Mẩu đối thoại với Thánh Gioan tiền hô.

Một người tín hưu vào thánh đường thấy tượng một vị Thánh hơi khác lạ. Vì vị Thánh này ăn mặc đơn sơ, hay nói theo kiểu „hiện sinh“, vị này từ đầu tóc tới y phục giầy dép theo lối sống bờ bụi như người sống trong rừng giữa thiên nhiên.

Tò mò đến gần mới rõ có tên vị Thánh khắc chạm dưới chân: Thánh Gioan tiền hô. Tò mò hơn người tín hữu đánh bạo hỏi chuyện vị Thánh.

1. Người tín hữu - NTH: Con xin chào Thánh nhân. Con là một tín hữu Chúa Kitô từ thuở còn thơ bé. Hầu như hằng năm con đều nghe giảng về Thánh nhân nhiều lần khi đi lễ. Nhưng dẫu vậy con cũng chưa hiểu biết về Thánh nhân bao nhiêu. Vậy xin Thánh nhân có thể cho con được nói chuyện với Thánh nhân ít giây phút?

Thánh Gioan: Dạ, chào Bạn. Tôi rất vui mừng được Bạn hôm nay đến viếng thăm tôi. Người ta dựng tôi nơi đây bao nhiêu năm rồi, và trong thánh đường này người ta cũng giảng nói đến tôi nhiều lần trong năm. Nhưng có mấy ai, hoặc rất hiếm có người như Bạn hôm nay đến nói chuyện với tôi. Tôi vui mừng được nói chuyện với Bạn và cám ơn Bạn rất nhiều.

2. NTH: Thưa Thánh nhân, có phải tên thật của Thánh nhân là Gioan, và tại sao lại có thêm tên Tiền hô?

Thánh Gioan: Đúng thế, tên của tôi là Gioan. Nhưng chính ra tên tôi phải là Dacaria mới đúng theo gia đình dòng tộc của nhà tôi. Vì bố tôi tên là Dacaria. Sở dĩ tôi có tên là Gioan là do bố tôi đặt cho như vậy khi tôi sinh ra.

Bố tôi là một Thầy cả trong đạo lo việc tế lễ Thiên Chúa trong đền thờ. Theo như lời Ông kể lại, đang lúc dâng lễ trong đền thờ, Thiên Thần Chúa hiện ra với Ông báo tin mẹ tôi có thai, dù mẹ tôi lúc đó đã gìa luống tuổi. Bố tôi hoài nghi lời Thiên Thần, làm sao có thể như thế được… Vì mẹ đã gìa luống tuổi rồi làm sao theo thiên nhiên có thể thụ thai sinh con được nữa. ..

Thế là Thiên Thần Chúa phạt Ông không nói được nữa. Ông bị câm cùng bị điếc. Ông âm thầm rút lui vào bóng tối ở nhà. Ông thấy bụng mẹ tôi cứ to dần. Tới ngày mẹ tôi sinh ra tôi, người ta hỏi mẹ tôi đặt tên cho tôi là gì? Mẹ tôi bảo lấy tấm giấy cho bố tôi viết tên tôi. Ông hiểu ý và viết chữ GIOAN.

Mọi người ngạc nhiên sao lại đặt tên con như thế. Bố tôi liền mở môi miệng ra nói được. Vui mừng chan chứa trong lòng và lộ ra trên gương mặt, Ông bảo tên nó là Gioan. Vì Thiên Thần Chúa bảo như thế. Thế là mọi người mới ngã ngửa ra…

Còn tiền hô, thì tôi không rõ cho lắm, tại sao tôi lại có thêm tên đó. Theo tôi hiểu đó là danh hiệu Hội Thánh Chúa Kito thêm vào để phân biệt với các vị Thánh Gioan khác.

3. NTH: Nhưng con nghĩ đâu chỉ đơn giản như thế, mà còn có ý nghĩa thâm sâu hơn thế nữa chứ?

Thánh Gioan: Bạn làm tôi hơi ngượng ngùng phải nói thêm chi tiết về tên tiền hô của ta.

Sau khi Chúa Giêsu Kitô sống lại rồi trở về trời, Hội Thánh Chúa lan rộng ra khắp nơi. Các Thánh Tông đồ nhớ lại những gì trong lịch sử đời Chúa Giêsu. Thánh sử Marco (1,1- 8) ngay khởi đầu sách Phúc âm của Ông về Chúa Giêsu đã viết về tôi như người đi trước dọn đường cho Chúa Giêsu đến.

Thánh Maco đưa ra sự kiện đó như bằng chứng lịch sử cùng trong ý nghĩa đạo đức thần học về đời sống Chúa Giêsu. Vì tôi là người đã xuất hiện trước công chúng nói về Chúa Giêsu cho mọi người thời lúc đó biết. Và ta là người thuộc về nhóm những người tu sỹ Qumran ở vùng bờ biển chết bên Do Thái. Nhóm tu sỹ Qumran có đời sống khổ hạnh, chuyên lo tìm hiểu Kinh Thánh trông đợi Đấng Cứu Thế tới.

Thời nay từ năm 1948 nói đến tu viện Qumran, tuy không còn nữa, nhưng những nhà khảo cổ, những học giả Kinh Thánh đều biết đến đến họ và ta, qua những mảnh da bản văn Kinh Thánh của Tu Viện đã tìm thấy. Từ đó, người ta lần tìm ra dấu vết của Tu viện Qumran. Như thế ta là một trong những nhân chứng vừa về phương diện lịch sử, vừa về vế khía cạnh đạo đức thần học cho Chúa Giêsu.

Căn cứ trên lời tiên tri Isaia: „này Ta sai sứ gỉa của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con“. Cùng lời có tính tiên tri của bố ta nói khi ta sinh ra đời“ Hài nhi con hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Chúa: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người.“ ( Thánh ca Benedictus.)

Và vì thế mà ta có tên: Gioan tiền hô.

4. NTH: Con cám ơn Thánh nhân, và như thế con mới bằng lòng được. Thế tại sao người ta lại để cho Thánh nhân đầu bù tóc rối, quần áo thô sơ như người ở trong rừng hoang?

Thánh Gioan: Bạn tò mò qúa. Nhưng hay đấy cùng thời sự. Ta không để ý đến chuyện này. Đó là đời sống của ta.

Số là sau khi lớn lên, ta từ gĩa cha mẹ lên đường tìm đời sống tự lập, nhất là con đường đạo đức theo ý Thiên Chúa. Như đã nói, ta tìm về sống nơi hoang dã thanh vắng, có thời ta vào tu viện Qumran cùng chung sống với các Tu sỹ đời chiêm niện ăn chay cầu nguyện. Việc ăn uống, ăn mặc là thứ yếu. Ta yêu mến thiên nhiên, thú vật trong rừng ăn lá cây, ăn châu chấu và mật ong rừng, là những sản phấm thiên nhiên Thiên Chúa tạo dựng cho đời sống. Ta lấy đó làm đủ ,và dùng chúng làm lương thực cho đời sống.

Còn ăn mặc sao cốt để che thân. Ta nghĩ, nếu ngày xưa lúc khởi đầu mà Ông Bà Nguyên tổ Adong Evà không lỗi phạm giới răn Thiên Chúa cấm đoán, thì con người chúng ta lúc này đâu cần phải mặc quần áo. Vì tội tổ tông mà chúng ta phải dùng đến quần áo để che thân cho khỏi xấu hổ đấy thôi. Phức tạp qúa. Thiện tai, thiện tai.

Vì thế, tiện có sẵn lông thú da lạc đà ta lấy quấn làm quần áo vừa ban ngày che nắng cho khỏi nóng bức, vừa ban đêm cho khỏi gía rét. Vì ở vùng sa mạc thời tiết rất khắc nghiệt ban ngày nóng như thiêu đốt, và ban đêm rét lạnh giá buốt. Bạn có biết không, ngày nay, người ta đi tìm da lông thú vật để may mạc quần áo đắt tiền cho sang trọng…

Sống trong nơi hoang dã và cũng để thích nghi với hoàn cảnh thời tiết cùng phong tục văn hóa xã hội lúc đó, người ta không cần phải cắt tóc ngắn. Tóc dài bây giờ các bạn cho là người rừng hoang dã, nhưng lúc đó là bình thường, có khi còn tốt cho sức khoẻ trời gía rét và nóng như thiêu…

Nhưng thôi, đó là nếp sống thiên nhiên ta muốn như vậy. Và vì thế, ngày nay, người ta vẽ, hoặc chạm khắc hình tượng ta với nét vẻ thô sơ hoang dã „ hiện sinh“ như vậy.

5. NTH: Thánh nhân là người tiền hô dọn đường cho Chúa Giêsu đến. Vậy Thánh nhân làm như thế nào?

Thánh Gioan: Ta không biết Bạn hỏi ta như vậy về khía cạnh nào kỹ thuật hay tinh thần đạo giáo?

Về khía cạnh phương tiện kỹ thuật ta không có gì phải nói. Còn về khía cạnh triết lý tinh thần đạo giáo, ta có nhiều để đề cập đến.Ta tụ tập đầu tiên một nhóm người lại và nói chuyện với họ về tình trạng thiêng liêng đời sống tâm hồn chúng ta đang trong giai đoạn trống rỗng. Vì chúng ta đang mất hướng đi niềm tin tinh thần.

Lý do tại sao đưa đến tình trạng như thế? Ta lần lượt cùng với mọi người đi trở ngược về thời qúa khứ trong Kinh Thánh. Trong đó nói rõ con người chúng ta có qúa nhiều tội lỗi sai phạm đánh mất những gì Thiên Chúa đã ban cho đời sống con người, bỏ lìa xa nguồn gốc là con Thiên Chúa của mình. Tội lỗi đã làm cho tinh thần đời sống con người trở nên khủng hoảng. Nhưng dẫu vậy Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Ngài hứa sẽ sai Đấng cứu thế đến uể cứu độ con người. Lời hứa của Thiên Chúa sai ban Đấng cứu thế đến cho trần gian đang đến.

Lẽ dĩ nhiên, dân chúng thời lúc đó bên đất nước Do Thái hằng mong đợi vị cứu tinh ra đời để cứu dân tộc đất nước khỏi sự thống trị của đế quốc Roma về phương diện chính trị. Nhưng đó không phải là điều ta rao giảng dọn đường cho vị cứu tinh như thế.

Điều ta rao giảng dọn đường cho Đấng Cứu tinh đến trong trần gian thuộc về tinh thần đạo giáo. Ngài đến mang ánh sáng ơn tình yêu mến, ánh sáng ơn tha thứ bình an và niềm hy vọng của Trời cao cho con người. Ngài là Thiên Chúa làm người có thân xác như mọi người trần gian.

Công việc sửa soạn chuẩn bị đón tiếp Người đến không ở việc thu dọn đường xá, nhà cửa cho sạch sẽ, cho đẹp. Nhưng là dọn con đường thiêng liêng tâm hồn mỗi người xa lánh sự dữ, sự tội, cùng trở về đời sống thiện hảo, sống tình bác ái giữa con người với nhau. Nói tóm lại sự ăn năn thống hối từ bỏ sự dữ, sự tội là cần thiết hơn cả.

Đấng cứu tinh đến không với quyền lực sức mạnh. Nhưng với tình yêu, sự tha thứ cho tâm hồn con người. Ngài đến cứu con người khỏi tình trạng tội lỗi. Lúc đầu có một ít nhóm người đến nghe ta rao giảng. Nhưng sau càng thêm đông hơn.

6. NTH: Ngoài lời rao giảng kêu gọi dọn đường đón Thiên Chúa, Đấng cứu tinh đến, Thánh nhân còn muốn uhay bắt họ làm gì khác nữa?

Thánh Gioan: Rao giảng cắt nghĩa cho người hiểu và suy nghĩ. Nhưng cũng phải có dấu hiệu để nói lên quyết tâm của mình, và cũng là để đánh dấu một khởi đầu mới. Vì thế, ta kêu gọi mọi người hãy thực hành sự thống hối ăn năn từ bỏ sự dữ qua việc nhận lãnh phép Rửa bằng nước ngay tại bờ sông Jordan. Chính ta chứ không ai khác rửa tội cho họ từng người một, chúc lành đọc lời cầu xin ơn tha thứ cho họ.

Ta làm nhiệm vụ thiêng liêng đó không phải do tự ta. Nhưng ta nhận được sứ mạng của Thiên Chúa sai ta đi làm như thế. Vì thế, ta hằng nói với mọi người sự xác quyết của ta: Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Chúa Thánh Thần.“

7. NTH: Con cám ơn Thánh nhân đã nói chuyện với con dài lâu hơn con mong ước. Và qua đó con hiểu biết thêm hơn về Thánh nhân cho nếp sống tinh thần đạo giáo của con, nhất là trong mùa Vọng chuẩn bị dọn con đường tâm hổn mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh tới. Con hẹn sẽ đến thăm viếng nói chuyện với Thánh nhân thêm nữa.

Thánh Gioan: Cám ơn Bạn. Ta cũng vui mừng được nói chuyện với Bạn. Tuy là những chuyện ngày xưa cách đây hơn hai ngàn năm. Nhưng lại luôn thời sự cho ngày hôm nay.

Chúc Bạn chuẩn bị dọn con đường tâm hồn đón mừng Chúa đến cho tốt đẹp thành công. Và hân hạnh hẹn gặp lại Bạn trong buổi nói chuyện cho ngày hôm nay. Thân ái chào Bạn.

Mùa Vọng 2014
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Phóng tác dựa theo Phúc âm chúa nhật thứ hai mùa Vọng.