Hướng về trời cao

Sang hành hương đất thánh đi tìm lại những dấu vết địa lý lịch sử nơi Chúa Giêsu ngày xưa cách đây hơn hai ngàn năm đã sinh sống trải qua, người ta còn tìm thấy ở nhiều nơi trên khắp nước Do Thái.

Một trong những địa điểm lịch sử đó là nơi Chúa Giêsu từ gĩa các Tông đồ cùng trần gian trở về trời bên đức Chúa Cha. Nơi đó ở trên đỉnh núi Cây Dầu trong thành phố cổ Giêrusalem. Nơi đây còn lại di tích một đền thờ. Trong lòng đền thờ bây giờ do Hồi Giáo quản trị, có một chỗ lũng xuống nền nhà hình chữ nhật. Theo tương truyền nơi đây Chúa Giêsu, 40 ngày sau khi sống lại từ cõi chết đã đứng lần sau cùng trên mặt đất, và nhẹ nhàng được cất lên bay về trời.

Khách hàng hương tới đây ai cũng cúi mình xuống lấy tay rờ xoa chỗ này đang khi cầu nguyện.Có phái đoàn còn đọc Kinh Lạy Cha để tưởng nhớ biến cố về trời của Chúa Giêsu. Nhưng thời giờ được dừng lại nơi đây rất giới hạn. Vì không gian nhỏ chật hẹp, đông người xếp hàng chờ vào, nên không được dừng lại lâu.

Nguồn gốc thần học kinh thánh

Trong Kinh Thánh Cựu ước cũng đã thuật lại Ông Henoch sống 365 tuổi thì được Thiên Chúa đem đi lên trời. ( Sách Sáng Thế 5,24).

Ngôn sứ Elia được đưa lên trời trong cơn gío lốc thổi. ( Sách 2. Các Vua 2,11.)

Sau này, trong đạo Do thái cũng tin rằng Thánh Ngôn sứ Maisen và Ngôn sứ Isaia cũng được đưa về trời như Ngôn sứ Elija.

Lễ Chúa Giêsu lên trời hay lễ Chúa trở về trời có nguồn gốc thần học trong Kinh Kinh Thánh.

Các Thánh sử Marco 16,19-20, Thánh sử Luca 24,50-53 và Sách Công Vụ các Tông đồ 1, 1-11, đều thuật lại biến cố Chúa Giêsu lên trời trước mặt các Thánh tông đồ, sau khi đã sai các Tông đồ là Giáo Hội đi rao giảng làm chứng cho nước Thiên Chúa cho con người khắp mọi nơi trên thế giới. Từ ngày đó, Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô được loan báo rộng rãi trên địa cầu.

Như thế chúa Giêsu trở về trời không là chấm dứt chương trình mang ơn cứu chuộc của Chúa cho con người. Nhưng trái lại vẫn hằng được tiếp tục luôn mãi trong hiện tại cùng tương lai ngay giữa lòng đời sống xã hội con người.

Chúa Giêsu lên trời theo tiếng cổ Hy lạp ἡ Ἀνάληψις τοῦ Κυρίου có nghĩa " Chúa được thâu nhận" . Theo tiếng Latinh " Ascensio Domini" mang ý nghĩa "Chúa lên trời", hay còn gọi là " Chúa thăng thiên".

Nhưng xét cho cùng đều diễn tả đức tin Kitô giáo là sự trở về của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, bên Đức Chúa Cha trên trời.

Đức tin vào Chúa Giesu trở về trời đã có lịch sử ăn rễ sâu trong các sử sách của Giáo Hội thời ban đầu, và đã trở thành lời tuyên xưng đức tin, như nơi các Giáo phụ Polykarpo thành Smyrna, Justino, và Giáo phụ Ireneus thành Lyon.

Đức tin vào Chúa Giêsu về trời được định nghĩa rõ ràng trong kinh Tin kính của giáo hội Công giáo Roma từ thế kỷ thứ ba năm 325 và Công Đồng Nicea năm 381.: "Người lên trời , ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và người chết."

Phụng vụ và tập tục

Ngày lễ trọng mừng kính Đức Chúa Giêsu lên trời có trong phụng vụ của Gierusalem từ năm 383-384. Ngày lễ mừng này đặt trên nền tảng theo như tường thuật trong Phúc âm : 40 ngày sau khi Chúa Giêsu sống lại, Ngài trở về trời, và 10 ngày trước lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Nhiều nơi có tập tục ba ngày trước lễ Chúa Giêsu lên trời vào buổi sáng sớm hay có nơi vào buổi chiều, rước kiệu đọc kinh cầu các Thánh xin ơn cho được mưa thuận gió hòa mùa màng thu hoạch được kết qủa tốt đẹp.

Nhiều xứ đạo bên Việt Nam còn giữ nếp sống tập tục đức tin truyền thống, vào trưa ngày lễ Chúa Giêsu lên trời, giáo hữu tụ tập vào thánh đường đọc 33 kinh Tin Kính nhắc nhớ lại 33 năm Chúa Giêsu ngày xưa đã sinh sống làm người trên trần gian trước khi trở về trời. Tập tục đạo đức bình dân này nói lên lòng tin mạnh mẽ của con người vào mỗi giai đoạn lịch sử ơn cứu độ của Chúa Giêsu mang đến cho con người.

Dấu chân lịch sử Chúa Giêsu còn in khắp nơi trên nền đất đá ở bên nước Do Thái. Như chiếc cầu thang Thánh với những tấm phiến đá tảng chỗ nhà dinh Thượng tế Caipha, nơi Chúa Giêsu bị điệu đi leo trên đó bị xét xử, nơi $ng Phero chối Chúa, rồi bị giam vào ngục tối còn đó. Như chỗ tàng đá lũng sâu trên nền nhà nơi Chúa Giêsu đứng rồi lên trời...

Khách hành hương, người khảo cứu tìm đến đó để nghiên cứu, cùng muốn xây dựng lại cảnh tượng lịch sử cấu trúc xưa kia của Chúa Giêsu trong tâm trí. Nhưng đó không phải là theo dấu chân Chúa.

Chúa Giêsu trong suốt 3 năm rao giảng nước Thiên Chúa ở nước Do Thái đã không dừng lại một nơi chốn nào để an cư lạc nghiệp. Trái lại, Ngài luôn di chuyển đi đến với con người khắp mọi nơi từ miền Bắc xuống miền Nam nước Do Thái.

Trước khi trở về trời, Chúa Giêsu sai truyền các Tông đồ, Giáo Hội, những người tin theo Chúa: Hãy ra đi đến với con người loan truyền cho họ tình yêu nước Thiên Chúa cho đến tận cùng mọi biên giới trái đất: biên giới về địa lý hình thể, biên giới về thời gian, biên giới về văn hóa đời sống con người, biên giới về tâm lý đời sống con người, biên giới về sinh hoạt cùng thân phận đời sống của con người.

Đó là sứ điệp lễ Chúa Giêsu lên trời: Hướng về trời cao từ nơi mặt đất.

Lễ Chúa Giêsu lên trời 2015

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long