong muốn, mà tất cả đã bị phá hủy đổ bể mang đến bụi tro thất vọng chăng?

Những kinh nghiệm, cảm nghiệm đó thúc đẩy bắt chúng ta sớm muộn yên lặng suy nghĩ lại, bình tâm tư lự đăm chiêu. Sự bình tâm suy nghĩ không là sự dừng chân, nhưng nó giúp ta dừng chân lại. Và đó là ý nghĩa của mùa chay.

Mùa chay muốn ta dừng chân lại để rồi quay trở về.Và như thế dẫn đưa đến ăn năn thống hối.

Khi lãnh nhận tro vị chủ tế đọc:“ Hãy trở về và tin vào phúc âm“ ( Mc 1,15). Lời này của Chúa Giêsu chỉ ra con đường làm thế nào để có thể chiến thắng được sự chóng qua, hầu đạt được sự bền vững.

Ăn năn thống hối luôn là lới kêu gọi của các Ngôn Sứ trong thời Cựu ước xa xưa đã có một truyền thống dài. Theo đó sự ăn năn thống hối mang ý nghĩa thay đổi hướng đi đời sống, để cho tâm hồn trái tim thay đổi biến hóa.

Nhà triết học người Do Thái Martin Buber có suy nghĩ:“ Ai sống lòng ăn năn thống hối, người đó lần theo dấu vết con đường của Thiên Chúa hằng sống.“

Dân Do Thái ngày xưa đã thu lượm được kinh nghiệm Thiên Chúa hằng sống, khi họ để cho được hướng dẫn đi qua vùng sa mạc 40 năm trở về quê hương đất nước Chúa hứa ban cho. Họ đã lần theo dấu vết con đường sự sống trong sa mạc, như Ngôn sứ Hosea diễn tả ý Chúa:“ Ta muốn dẫn chúng đi vào trong sa mạc và thố lộ tâm tình với chúng.“ (Hosea 2,16).

Sự trở về trong tâm hồn giúp con người sống khoan dung cởi mở cho sự căn bản chính yếu của đời sống, và nhìn nhận ra cách thế lèo lái gây xao lãng chuyển hướng, cùng con đường chạy trốn trong đời sống hằng ngày.

Trong dân gian có suy nghĩ : Ngảy thứ thứ Tư lễ Tro tất cả đều qua đi! Ý muốn nói đến những sự xa hoa hào nhoáng, ảo ảnh qua đi nhanh chóng chấm dứt như tro bụi.

Nhưng đó chưa phải là hết, là tiêu tan chấm dứt. Trái lại từ khởi điểm đó bắt đầu một khởi đầu mới: tìm kiếm dấu vết lòng thương xót Chúa cho sự sống mới bừng lên.

Lm.. Daminh Nguyễn ngọc Long