Tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Đại Hội Công giáo Việt Nam từ 37 năm qua theo tập tục tốt lành đạo đức diễn ra hằng năm vào dịp mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Năm nay Đại Hội đã được tổ chức cũng vào ngày lễ trọng của Giáo Hội, lễ mừng kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống từ ngày 18. đến 20. 05.2013 ở Aschaffenburg.

Đại Hội đã diễn ra long trọng trong khuôn khổ năm Đức Tin với chủ đề: Truyền đạt đức tin cho con cháu, và cũng trùng vào năm mừng kỷ niệm 25 năm 117 Vị Thánh tử đạo Việt Nam được tôn phong lên hàng Hiển Thánh, 1988 - 19.06. - 2013.

Đây là cơ hội rất tốt đẹp cùng cảm động cho người Công giáo Việt Nam nhớ lại gương sống đức tin vào Chúa của các Thánh tử đạo Việt Nam, bậc tiền nhân cha ông chúng ta.

Trong buổi lễ khai mạc Đại Hội ngày 18.05.2013 các Bạn Trẻ thanh thiếu niên đã rước kiệu cung nghinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam với bảy lá cờ cùng bảy cây nến có hình biểu tượng bảy ơn Đức Chúa Thánh Thần, và cây nến Chúa Phục sinh to lớn, tiến vào hội trường Đại Hội trong tiếng hát vang dội bài Khải hoàn ca kính mừng các Thánh Tử đạo Việt Nam.

Thật là một nghi thức mở đầu Đại Hội vừa rộn ràng trang trọng, vừa cảm động cùng đượm thấm mầu sắc tươi trẻ.

Liền sau Thánh lễ khai mạc, và ngay sau phần giờ thánh chầu Thánh Thể kính Đức Mẹ ở khu nhà nguyện, có nghi thức tôn vinh mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Di tích xương Thánh của Thánh Anrê Dũng Lạc được để trong mặt nhật đặt trên bàn thờ. Mọi người cùng đọc kinh kính mừng các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và sau đó cùng hát những bài tung hô mừng kính các Thánh như bài Khải hoàn ca, Đây bài ca ngàn trùng, Đẹp thay.

Đang khi mọi người cùng hát thánh ca mừng kính các Thánh, lần lượt từng người lên hôn kính đụng chạm vào Xương Thánh Anre Dũng Lạc, với tâm tình cầu nguyện xin Thánh Anre Dũng Lạc và các Thánh Tử Đạo Việt Nam phù hộ cho gia đình, cho bản thân mình, cho quê hương Giáo Hội Việt Nam.

Đây là một nghi thức đạo đức cảm động trong nếp sống đức tin Công giáo. Nghi thức đạo đức này đã trở thành tập tục trong Giáo Hội.

Tập tục đạo đức tôn kính, hôn kính di tích Xương Thánh đã có lâu đời trong Giáo Hội.

Tập tục này nói lên chiều mức sống động của đời sống đức tin vào Chúa.

Tôn kính di tích Xương các Thánh là biểu lộ lòng tôn vinh ca ngợi công trình thánh đức của Chúa thực hiện nơi đời sống các Thánh, mà các Ngài đã sống thể hiện khi xưa ở giữa trần gian.

Tôn kính di tích Xương các Thánh muốn nói lên tâm tình tạ ơn Chúa. Vì Thiên Chúa đã qua đời sống các Thánh chiếu tỏa tình yêu, lòng thương xót Chúa cho con người được cảm nhận thấy.

Tôn kính di tích Xương các Thánh muốn nói lên lòng cầu khấn xin các Thánh, giờ đây gần bên Chúa trên trời, phù hộ cho ta còn đang sống trong những giới hạn, trong những cám dỗ nơi trần gian, nhất là xin ơn trung thành với Chúa luôn mãi trong đời sộng.

Tôn kính di tích xương các Thánh tử đạo Việt Nam là cung cách sống lòng biết ơn hiếu thảo với cha ông của chúng ta, những người đã sống nêu gương cho chúng ta trung thành với đức tin vào Chúa.

Máu các Thánh tử đạo, cha ông của chúng ta đã đổ ra vì đức tin vào Chúa, vì lòng bác ái như Chúa dạy.

Thân xác Xương các Ngài đã được mai táng chôn vùi trong lòng đất. Nhưng máu xương các Ngài đã trở thành chất phân bón cho hạt giống đức tin vào Chúa được nẩy nở sinh cành lá tươi tốt.

“Hạt giống các tín hữu”: Ngoài con số từng ngàn từng vạn giáo dân trong các thế kỷ trứơc đây đã đi theo con đường tử nạn của Chúa, ngày nay là tất cả những ai đang lao động trong khắc khoải, trong khó nghèo cực độ về thể chất, kinh tế, trong hy sinh liên tục, nhưng chỉ mang một hoài bão là có thể trung kiên trong vườn nho Thiên Chúa, xứng với danh hiệu những người quản lý trung thành trong nước Trời.

“Hạt giống các tín hữu” là tất cả những ai ngày nay vì chính nghĩa Thiên Chúa và sống giữa những người đồng hương đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa cây Thập Giá của Chúa Kitô: Thánh Giá bài trừ sự nói dối, bài trừ tội ác, nhưng thúc đẩy con ngừơi biết thinh lặng, biết tha thứ, biết cầu xin cho nước Cha trị đến trong tâm linh nhân loại, và đặc biệt tại quê hương của họ là môi trường đời sống.

Công tác này: công tác liên tục diễn tiến trong nội tâm vừa gây go vừa trường kỳ vì luôn luôn bị hoàn cảnh đặc thù chế ngự, và âm mưu thử thách ĐỨC TIN, do đó, đòi hỏi rất nhiều nhẫn nại. Phải xác tín rằng: đêm tối rồi cũng qua đi và ánh bình minh đang ló rạng ngoài ngưỡng cửa.“ ( Á Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo đệ nhị, Bài giảng ngày phong 117 vị Thánh tử đạo Việt Nam, 19.06.1988).

„Xin các Thánh Tử Ðạo Việt Nam,
nơi vinh phúc chiếu soi rỡ ràng.
Xin lắng nghe lời con kêu khấn,
ban xuống muôn phúc trên nước Nam.“

Nhớ về Đại Hội Công giáo Việt Nam nước Đức 2013

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long