Trên đỉnh cao đời sống

Là con người ngay từ khi còn nhỏ thơ bé đã muốn và luôn được bồng ẵm đưa lên chỗ cao, cụ thể là trên đôi tay, trên vai, trên đầu gối cha mẹ, được ở chỗ chính giữa gia đình...

Rồi khi dần khôn lớn và sau này ra sinh sống nơi trường đời, ước muốn vươn lên đạt được điểm cao, địa vị cao càng mạnh.

Tâm lý này thuộc về đời sống con người cùng giúp cuộc sống phát triển. Lẽ dĩ nhiên điều này phải nằm trong ranh giới của đức bác ái tôn trọng người khác. Không được vì ước muốn vươn cao của mình mà chà đạp chèn ép, khinh khi làm nhục người khác, cùng bỏ quên tương quan thực tế trong đời sống: có thăng, có trầm; có hạnh phúc niềm vui cùng có đau khổ!

Kinh Thánh thuật lại, Chúa Giêsu mang theo ba Tông đồ lên đỉnh núi cao ( Mc 9, 1-9).

Trên đó các Ông được nhìn tận mắt cảnh vinh quang sáng láng của Chúa Giêsu, người Thầy của mình.

Nơi đó các ông cảm nhận ra vẻ đẹp thiên nhiên huy hoàng lộng lẫy rất tốt để cư ngụ.

Chỗ cao trên ngọn núi không chỉ là nơi yên tĩnh, mà còn hợp với ước muốn vươn lên cao của tâm trạng con người nơi các ông: đây là nơi chốn bằng an, giống tựa thiên đàng không có đau khổ, hay họ muốn quên nơi chốn có nhiều khó khăn phức tạp ở bên dưới trần gian mặt đất!

Vì thế, Ông Thánh Phero muốn xin Chúa Giêsu làm nhà ở luôn trên này. Nhưng ước muốn này của Thánh Phero không hợp với ý Chúa Giêsu muốn và cùng không hợp với thực tại đời sống.

Chúa Giêsu thì không nghĩ như Ông Phero. Ngài lên đỉnh núi cao và sau lúc vinh quang biến hình, Ngài đi xuống núi trở về trần gian mặt đất dưới thấp.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa xuống trần gian làm người. Ngài mang Thiên Chúa đến trần gian cho con người. Nên Ngài muốn nói lên Thiên Chúa không chỉ có vinh quang trên cao, mà còn ẩn hiện cả trong bóng tối đau khổ dưới thấp nữa. Thiên Chúa cùng đồng hành với dân của Ngài trong lịch sử đời sống đau khổ và ngay trong cả sự chết. Quyền năng cao cả của Thiên Chúa được mạc khải trong cung cách con đường sống trung thành của Ngài, qua sự mỏng dòn của tình yêu ngài. Tình yêu sự hy sinh của Chúa Giêsu chịu đau khổ hạ mình xuống thấp mang lại ơn cứu độ cho con người.

Trong đời sống, ai cũng đều muốn được lên cao, và đã – hay sẽ - có những lúc đó. Nhưng ai cũng đều đã cùng sẽ phải trải qua những khúc quanh ngoặt xuống dốc, khúc tối tăm đau khổ. Đó là thực tế đời sống con người.

Cha mẹ sinh thành nuôi dậy con cái là niềm vui hạnh phúc dành cho họ, tựa như lên đỉnh cao. Nhưng sự hy sinh dấn thân, phải chịu thử thách đau khổ của họ dành cho con cái, tựa như lúc xuống phải đi cúi xuống thấp, cũng to lớn mà còn dài hơn nhiều hơn nữa. Chính tình yêu lồng khung trong sự hy sinh chịu đựng của cha mẹ mang lại cho con cái sự lợi ích hôm nay cùng ngày mai.

Nhiều khi gặp thử thách, phải chịu đựng đau khổ, con người chúng ta trong bối rối hồ nghi nghĩ rằng mình bị Thiên Chúa Thần Thánh bỏ rơi một mình! Nhưng rất nhiều người đã tìm thấy ánh sáng sức lực cho tinh thần được can đảm vững mạnh qua lời cầu khấn cùng Chúa Giêsu, cùng các Thánh. Và từ đó tìm nhận ra lối đi vượt qua ngõ bí cùng cực.

Trên đỉnh núi cao ba Thánh Tông đồ được thấy vinh quang của Chúa Giêsu, các Ông ngủ quên. Khi phải xuống núi, các Ông không hiểu tại sao lại phải đi xuống dưới thấp. Nhưng ngày Chúa sống lại từ cõi chết, mắt các Ông mở ra hiểu nhận ra thực tế đời sống Chúa Giêsu như thế nào.

Trên đỉnh núi cao ba Thánh Tông đồ mệt mỏi cùng có tâm trạng sợ hãi lo lắng không hiểu Chúa Giêsu đã nói gì với Tiên Elija và Tiên Tri Maisen. Nhưng ngày Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống các Ông mới hiểu nhận ra Lề Luật cùng các Tiên Tri đã nói trước về cuộc hy sinh tử nạn cùng sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô mang đến ơn cứu chuộc cho con người.

Tin theo Chúa Giêsu lấy Lời Ngài là ánh sáng dẫn soi đường đi rất nhiều khi lại ngược chiều với ý muốn ước vọng của con người. Nhưng con đường tin theo Chúa đánh thức tâm trí ta trở về với thực tế đời sống: có lên cao niềm vui và cũng có xuống thấp phải hy sinh chịu đựng.

Và trong mọi hoàn cảnh như thế, luôn có Chúa hằng cùng đồng hành nâng đỡ.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long