Tuyên xưng đức tin

Hằng tuần trong Thánh lễ ngày Chúa nhật và các Lễ trọng, người Công giáo đọc hay hát kinh Tin Kính tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba ngôi to tiếng âm vang khắp thánh đường.

Khi có em bé nhận lãnh Bí tích Rửa tội, cha mẹ em, vú bõ đỡ đầu cho em, những người thân thích trong gia đình, họ hàng và Cộng đoàn có mặt, đều đọc kinh tin kính tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba ngôi, thay cho em bé còn thơ ấu đang nhắm mắt ngủ vùi trong cánh tay người mẹ bồng ẵm.

Trước khi lãnh nhận chức thánh trong Hội Thánh, các ứng viên chịu chức cũng phải tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba ngôi trước bàn thờ Chúa, cùng vị đại diện Hội Thánh chứng giám.

Đọc kinh tin kính tuyên xưng đức tin ra bên ngoài thì không khó. Vì đó là một nghi lễ long trọng cùng cảm động. Nhưng sống giữ đức tin , tuyên xưng đức tin trong đời sống là việc không dễ chút nào. Vì nhiều cám dỗ thử thách, khó khăn luôn là rào cản lòng can đảm sống giữ đức tin vào Thiên Chúa. Nhất là trong những hoàn cảnh tế nhị khó khăn liên quan đến mạng sống, đến con đường công danh sự nghiệp, đến chọn lựa giữa sự dễ chịu và phải từ bỏ cố gắng hy sinh...

Thánh Phero, Tông đồ của Chúa Giêsu, mạnh mẽ tuyên xưng đức tin trước mặt Chúa Giêsu và các anh em Tông đồ: Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống. Nhưng lúc Chúa Giêsu, Thầy mình bị bắt, Ông lại chối Chúa Giêsu tới ba lần: Tôi không biết Ông ta là ai. Tôi không thuộc về nhóm Ông Ta!

Truyền thuyết kể lại, Thánh Phero đến Roma rao giảng làm chứng cho đức tin vào Chúa Giesu, nhưng bị vua quan nhà cầm quyền bách hại cấm cách. Ông thất vọng bỏ đi trốn ra khỏi thành Roma. Dọc đường Ông gặp Chúa Giêsu. Ông hỏi Chúa Giêsu: Quo vadis, Domine - Thưa Thầy, Thầy đi đâu ?

Chúa Giêsu trả lời :„Venio Romam iterum crucifigi. - Thầy trở lại thành Roma, để chịu bị đóng đinh lần nữa vào thập gía.“. Nghe vậy, Thánh nhân hiểu ý Chúa muốn liền quay trở lại Roma, và chịu tử vì đạo tuyên xưng đức tin vào Chúa.

Cung cách sống tuyên xưng đức tin của Thánh Phero, thể hiện rõ nét lòng hăng say nhiệt thành với đức tin, và sự mềm yếu lo sợ khi gặp thử thách phải làm chứng cho điều mình tin.

Phải chăng điều đó là thiên nhiên trong đời sống con người ?

Không dám qủa quyết là như thế. Nhưng trong đời sống, chúng ta cũng thường hay gặp những trường hợp cảnh ngộ tương tự như vậy.

Ở nhà chúng ta làm dấu Thánh Gía, đọc kinh Lạy Cha chung cả nhà trước khi dùng bữa ăn. Nhưng khi đi dọc đường vào quán ăn, nhiều khi quên hay không muốn làm dấu Thánh gía, đọc kinh Lạy Cha. Vì nghĩ rằng giữa đám đông người xa lạ khác biệt tôn giáo, mà làm như thế bị nhìn với con mắt xa lạ nghi kỵ.

Làm dấu Thánh Gía, đọc kinh Lạy Cha không chỉ là tâm tình cám ơn Chúa, cùng xin Người chúc lành cho bản thân, cho bữa ăn, mà còn hơn thế nữa. Đó cũng là cung cách tuyên xưng đức tin vào Chúa.

Nhiều cha mẹ thường căn dặn con cháu mình, mỗi khi họ đi học xa, hay đi làm xa nhà: Con nhớ hằng ngày phải làm dấu Thánh gía, đọc kinh Lạy Cha, Kinh Kính mừng nhớ đến Chúa, cám ơn Chúa, và xin Ngài chúc lành phù hộ che chở cho bằng an hồn xác.

Những lời căn dặn người con tuy đơn giản thôi, nhưng chan chứa tâm tình yêu mến cùng lòng đạo đức của bậc làm cha mẹ lo cho nếp tinh thần của con mình. Tâm tình này nói lên lòng tin sâu xa vào Thiên Chúa. Và đây cũng là cung cách sống tuyên xưng đức tin vào Ngài.

Ông Trùm Emmanuel Lê văn Phụng trong thời cấm đạo Công giáo bên Việt Nam năm 1859, bị bắt và bị tra khảo. Nhưng với lòng đơn thành Ông đã giữ vững tinh thần tuyên xưng đức tin vào Chúa cho đến chết.

„ Quan hỏi : Ông có phải là Công giáo không?
- Thưa phải.
- Ông có phải là Trùm trưởng không?
- Thưa phải.
- Ông có muốn nghe theo lệnh Vua truyền mà bỏ đạo để được trả tự do không?
- Bẩm quan, tôi giữ đạo Đức Chúa Trời từ nhỏ, nếu quan thương thì tôi được nhờ, nhưng tôi không bao giờ chối đạo.

....Biết không thể ép buộc được, quan kết án Ông phải thắt cổ vì tội chứa chấp đạo trưởng.
Theo lời khai của Ông Phero Tam là con, thì trong thời gian bị giam giữ Ông rất bình thản, không cho phép vợ con bỏ tiền ra chuộc, hay trả thù. Ông nói: Đừng trả thù những khốn khó cha phải chịu. Chúa đã muốn như vậy hãy để cha nhẫn nại chịu đựng.“ ( Lm. Vũ Thành, Dòng máu anh hùng, tập III. trang 215-216).

Thánh tử đạo Emmanuel Lê văn Phụng đã sống tuyên xưng đức tin vào Chúa, và đã sống thực hành nhân đức bác ái vị tha cho đến giờ phút cuối cùng đời sống.

Thánh tử đạo Emmanuel Lê văn Phụng đã sống chu toàn giới răn như Chúa truyền: mến Chúa và yêu người.

Năm Đức tin 2012 - 2013
Lễ mừng kính các Thánh Tử đạo Việt Nam, 24.11.2012

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long