Nếp sống lắng nghe

Ngay từ khi còn thơ bé, trẻ con rất thích được cha mẹ lắng nghe, nhìn chúng. Nhờ thế em bé sống phát triển trong hạnh phúc vui sướng quân bình.

Và càng lớn tuổi, hầu như ai cũng thích được người khác lắng nghe mình nói. Cũng qua đó tinh thần chúng ta được phấn khởi sống vươn lên. Người con cảm thấy rất được an ủi nâng đỡ, khi cha mẹ lắng nghe họ giãi bày tâm tư ước muốn của họ. Và cha mẹ nào cũng vui mừng cảm thấy được an ủi, khi con cái lắng nghe cha mẹ chỉ dạy khuyên bảo.

Sau mỗi khi thuyết trình hay giảng giải, người nói thường hay nói lời sau cùng với khán gỉa: Xin cám ơn mọi người đã lắng nghe tôi...

Khi ai có tâm sự điều gì muốn giãi bày, mà được người tín nhiệm lắng nghe, họ như cởi mở được tâm tư cảm thấy nhẹ nhàng. Vì có người đã lắng nghe thông cảm hiểu mình, sống liên đới với mình.

Lắng nghe là nghệ thuật truyền thông không bằng lời nói. Người lắng nghe người khác nói không chỉ chú ý nghe, nhưng còn bày tỏ cử chỉ ra như gật đầu, hướng con mắt tầm nhìn về người đối diện, động thái biểu hiện trên nét mặt, hay có khi còn bằng cử điệu của đôi tay nữa.

Lắng nghe cũng có khi qua âm thanh lời nói ngắn như lời chứng nhận Ah, Oho, mhm, a...Hay một câu hỏi lại Như vậy sao? Như thế nghĩa là gì ? Điều này thật gay cấn hay đấy? Và Anh , Ong, Bà, Chi, em cảm thấy thế nào?

Khi lắng nghe với chú ý trong tích cực còn làm giảm bớt những hiểu nhầm sai trái, củng cố xây dựng cho tốt hơn mối tương quan liên hệ, giúp nâng đỡ gây thiện cảm, là cung cách đơn giản sửa lại thiếu sót trong cư xử, học hỏi thêm nhờ qua nhận được phản hồi.

Khi sinh hạ Chúa Giêsu trong hang chuồng xúc vật Bethlehem, Đức mẹ đã lắng nghe những mục đồng, những nhà thông thái đến thăm viếng hài nhi Giêsu, kể chuyện về hài nhi Giêsu.

Trong đời sống đức tin đạo gíao, Chúa Giêsu lúc còn tuổi niên thiếu khi cùng với cha mẹ lên hành hương đền thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem đã ngồi lắng nghe những bậc thông thái giảng giải cắt nghĩa về luật đạo. (Lc 2, 46.)

Đức nguyên giáo hoàng Benedicto XVI. được ca ngợi là người kiên nhẫn lắng nghe người khác nói.

Đức đương kim giáo hoàng Phanxico đã bày tỏ tâm tư: „ Đó là bổn phận của tôi phải lắng nghe người khác, giúp nâng đỡ củng cố tinh thần họ, cùng cầu nguyện với họ, đưa bàn tay ra vươn tới họ, để họ cảm nhận ra rằng họ không bị bỏ rơi một mình.“

Khi cầu nguyện, lẽ dĩ nhiên là có lúc đọc kinh hay hát to tiếng. Nhưng cũng nhiều khi chỉ giữ yên lặng lắng nghe tiếng Chúa nói thầm trong tâm hồn. Và Chúa cũng lắng nghe tâm sự của ta âm thầm giãi bày trong thâm tâm.

Ngày xưa trên đường rao giảng nước Thiên Chúa, Maria, người em gái của Martha đã ngồi lắng nghe Chúa Giêsu nói chuyện giảng giải, khi Chúa Giêsu đến nhà thăm họ. Cung cách này được Chúa Giêsu chứng nhận ca ngợi:“ Marta, Marta, Chị băn khoăn lo lắng nghiều điều qúa. Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.“ ( Lc 10, 38-42). Lắng nghe không hẳn chỉ là nghệ thuật sống lịch sự đắc nhân tâm, nhưng còn hơn thế nữa. Đó còn là cung cách nếp sống của một tấm lòng chân thành cởi mở muốn học hỏi cùng sống thông cảm tình liên đới.

Và lắng nghe cũng là nếp sống của một tâm hồn đạo đức biết nhận nghe tiếng Chúa nói thầm trong lòng cùng trong thiên nhiên.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long