Giả như nếu không có Thiên Thần…

Không ai là con người đã tận mắt nhìn thấy một Thiên Thần nào. Nhưng chúng ta cảm nghiệm thầy có sự gì linh thiêng. Phải một ai đó hằng cùng đồng hành với ta trong mọi bước đường đời sống. Theo đức tin chúng ta gọi ai đó là ThiênThần.

Vậy đời sống con người chúng ta sẽ ra sao, giả như nếu không có Thiên Thần? Thắc mắc này có thể được nêu ra nhân ngày lễ kính nhớ các các vị Tổng lãnh Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael ngày 29.09. và ngày lễ kính nhớ Thiên Thần bản mệnh hằng năm vào ngày 02.10.

Nhạc sĩ Johann Sebastian Bach, một nhà soạn nhạc thời danh cho đại phong cầm thời cổ điển, trong một tác phẩm nhạc đã viết lời ca : Hỡi các Thiên Thần hãy ở lại , xin các vị ở lại với tôi.

Kinh nghiệm cùng cảm nghiệm xưa nay nói với chúng ta, đời sống mà không có Thiên Thần, sức mạnh thiêng liêng cùng đồng hành, coi như sự gì quan trọng cần thiết cho đời sống thiếu sót vậy.

Đức tin và cảm nghiệm thiêng liêng nói cho hay Thiên Thần, dù ta không trông thấy, là Vị Sứ Giả của Trời cao sai đến để gìn giữ che chở con người.

Nhà thần học Tin Lành Claus Westermann nói lên tâm tư: „ Nếu không có Thiên Thần được sai đến trần gian, thế giới này sẽ đi xuống mau tàn lụi. Bao lâu Thiên Chúa gìn giữ che chở trái đất, Người hằng gửi sai Thiên Thần đến.“.

Kinh Thánh khi nói về Thiên Thần, vẽ ra hình ảnh một nhân vật trung gian thiêng liêng giữa trên cao và bên đưới, giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người.

Trong thánh kinh cựu ước hình ảnh Thiên Thần được nói nhắc tới 120 lần.

Trong kinh thánh tân ước sự hiện diện của Thiên Thần được diễn tả thuật lại là điều kiện hiển nhiên. Thiên Thần có mặt trong đêm Chúa Giêsu giáng sinh làm người, Thiên Thần hiện đến an ủi nâng Chúa Giêsu trong vườn hấp hối Gietsimanie, Thiên Thần canh mộ Chúa Giêsu.

Thiên Thần là Sứ Giả thiêng liêng của Thiên Chúa, dù họ là Tổng lãnh Thiên Thần hay Thiên Thần bản mệnh của mỗi người. Thiên Thần như thế khác nào là nhịp cầu nối liền giữa trời và đất, giữa trên cao và sâu thẳm bên dưới.
Theo hình ảnh đó, nghệ thuật Kitô giáo trình bày Thiên Thần có đôi cánh bay lượn giữa hai nơi từ trên cao xuống bên dưới, giữa Thiên Chúa và con người.

Hình ảnh mường tượng này có từ hằng thế kỷ nay, và chỉ có ý nghĩa nâng đỡ trí tượng tượng thôi. Đẹp thi vi thơ mộng, nhưng không là điều bắt buộc phải tin nhận như thế.

Các vị Tổng Lãnh Thiên Thần có những hình ảnh dấu chỉ thật rõ nét đầy uy lực.
Tổng lãnh Thiên Thần Michael có tước hiệu: Ai bằng Thiên Chúa?

Tổng lãnh Thiên Thần Raphael có danh hiệu:Thiên Chúa chữa lành.

Tổng lãnh Thiên Thần Gabreil có tênn xưng: Người tôi tớ của Thiên Chúa.

Tên ba vị tổng lãnh Thiên Thần đều ẩn có tên của Thiên Chúa El, dạng rút gọn cho Elohim. Với sự hiện diện của các Thiên Thần, Thiên Chúa đến có mặt trong đời sống con người ở trần gian.

Rồi trong đời sống, chúng ta đã có lần thấy tận mắt hay chính mình đã trải qua một tai nạn xe hơi xảy ra. Chiếc xe bị hư hại hầu như hoàn toàn. Nhưng người lái xe chui ra khoi xe an toàn không một vết thương nơi thân mình. Chúng ta ai cũng kêu lên: ồ người đó có một Thiên Thần bản mệnh qúa lớn che chở cho mới được như vậy.

Qua sát một em bé chạy ngã tè nằm xoài trên nền đất kêu la khóc lóc đòi cha mẹ. Nhưng khi mẹ em bế em lên, toàn thân em an toàn không có vết thương tích gì xảy ra. Lẽ dĩ nhiên em bị hoảng hốt nên kêu la là chuyện thường thôi. Thiên Thần bản mệnh của em bé nâng đỡ gìn giữ em được an toàn lành mạnh không bị thương tích gì.

Hình ảnh Thiên Thần bản mệnh nói lên khía cạnh lòng khao khát mong đợi của tâm hồn con người được che chở bảo vệ trước sự dữ, sự xấu đe doạ đời sống.

Và hình ảnh Thiên Thần bản mệnh cũng nói lên, chính con người theo lương tâm ngay thẳng chặt chẽ được nhắc bảo: hãy canh chừng đừng làm gây ra sự dữ sự xấu cho người khác.

Chúng ta cần Thiên Thần bản mệnh, Sứ giả của Thiên Chúa gìn giữ bảo vệ đời sống con người được an lành.

Nhưng con người chúng ta cũng cần nhau. Vì mỗi người cũng là „Thiên Thần bản mệnh cho nhau“ trong đời sống, khởi đầu từ trong gia đình giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em, giữa bạn bè, giữa con người với nhau trong xã hội.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long