Gắn bó với đức tin Công giáo

Là công dân một quê hương đất nước dân tộc, dù sống ở nơi đâu vào hoàn cảnh nào, hầu như ai cũng nặng lòng với quê hương dân tộc của mình, như tâm niện trong dân gian: „Uống nước nhớ nguồn“, hay „ Ăn cây nào rào cây đó“.

Là thành viên của gia đình, tâm tình gắn bó còn tha thiết đậm đà hơn nữa với Tổ tiên Ông Bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, họ hàng. Gia đình là tế bào nguồn gốc đời sống con người từ khi thành hình hài sự sống trong cung lòng mẹ cha cùng suốt dọc đời sống.

Là người tin nhận thuộc về một niềm tin tôn giáo linh thiêng, lòng gắn bó với đạo giáo cũng tha thiết sâu đậm. Vì đó là phương hướng tâm linh cho đời sống tinh thần con người. Chính yếu tố tâm linh tình yêu này giúp cho tinh thần được phát triển quân bình lành mạnh trong những khúc đường lên xuống của đời sống.

Các bậc tiền nhân, cha ông, những người mẹ, người chị, người anh, người em ngày trước đã sống là những nhân chứng về lòng gắn bó yêu quê hương tổ quốc, lòng trung thành với đức tin đạo giáo. Họ là những gương mẫu sống động sáng chói cho thế hệ nối tiếp học soi vào học hỏi.

Thế nào là lòng gắn bó với đức tin Hội Thánh Công giáo?

Vị Tôi tớ Chúa, Đức cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận trong lao tù đã suy niệm về lòng gắn bó với Hội Thánh Công giáo Việt Nam của các Vị Thánh anh hùng tử đạo Việt Nam.

„ Trong tù, chính tôi đã sống nỗi khổ của Giáo hội tử đạo. Tôi nghe thời gian qua đi, ngày này sang ngày khác mà không biết chung cuộc sẽ đi về đâu. tôi tự hỏi như ngôn sứ Isaia:“ Tuần canh ơi, đêm còn dài bao lâu nữa? Tuần canh ơi, đêm đến đâu rồi? Is 21,11. Trong những lúc đó tôi bắt đầu hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự tử đạo. Không phải sự tử đạo đổ máu, là điều tôi biết có thể xảy ra trước mắt tôi, nhưng sự tử đạo như là một cuộc sống không đặt để ranh giới kể cả ranh giới việc bảo tồn sự sống của chính mình, vì tình yêu đối với Thiên Chúa, vì trung thành với sự hiệp nhất và niềm hiệp thông của Giáo hội, và vì phục vụ Tin Mừng.

Người Kitô hữu không khinh rẻ mạng sống . Trong tù rôi còn nhớ những ngày hạnh phúc trong công tác mục vụ trong chức vụ Linh mục và Giám mục. Tôi nghĩ tới các tín hữu Công giáo thuộc giáo phận tôi nơi tôi đã sống, tới các anh em linh mục và giám mục, tới bạn bè, và thân nhân. Nếu được gặp lại họ thì vui sướng biết bao.

Nhưng đức tin của tôi thì không thể bị trả gía được. Không với bất cứ gía nào. Không thể nhượnhg bộ đức tin để đổi lấy một cuộc sống hạnh phúc. Xem ra tôi hiểu hơn một chút về sự tử đạo. Không đặt ranh giới cho tình yêu Thiên Chúa, kể cả ranh giới tự nhiên như ơn cứu rỗi của mình, mạng sống và niềm hạnh phúc của riêng mình. Và trong những lúc ấy, tôi nghĩ tới biết bao nhiêu Kitô hữu bị giam giữ, đau khổ và đầy ải. Tôi nghĩ tới những người gánh chịu những đau khổ lớn lao. Tôi nhớ lại những lời viết trong chương 2. thư gửi giáo đoàn Do Thái:“ Anh em chưa chiến đấu tới độ đổ máu trong cuộc chiến chống lại tội lỗi.“ (Dt 12,4.)

Trong những lúc đó, chúng ta khám phá ra rằng mình hiệp thông với biết bao nhiêu chứng nhân khác:“ Như thế cả chúng ta nữa, được một số đông đảo các chứng nhân bao quanh, cởi bỏ tất cả những gì là nặng nề và tội lỗi bủa vây, chúng ta hãy kiên trì trong cuộc chạy đua, mắt hướng nhìn về Chúa Giêsu, là Đấng khai mở và kiện toàn đức tin.“ (Dt 12,1-2.)

Tôi đã nghĩ tới các cuộc bách hại, cái chết và các Vị Tử Đạo xảy ra trong 350 năm tại Việt Nam, đã cống hiến cho Gíao hội biết bao nhiêu Vị Tử Đạo không được biết tới: khoảng 150.000 vị.

Chính tôi cũng ntin rằng ơn gọi linh mục của tôi gắn liền một cách nhiệm mầu nhưng đích thực với máu các Vị Tử Đạo này, đã gục ngã trong thế kỷ vừa qua trong khi các Ngài loan báo tin mừng và sự trung thành với sự hiệp nhất của Giáo hội, mặc cho cái chết hoặc bạo lực đe đọa.

Tôi nhớ tới chứng tá của ông cố nội tôi. Ông đã thường kể cho tôi nghe biết các người trong gia đình bị phân sáp và giao cho các gia đình bên lương canh chừng để họ dần dần mất đức tin thế nào, trong khi cha của ông bị bỏ tù. Như thế ông cố nội tôi khi mới lên 15 tuổi mỗi ngày đã phải đi bộ 30 cây số để tiếp tế cho cha một ít cơm và ít muối mà ông đã dành dụm được nơi gia đình ông sinh sống và làm việc. Ông phải ra đi lúc 3 giờ sáng để còn kịp trở về làm việc.

Phía ông ngoại tôi còn thê thảm hơn nữa. Vào năm 1885, giáo dân toàn xứ bị thiêu sống trong nhà thờ, trừ ông ngoại tôi, vì lúc đó còn là sinh viên du học ở Malaysia.

Tôi tin rằng lòng trung thành của Gíao hội Việt Nam được giải thích bằng máu của các Vị Tử Đạo đó. Các ơn gọi linh mục tu sĩ làm phong phú Gíao Hội Việt Nam được phát sinh từ ơn thử thách này. Các Vị Tử Đạo đã dạy chúng tôi biết nói lêmn hai tiếng xin vâng: xin vâng vô điều kiện và vô biên giới đối với tình yêu của Thiên Chúa.

Nhưng các Vị Tử Đạo cũng dạy cho chúng tôi nói lên tiếng không đối với các lời dụ dỗ ngon ngọt, những dàn xếp lắt léo, hoặc bất công nhằm mục đích cứu mạng sống mình, hay hưởng lấy chút an nhân thư thái…

Đó là một gia sản, cần phải luôn luôn chấp nhận. Nó không phải là chuyện tự động hay đương nhiên. Vì chúng ta có thể từ chối nó. Gia sản của các Vị Tử Đạo không phải là chí anh hùng mà là lòng trung tín. Gia tài này đã được chín mùi bằng cách hướng nhìn lên Chúa Giêsu, mẫu gương của cuộc sống Kitô hữu, mẫu gương của mọi nhân chứng, mẫu gương của tất cả các Vị Tử Đạo.“ (ĐHY Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, các bài giảng tĩnh tâm cho đức Thánh Cha và Giáo triều Roma 2000, Dân Chúa 2001, trang 138-141.)

Lòng gắn bó nào cũng đòi hỏi sự hy sinh dấn thân, nhất là lòng quảng đại và lòng trung thành.

Kỷ niệm dịp đến thăm viếng Căn phòng vị Tôi Tớ Chúa
cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận

Địa chỉ liên lạc tới thăm Căn phòng

Stiftung der Celittinen zur hl. Maria
Graseggerstrasse 105
50737 Koeln- Longerich
Tel. 0049 (0) 221-974514-51
Herr Diakon W. Allhorn: 0221- 97451420
Email: info@cellitinnen.de

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long