Thánh Phaolô tông đồ kính mến

Ngày xưa Thánh nhân, sau khi được Chúa Giêsu kêu gọi trên đường đi Damaskus bên Syria bắt bớ tiêu diệt Hội Thánh của Ngài, đã trở thành vị tông đồ hăng hái nhiệt thành rao truyền giáo lý của Chúa Giêsu cho mọi người lan rộng ra khắp nơi trên thế giới.

Bước chân truyền giáo của Thánh nhân đi tới đâu thành lập các Giáo đoàn Kitô hữu trải rộng khắp vùng tiểu Á châu sang tận vùng Âu Châu. Ngoài ra Thánh nhân còn viết để lại cho các tín hữu thời đó trong các Giáo đoàn tất cả 14 bức thư mục vụ do chính tay viết. Còn 13 bức thư mục vụ khác được các học trò của Thánh nhân viết theo ý cùng nhân danh Thánh nhân.

Những bức thư Thánh nhân viết lúc đó, theo con nghĩ Thánh nhân muốn viết riêng cho nơi đó thôi. Nhưng những thông tin, những khuyên răn, chỉ dạy về giáo lý của Chúa Giêsu Kito lại trở thành những bản văn căn bản cho lịch sử cùng nội dung giáo lý trong Hội Thánh lúc đó và bây giờ cùng trong tương nữa.

Vì qua những bức thư đó mà trong dòng thời gian Hội Thánh, cùng những nhà nghiên cứu đạo đời lần tìm ra dấu vết con đường lịch sử Hội Thánh Công giáo sinh hoạt từ thuở ban đầu như thế nào.

Và quan trọng hơn nữa, qua bức thư thứ nhất của Thánh nhân gửi Giáo đoàn viết vào khoảng những năm 54-56 sau Chúa giáng sinh, là tài liệu giáo lý của Hội Thánh Chúa Kitô đầu tiên được viết thành văn bản chữ viết lịch sử lưu truyền cho mọi thế hệ. Điều này ălà kho tàng rất qúy báu cho Hội Thánh và nhân loại. Đang khi Phúc âm giáo lý của Chúa Giêsu Kito do Thánh Marco viết muộn hơn 10 năm vào khoảng năm 65-66 sau Chúa giáng sinh.

1. Trong bức thư này Thánh nhân đã viết lại những Lời Chúa Giêsu đã nói khi lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly sau cùng trước khi Ngài chịu chết.

„Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh,24 dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.“
25 Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."26 Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.“ (1. Corintho 11,23-26.)

Như thế, có thể nói Thánh nhân là người đầu tiên mở ra con đường dạy giáo lý cho mọi người biết về Bí Tích Thánh Thể của Chúa Giêsu Kitô rộng rãi trong toàn thể Hội Thánh thuở ban đầu cùng trong dòng lịch sử Hội Thánh. Và qua đấy Bí tích truyền chức thánh Linh mục trong Hội Thánh như ý Chúa Giêsu muốn cũng được loan truyền rộng rãi ra.

Sau hai mươi mốt thế kỷ, giáo lý của Chúa Giêsu Kito được loan truyền rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Nhưng ngày nay, trừ Hội Thánh công giáo Roma ra, nhiều chi nhánh Hội Thánh xưng nhận mình là Hội Thánh Chúa Kitô xem ra lơ là với Bí Tích Thánh Thể Chúa Giêsu, và với Bí tích chức Linh mục.

Việc tôn sùng kính trọng Bí Tích Thánh Thể ngay trong các xứ đạo Hội Thánh Công giáo Roma ngày nay cũng đang suy giảm nhiều. Hầu như tập trung vào việc mừng lễ chung họp gặp gỡ nhau bên bàn tiệc hơn là kính trọng mừng kính mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể là lương thực cho đức tin tâm hồn. Nhiều khi có cảm tưởng là một lễ hội mừng vui nhiều hơn là mang chiều sâu tâm linh thánh thiêng???

Không biết nhìn như thế, tầm hiểu như vậy có đúng hay có hợp với tâm tính thời đại con người không?

2. Trong bức thư này, Thánh nhân còn diễn tả cụ thể hình ảnh chiều tương quan thiêng liêng giữa các thành phần dân Chúa khác nhau trong Hội Thánh của Chúa Giêsu.

„Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy.13 Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.“ 1. Corintho 12,12.

Trong Hội Thánh Công giáo bao gồm nhiều thành phần khác nhau, nhiều khả năng đa dạng khác nhau, nhiều Charimen ơn gọi phần vụ khác nhau. Nhưng cùng chung hợp trong một Hội Thánh duy nhất của Chúa Giêsu Kito. Duy nhất trong muôn mầu đa dạng.

Hình ảnh một Hội Thánh như thế thật đẹp cùng sống động, như cách kiểu nói „ trăm hoa đua nở“.

Để cho được hợp nhất, không bị phân tán chia rẽ theo óc suy nghĩ địa phương, Hội Thánh Công giáo Chúa ở Roma hằng ra sức gìn giữ giềng mối liên kết các Hội Thánh địa phương với Hội Thánh mẹ trung tâm ở Roma biểu tượng qua Đức giáo Hoàng người kế vị trên ngai ghế tòa Thánh Phero.

Và Hội Thánh Công giáo Roma hằng cổ võ nâng đỡ công việc đại kết thông thương giao hảo tốt với các Tôn giáo khác như với Chính Thống giáo, Tin Lành, Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo…

Con đường đại kết thông thương giao hảo đó tốt cho đời sống giữa con người với nhau, cho nếp sống hòa bình trong xã hội. Nhưng lại đặt ra không ít vấn đề như về thần học, về cách sống đức tin, về luân lý, nhiều khi lại gần như trái chiều với nhau…

3. Không biết ngày xưa thời Thánh nhân, con người quan niệm sinh sống thế nào về nếp sống hôn nhân. Chúng con tin rằng lành mạnh, phát triển điều hòa. Nhưng dẫu vậy Thánh nhân cũng đã viết cho họ những lời khuyên răn làm chuẩn mức định hướng cho nếp sống gia đình hôn nhân:

„Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng,11 mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ“. 1. Corintho 7, 10/11

Xưa nay theo nếp sống được công nhận cổ võ và là thiên nhiên như Thiên Chúa ngay từ đầu đã ấn định cho con người, cùng được luật lệ xã hội con người công nhận. Và cho đó là cơ sở căn bản cho đời sống xã hội con người. Đó là nếp sống hôn nhân giữa một người đàn ông và một người phụ nữ. Từ nếp sống căn bản đó hai người đàn ông và phụ nữ bổ túc cho nhau trong tình yêu. Và từ đó nảy sinh tiếp tục sự sống mới là những người con do họ sinh ra.

Như thế dòng dõi con người được nối tiếp vào ngày mai không chỉ về phương diện sinh vật học, mà còn về phương diện tinh thần giáo dục nữa.

Ngày nay trong thế giới xã hội đa dạng theo thị hiếu cảm tính càng có nhiều ý nghĩ khác nhau về nếp sống hôn nhân. Có ý kiến cho rằng hôn nhân phải mở rộng cho mọi giới người. Ý kiến này không còn muốn nhìn nhận hôn nhân dưới dạng thái chỉ dành cho người đàn ông và ngưởi phụ nữ. Nhưng cho rằng hôn nhân dành cho cả hai người cùng giới tính người đàn ông với người đàn ông, người phụ nữa với người phụ nữ.

Đây là vấn đề tế nhị khó khăn làm đảo lộn trật tự thiên nhiên, gây tranh cãi cùng chia rẽ khá sâu rộng trong đạo cũng như ở đời. Phải chăng một trật tự mới về hôn nhân đang dần thành hình cùng thắng thế trong nếp sống xã hội?

Không mong như thế, cùng không chấp nhận như thế theo thị hiếu cảm tính hay thay đổi trong dòng thời gian thời đại. Vì nó đi ngược lại trật trự tự nhiên mà Thiên Chúa đã sắp đặt cho công trình sáng tạo!

Ngoài ra nếp sống gia đình hầu như lún sâu trong tình trạng khủng hoảng đưa đến ly dị ngày càng nhiều, cùng là một thảm cảnh cho các trẻ em trong gia đình. Đức giáo hoàng Phanxico đã nói về tình trạng ly dị trong gia đình hôm 24.06.2015 vừa qua:

„Các lời nói, các hành động và các thiếu sót, thay vì diễn tả tình yêu thương, thì lại lấy mất đi, hay tệ hại hơn, gây khổ đau cho tình yêu thương. Khi các vết thương này còn có thể sửa chữa được, chúng bị lơ là, trở nên trầm trọng và biến thành các ưu quyền, sự thù nghịch và khinh rẻ. Và lúc đó chúng có thể trở thành các xâu xé sâu đậm, chia rẽ vợ chồng, và dẫn đưa tới chỗ tìm ở nơi khác sự cảm thông, nâng đỡ và an ủi….

Chúng ta cảm thấy sức nặng của quả núi đè bẹp tâm hồn một trẻ em, trong các gia đình, trong đó người ta đối xử tàn tệ với nhau và làm cho nhau đau khổ, cho tới chỗ bẻ gẫy mối dây liên kết của sự chung thuỷ hôn nhân? Các lựa chọn của chúng ta có sức nặng nào trên tâm hồn của các trẻ em? Có sức nặng nào trong các lựa chọn của chúng ta – các lựa chọn sai lầm chẳng hạn, có sức nặng biết bao nhiêu trên tâm hồn của các trẻ em?
Khi các người lớn mất lý trí, khi mỗi người chỉ nghĩ tới chính mình, khi cha mẹ làm cho nhau đau khổ, tâm hồn của trẻ em đau khổ rất nhiều, nó cảm thấy tuyệt vọng. Và chúng là các vết thương để lại dấu vết suốt cả cuộc đời…

Đàng khác, cũng đúng thật là có những trường hợp, trong đó sự chia ly không thế tránh được. Đôi khi nó có thể trớ thành cần thiết trên bình diện luân lý, khi người ta tìm lấy khỏi người phối ngẫu yếu duối hơn, những đứa con còn bé khỏi các vết thương trầm trọng hơn, bị gây ra bởi ưu quyền và bạo lực, sự nhục nhã và khai thác bóc lột, sự xa lạ và thờ ơ…“ Vatican Bài giáo lý 24.06.2015.

4. Sau cùng Thánh nhân đã chỉ ra cung cách sống lành mạnh cho tinh thần, cho đời sống đạo đức được luôn tỉnh thức dẻo dai. Đó là nếp sống kiên trì chiến đấu. Thánh nhân đã dùng hình ảnh người chạy đua trên thao trường để đoạt giải phần thưởng.

Trên thao trường Olympia hay các thi đua trong từng quốc gia, từng châu lục, hay trên thế giới, huy chương đoạt giải là vinh dự phần thưởng cao qúi cho người lực sĩ thi chạy về tới đích điểm nhanh lẹ nhất. Muốn được như thế họ phải kiên trì luyện tập cùng phải giữ kỷ luật tập luyện cũng như chạy thi đấu.

Cho đời sống tinh thần đạo đức cũng vậy. Nhưng huy chương phần thưởng tinh thần thiêng liêng còn cao qúi hơn huy chương phền thưởng vàng bạc nhiều:

„Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng.25 Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát.“ 1. Corinthe 9, 24/25.

Xin cám ơn Thánh nhân về căn bản thần học giáo lý về Bí Tích Thánh Thể, về Bí tích truyền chức Linh mục, những chỉ dẫn đạo đức tinh thần rất cần thiết cho đời sống đức tin hướng tới Thiên Chúa, hướng về trời cao, cùng đời sống làm người trong những tương quan xã hội con người với nhau.

Con không biết ,nếu bây giờ Thánh nhân trở lại trần gian truyền giáo cho con người ngày nay, Thánh nhân sẽ nói hay viết cho con người chúng con ngày nay như thế nào?

Nhưng những bức thư của Thánh nhân viết từ hai ngàn năm nay gửi cho các Giáo đoàn luôn còn là những hướng dẫn sống động căn bản về giáo lý cho Hội Thánh Chúa Giêsu, cho nếp sống tinh thần đức tin của người tín hữu Chúa Kitô. Cho dù con người xã hội ngày hôm nay có những suy nghĩ ý kiến mới lạ khác biệt với giáo lý của Chúa, của Hội Thánh.

Con xin cám ơn Thánh nhân. Và xin Thánh nhân phù hộ cho Hội Thánh Chúa ở trần gian, cùng cho mọi người tín hữu Chúa Kitô trong Hội Thánh Chúa Giêsu.

Người tín hữu Chúa Kitô.

Lễ kính Thánh Phaolo tông đồ, 29.06.2015

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long