Đến cùng con người

Sau thời gian học hỏi huấn luyện, các học viên được sai ra đi hoạt động làm việc ở những vùng nơi con người đang sinh sống. Họ có nhiệm vụ sống giữa con người và loan truyền làm chứng cho điều đã học hỏi, để giúp đỡ và thuyết phục con người.

Điều này các phong trào hội đoàn văn hóa chính trị xưa nay vẫn thực hành.

Chúa Giêsu ngày xưa sau quãng thời gian rao giảng nước Thiên Chúa và trước khi trở về trời, cũng sai các Tông đồ ra đi: „ Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần, làm chứng cho Thầy đến tận cùng mọi biên giới trái đất.“ (Cv 1,8)

Chúa Giêsu sai các Tông đồ ra đi với sứ mạng truyền giáo.

Nhưng truyền giáo là gì ?

Căn cứ vào lời Chúa Giêsu truyền cho Giáo Hội, cách đây 400 năm các Linh mục, các Thầy Dòng từ Pháp, Tây ban Nha, Bồ đào Nha, sang truyền giáo trên quê hương đất nước Việt Nam.

Họ là những người được Giáo Hội, được Dòng tu sai đi sang Việt Nam sống giữa người dân và làm chứng cho tin mừng tình yêu Chúa không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính sự hy sinh dấn thân đời sống qua nếp sống bác ái, nếp sống khiêm nhượng hòa mình giữa lòng văn hóa xã hội con người.

Linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) sang truyền giáo ở Việt Nam năm 1627-1645. Trong thời gian này vị thừa sai đã sáng lập ra Chữ Quốc Ngữ viết theo mẫu tự Latinh cho nước Việt Nam.

Công việc truyền giáo của Cha đã đi đến tận cùng biên giới ngôn ngữ văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trước quan triều đình, Cha Đắc Lộ nói: „ Tôi đến xứ Nam Việt và ở lại đây chẳng vì mục đích nào khác ngoài ý muốn giữ trọn giới răn Chúa, là Đấng mà Thượng Vương cũng như tôi và các vua chúa thế gian đều phải thờ phượng kính mến. Cho đến nay tôi vẫn rao giảng đức tin song không hề cưỡng bách ai theo. Nhưng nếu ai nhận biết sự thật mà tin theo lẽ nào tôi độc ác đến nỗi ngăn cản họ, và làm như vậy là phạm một tội ghê gớm nhất. Vả lại ngoài việc giảng đạo làm sáng danh Thiên Chúa, tôi hoàn toàn vâng phục mọi lề luật của chúa Thượng và của quan lớn nữa.“ (Lm. Vũ Thành, Dòng máu anh hùng tập I. trang 27-28.)

Những lời biện bạch của Cha trước quan triều đình khác nào là bài giảng truyền giáo. Qua bài giảng này, cha đã nói lên công việc truyền giáo cha đang làm đi đến tận cùng biên giới về tinh thần khao khát sự thật của con người, về luật lệ trật tự trong đời sống xã hội và tôn trọng sự tự do của con người.
Khi bị điệu ra pháp trường chịu bị tử hình vì tội tin theo Chúa Giêsu Kitô, Thầy Andre Phú Yên đã nói những tâm tình của mình với mọi người:

„ Hỡi anh chị em, đối với Chúa Giêsu rất yêu dấu chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết và đau khổ vì chúng ta, chúng ta hãy lấy sự sống mà đáp lại sự sống.“ (Lm.Vũ Thành, Dòng máu anh hùng, Tập I., Trang 31.)

Những tâm tình tràn đầy lòng can đảm của Thầy Andre Phú Yên nói lên Thầy đã đi đến tận biên giới của khát vọng tinh thần nơi con người: tình yêu và hy vọng.

Thiên Chúa đã đoan hứa với dân của Người: „Ta sẽ cho anh em tương lai và niềm hy vọng.“ (Gieremia 29,11)

Truyền giáo không là điều gì khác hơn, như Đức giáo hoàng Phanxico trong sứ điệp về truyền giáo 2013 đã bày tỏ :

„Tinh thần truyền giáo là chứng từ của đời sống, soi sáng đường đi mang lại tình yêu và hy vọng.“

Khánh nhật truyền giáo 27.10.2013
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long