Chiếc giếng nước

Trong lịch sử đời sống con người xưa nay trên mặt đất lúc nào cũng cần có nước để sinh sống.

Nước mưa trên trời rơi xuống, nước trong đại dương biển cả, nước trong lòng sông , ao hồ, nước từ trên núi cao chảy xuống. Nước không do con người chế tạo làm ra. Nước có trong thiên nhiên do Đấng Tạo Hóa ban cho vũ trụ.

Nhiều nơi không có, hay xa ao sông hồ, hay ở những nơi có ít nước trong lành vệ sinh, người ta phải đào sâu xuống lòng đất để lấy nước lên cho việc sinh sống. Hố sâu đào trong lòng đất lấy nước lên trong dân gian gọi là giếng nước.

Nước cần thiết cho đời sống, cho sự sống phát triển cùng được duy trì. Nước là báu vật không chỉ để tắm rửa, nhưng còn để cho các cơ quan trong thân thể con người cùng xúc vật được no đủ không bị khát, không bị tê kiệt bại liệt.

Cây cối, hoa qủa trong khu vườn, bên vệ đường, trong rừng sâu hay trên núi sườn đồi thiên nhiên cũng cần nước mới phát triển sinh sôi nẩy nở được.

Nước mang đến sự sống cho hôm nay cùng ngày mai được phát triển vươn lên, sinh hoa kết trái.

Tổ phụ Giacóp ngày xưa cũng đã đào một chiếc giếng sâu trong lòng đất lấy nước uống cho mọi người trong gia đình Ông và đàn xúc vật của Ông.

Chiếc Giếng nước Giacóp, hiện còn được bảo trì ở bên vùng Samaria thuộc Palestina trong ngôi đền thờ Chính Thống giáo.

Nhưng theo Phúc âm thuật lại có hai chiếc giếng nước nữa không có hình thể địa lý đào sâu xuống lòng đất. Đó là chiếc giếng của người phụ nữ miền Samaria và chiếc giếng Chúa Giêsu.

Chị phụ nữ người Samaria ra bờ giếng Giacóp kéo múc nước đem về dùng. Nhưng sau cùng chị lại trở thành chiếc giếng.

Tại sao vậy? Và là chiếc giếng gì vậy?

Chị phụ nữ người Samaria xin Chúa Giêsu: „ Thưa Ngài, xin cho nước uống, để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây múc nước nữa.“

Qua cuộc nói chuyện với Chúa Giêsu đang ngồi nghỉ bên bờ giếng Giacóp, lịch sử đời tư của chị ta được dần dần khai mở ra. Chiếc giếng này không là chiếc giếng hình thể địa lý, được xây bao bằng những cục đá giữ cho sạch sẽ cùng vững chắc ở chung quanh mép bờ thành giếng. Nhưng nó vô hình thể cùng ở tận trong trái tim tâm hồn đời chị, cùng không tuôn chảy ra nước để dùng uống giải khát. Nó chứa đựng lịch sử sâu kín đời sống chị hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Như dòng nước ở dưới nguồn lòng đất cuộn chảy mang đến cho giếng lúc nào cũng có đủ nước. Cũng vậy những lịch sử tâm sự sâu kín đời chị ta luôn như dòng nước cuộn lên trong lòng chị ta. Bây giờ chị gặp được người thông cảm, nhìn hiểu được đời sống mình, chị tin tưởng kể ra những tâm sự lịch sử đời mình.

Dòng nước lịch sử tâm sự sâu kín đời chị chảy trào dâng ra khỏi giếng lòng chị ta.

Chúa Giêsu trả lời cho chị người Samaria xin nước uống: „ Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ ban cho thì không bao giờ khát nữa. Vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời.“

Và như thế Chúa Giêsu nói về chính Ngài chiếc giếng nước hằng sống đó.

Cũng vậy, chiếc giếng nước Giêsu không phải là giếng nước địa lý đào sâu trong lòng đất. Nhưng là chiếc giếng nước tâm linh. Chiếc giếng nước Giêsu cung cấp nước hằng sống. Chính Ngài là nước sự sống ơn cứu chuộc.

Chiếc giếng nước Giêsu tuôn chảy dòng nước tâm linh ơn tha thứ, để cho tội nhân được ơn giải thoát, không bị kết án, có sức mạnh làm mới, xây dựng lại đời sống mình từ khởi đầu.

Chiếc giếng nước Giêsu không hình thể địa lý, nhưng sâu thẳm. Trong đó con người có thể dìm mình múc được nguồn mạch nước tình yêu thương của Người. Chiếc giếng này không có giới hạn, không khô cạn, không bị ngộ độc. Chiếc giếng nước Giêsu là giếng nước nguồn hy vọng cùng bình an hạnh phúc cho tâm hồn con người.

Những chiếc giếng nước thuật kể lại trong phúc âm ngày Chúa nhật thứ ba mùa chay là những lịch sử về tình yêu. Lịch sử tình yêu đời sống con người và lịch sử tình yêu ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu cho con người.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long