Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ

„Ông có phải là Vua dân Do Thái không?“

Trong các quốc gia, khi một ai được các vị đại diện dân cử bầu chọn làm Thủ Tướng, vị đứng đầu Quốc Hội theo luật lệ Hiến pháp hỏi người đó : Ngài có chấp nhận kết qủa được bầu chọn không?

Nơi nhiều sinh hoạt của các đoàn thể đời và tôn giáo, vị được chọn bầu là Chủ tịch hay Hội trưởng, cũng được hỏi xem có nhận kết qủa được bầu chọn không.

Cả Đức Giáo Hoàng, vị đại diện Chúa Giêsu ở trần gian, khi được các cử tri Hồng Y bầu chọn, cũng được hỏi xem ngài có bằng lòng nhận kết qủa được bầu chọn không.

Nơi các quốc gia theo chế độ vua chúa quân chủ không có thể thức hỏi vị Vua theo thói tục cha truyền con nối có chấp nhận làm vua không. Và cũng chẳng ai hỏi ngài có phải là vua không.

Nhưng nơi Chúa Giêsu Kitô lại khác. Quan tổng trấn Philato đặt câu hỏi hoài nghi Chúa Giêsu: „ Ông có phải là Vua dân Do Thái không?“ (Ga 18, 33-37)

Chúa Giêsu đã trả lời: Tôi là Vua, nhưng nước tôi không thuộc thế gian này!

Ngài là vua như thế nào mà sao lại bị người ta hỏi như thế?

Lịch sử lễ Chúa Kitô Vua

Giáo hội Chúa Giêsu ở trần gian kính thờ Chúa là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ linh hồn con người khỏi hình phạt do tội nguyên tổ gây ra.

Gíao hội luôn hằng tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là tình yêu, là ánh sáng cho đời sống tinh thần con người.

Chúa Giêsu Kitô là đức tin và niềm hy vọng cho con người sau cuộc sống trên trần gian được cùng sống lại với Ngài trên thiên đàng ở đời sau.

Nhưng trong dòng thời gian lịch sử của Giáo hội, từ khi Chúa Giêsu thành lập Giáo hội năm thứ 1. sau Chúa giáng sinh, mãi đến thời Đức Giáo hoàng Pio XI. ngày 11.12.1925 mới thiết lập ngày lễ chúc tụng mừng kính Chúa Giêsu Vua, dịp kết thúc Năm Thánh kỷ niệm 1600 năm Công đồng Nizea. Từ ngày đó lễ này được mừng kính hằng năm trong đời sống Giáo hội Công giáo.

Đến năm 1970 Phụng vụ Giáo hội được cải tổ lại. Vì thế lễ mừng kính Chúa Giêsu Vua được mừng vào Chúa nhật cuối cùng tháng 10. hằng năm, và cũng là chúa nhật kết thúc năm phụng vụ trong nếp sống của Giáo hội Công giáo.

Tuyên nhận Chúa Giêsu là Vua, nhưng là vua của đức tin, trong nghi lễ phụng vụ tôn giáo.

Nền tảng đạo đức thần học

Lễ mừng kính Chúa Giêsu Kitô là Vua không đặt trọng tâm nơi uy quyền sức mạnh như của một vị vua cai trị một quốc gia đất nước. Nhưng đặt căn bản trên nền tảng của chính lời Chúa Giêsu đã nói với quan Philato: Tôi là vua, nhưng Nước tôi không thuộc về thế gian này!

Như thế, Chúa Giêsu muốn nói: Ngài là vua toàn thể vũ trụ, bao trùm tất cả công trình sáng tạo của Thiên Chúa trên trời cũng như dưới mặt đất. Và sau khi từ cõi chết sống lại Chúa Giêsu đã khẳng định: Thầy được ban toàn quyền hành trên trời dưới đất . (Mt 28,18).

Vậy quyền hành sức mạnh của Chúa Giêsu vua vũ trụ đặt nền tảng trên sự gì?

Đó không phải là quyền hành sức mạnh của vũ khí quyền lực thống trị như trên trần gian. Nhưng là sức mạnh thiêng liêng thần thánh, là đem đến sự sống vĩnh cửu, là giải thoát tâm hồn con người khỏi tội lỗi sự dữ, là thống trị chiến thắng sự chết do tội lỗi gây ra.

Sức mạnh của Chúa Kitô vua là tình yêu, là bình an cùng niềm hy vọng cho tâm hồn con người.

Xưa nay nói đến vua chúa,

chúng ta nghĩ ngay đến uy quyền sức mạnh tối thượng cai trị, đến những người phục dịch, những đạo quân canh gác bảo vệ ngày đêm suốt đời.

chúng ta tưởng tượng đến cung điện lộng lẫy nguy nga giầu có sang trọng.

chúng ta liên tưởng đến đến lễ nghi huy hoàng tráng lệ, đến những đặc quyền miễn trừ của cung điện gia đình vua chúa.

Nhưng vua Giêsu Kitô không có những cái đó.

Ngài sinh ra trong trần thế nghèo hèn giữa cánh đồng trong chuồng thú vật, sống như Ngài nhận “ Không có gối dựa đầu“, và sau cùng chết bị kết án đóng đinh vào thập gía. Tất cả vì tình yêu Thiên Chúa và cho con người.

Vì thế người ta hoài nghi mới hỏi: Ông có phải là vua không?

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long